Kỷ niệm 155 năm Ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu

VHO- Sáng 23.12, tại Khu di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu (phường Trường An, TP.Huế), Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ kỷ niệm 155 năm Ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

Kỷ niệm 155 năm Ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu - Anh 1

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại lăng mộ cụ Phan Bội Châu

Cụ Phan Bội Châu (1867- 1940) có tên khai sinh là Phan Văn San, hiệu Sào Nam, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Đan Nhiễm, nay thuộc xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.  

Ngay từ nhỏ, khi chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên Phan Văn San đã sớm có lòng yêu nước. Sau nhiều năm hoạt động từ Bắc chí Nam, đến năm 1905, cụ Phan Bội Châu đã xuất dương, bôn ba hoạt động ở Nhật Bản và Trung Quốc. Nhiều tổ chức yêu nước đã được cụ Phan Bội Châu thành lập và lãnh đạo, như: Duy Tân hội, phong trào Đông Du, Việt Nam Quang phục, Chấn Hoa Hưng Á…  Từ một tri thức phong kiến yêu nước, cụ Phan Bội Châu đã trở thành một nhà cách mạng dân chủ tư sản và bước vào ngưỡng cửa của cách mạng vô sản.

Kỷ niệm 155 năm Ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu - Anh 2

Đông đảo trí thức, sinh viên và học sinh dự Lễ kỷ niệm 155 Ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu

Sau nhiều năm hoạt động, đến năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc), đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội và bị kết án chung thân. Trước áp lực phong trào đấu tranh của nhân dân trong cả nước, thực dân Pháp phải ân xá và đưa cụ về giam lỏng tại Huế.

Trong thời gian đầu ở Huế, cụ Phan Bội Châu sống tại nhà cụ Nguyễn Bá Trác, sau chuyển về chùa Phổ Quang. Đến năm 1926, đồng bào Nam Bộ đã quyên góp cùng bạn bè cụ Phan Bội Châu mua mảnh đất ở dốc Bến Ngự và dựng nhà cho cụ. Từ đó, người dân Huế gọi cụ với cái tên thân thương là “Ông già Bến Ngự”.

Kỷ niệm 155 năm Ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu - Anh 3

Bia kỷ niệm về phong trào Đông Du và mối quan hệ giao lưu Việt- Nhật

Hiện nay, khuôn viên này chính là Khu di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1990. Ngoài căn nhà cụ từng sinh sống, còn có lăng mộ cụ Phan Bội Châu nằm ở chính giữa khu vườn, khu nhà thờ và từ đường… Từ đường được sử dụng làm không gian trưng bày 150 hiện vật, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phan Bội Châu, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu và giáo dục truyền thống cách mạng cho cộng đồng, đặc biệt là các thế hệ trẻ.

Kỷ niệm 155 năm Ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu - Anh 4

Học sinh Trường THCS Phan Sào Nam, TP.Huế tham quan không gian trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cụ Phan Bội Châu

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định: Những dấu ấn còn lại trong khu vườn hiện nay đã nói lên tình cảm, sự trân trọng của đồng bào, đồng chí cả nước nói chung và nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng đối với chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Huế vẫn lưu giữ những giá trị rất lớn về mặt lịch sử - văn hóa, là một di sản vô cùng quý báu của quốc gia, dân tộc; đồng thời là niềm tự hào của nhân dân Thừa Thiên Huế. Do đó, việc bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn các di sản ấy là nghĩa tình, là trách nhiệm cao cả, sâu nặng của hậu thế chúng ta.

Kỷ niệm 155 năm Ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu - Anh 5

Di tích Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. 

Ông Bình đề nghị Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo và chỉnh lý trưng bày bổ sung di tích. Đồng thời, liên kết với Sở GD&ĐT, Hội Khoa học Lịch sử, Hội hữu nghị Việt - Nhật của tỉnh tăng cường quan hệ hợp tác với Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Nghệ An, quê hương của cụ để đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại cố đô Huế.

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc