Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phải xây dựng môi trường văn hoá ngay trong chính cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình

Thứ Năm 22/12/2022 | 19:17 GMT+7

VHO- Chiều 22.12 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả nhiệm vụ năm 2022, triển khai kế hoạch công tác năm 2023. Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL và trực tuyến tới 2 đầu cầu tại TP.HCM và Đà Nẵng. Đồng chủ trì có các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thuỷ, Hoàng Đạo Cương. Tham dự Hội nghị có đại diện Tổng cục, Cục, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn

Tại Hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu đại diện các đơn vị không báo cáo nhiều về những gì đã làm được mà phải đi thực chất vào vấn đề, đưa ra điểm nghẽn để tìm cách tháo gỡ và đề ra giải pháp cụ thể để thực hiện. Trước các vấn đề mà các đơn vị của Bộ đưa ra, Bộ trưởng đã gợi mở cách làm cụ thể, chỉ đạo các đơn vị cần chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương chủ trì Hội nghị

Phát biểu về việc xây dựng môi trường văn hoá cơ sở (VHCS), bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục VHCS cho biết công tác xây dựng môi trường VHCS ở trung ương và địa phương sau 1 năm triển khai theo chủ đề công tác năm của Bộ, đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên sau một năm triển khai việc xây dựng môi trường VHCS đã có những khó khăn, hạn chế, điểm nghẽn cần phải khắc phục. Đó là sự quan tâm, nhận thức về tầm quan trọng của văn hoá ở các địa phương chưa thật sự đồng đều. Có những địa phương kể cả trước khi có Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 đã dồn lực đầu tư cho văn hoá. Thế nhưng vẫn còn đó những nơi đầu tư cho văn hoá còn khiêm tốn cả về hệ thống cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư dẫn đến hệ thống thiết chế văn hoá xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng môi trường VHCS ở địa phương. Bên cạnh đó, công tác dự báo quản lý nhà nước đôi khi chưa hiệu quả; trình độ cán bộ của ngành văn hoá còn hạn chế, nhận thức về tầm quan trọng của văn hoá trong một bộ phận cán bộ chưa đầy đủ dẫn đến công tác tham mưu còn nhiều thiếu sót.

Cục trưởng Cục VHCS Ninh Thị Thu Hương

Để khắc phục tồn tại, bà Ninh Thị Thu Hương đề xuất cần khẩn trương tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng việc hoàn thiện cơ chế chính sách về thu hút nguồn lực đầu tư trong phát triển sự nghiệp VHTTDL; chính sách thu hút, đãi ngộ tài năng lĩnh vực VHNT; chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người tham gia hoạt động văn hoá ở cơ sở; cơ chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển VHTTDL. Đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung chính sách và cơ chế tài chính để tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhân lực lĩnh vực VHTTDL. “Công tác đẩy mạnh xã hội hoá để huy động mọi nguồn lực cho xây dựng phát triển VHTTDL phải được tập trung thực hiện. Có được nguồn lực, chúng ta phải có chiến lược đầu tư có trọng điểm cho văn hoá chứ không thể đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả”, lãnh đạo Cục VHCS nêu rõ.

Đối với công tác văn hoá đối ngoại, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hoà chỉ rõ những giải pháp cụ thể để Cục không chỉ thực hiện tốt vai trò là lễ tân, ngoại giao mà phải lan toả được những nét đẹp của văn hoá Việt Nam ra với thế giới. Báo cáo về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Hoà cho biết trong năm qua, hoạt động thông tin, đối ngoại trong lĩnh vực của Bộ VHTTDL đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện trong khuôn khổ đa phương, khẳng định uy tín, vị thế Việt Nam, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia. Sau hơn 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, kể từ ngày 15.3, Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch. Đây là dấu mốc tạo tiền đề để nối lại hàng loạt hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong lĩnh vực VHTTDL. Trong đó, Bộ VHTTDL đã đàm phán, ký kết 6 thỏa thuận quốc tế, đáng chú ý là Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027 được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký kết cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Du lịch Trung Quốc Hồ Hòa Bình nhân chuyến thăm hữu nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (tháng 10.2022), Bản ghi nhớ hợp tác về văn hóa giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc giai đoạn 2023 - 2025 do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (tháng 12.2022); tổ chức 7 Tuần Văn hóa, Lễ hội Du lịch – Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài nhân dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao với các nước đối tác chiến lược, phục vụ chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa

Hướng đến năm 2023, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết, Cục sẽ xây dựng Kế hoạch đối ngoại của Bộ VHTTDL gắn kết các hoạt động văn hóa đối ngoại với nhiệm vụ chính trị đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; chú trọng tới các nước láng giềng, đối tác chiến lược như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Anh, Pháp, Italia, Bỉ, Canada, Argentina, U.A.E trong tổng số hơn 40 nước có kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao. Trong hành trình đẩy mạnh triển khai công tác văn hóa đối ngoại, Bộ VHTTDL mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí, truyền thông để lan tỏa “sức mạnh mềm” Việt Nam ra thế giới.

 Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trăn trở với những khó khăn mà các đoàn nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL gặp phải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến nghệ sĩ của các nhà hát phải “căng mình” đi hát phòng trà vì đồng lương không đủ. Làm người lãnh đạo, tôi rất xót xa. Đáng lẽ chúng ta phải có đủ mọi công cụ để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được đứng trên sân khấu lớn, được lao động và trả công xứng đáng. Chúng ta phải để nghệ sĩ yên tâm cống hiến cho công chúng. Nếu có vướng mắc phải chủ động bắt tay nghiên cứu, tham mưu giải pháp tháo gỡ chứ không thể để kéo dài; phải thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu”. Từ đó Bộ trưởng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn đề ra được các giải pháp cụ thể, phối hợp cùng các đơn vị để dần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Lê Hồng Phong

Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn

Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Phan Thanh Nam đề xuất ý kiến tăng cường công tác truyền thông trong lĩnh vực VHTTDL & gia đình

Báo cáo Bộ trưởng, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, chế độ đãi ngộ, chế độ tuổi nghỉ hưu… cho nghệ sĩ hiện nay đang có nhiều bất cập. “Không ít lần chúng tôi rơi nước mắt khi thấy nghệ sĩ Opera phải đi làm xe ôm. Nghệ sĩ múa không bám trụ được với nghề vì chế độ quá thấp. Đây là vấn đề chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận và sớm có giải pháp tháo gỡ về quy định, chính sách. Có thay đổi được thì chúng ta mới dễ thu hút nhân tài cho lĩnh vực”, Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly nêu.

Tiếp tục đổi mới, vì sự phát triển bền vững của ngành VHTTDL

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đề nghị các đơn vị tập trung công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, dồn lực, trí tuệ, công sức cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Bộ VHTTDL trong năm 2023. Trong kế hoạch sẽ có 2 dự án Luật, 11 Nghị định và hơn 50 Thông tư. “Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng phải thể hiện quyết tâm cao nhất để thực hiện. Trong năm 2022, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật là nhóm nhiệm vụ được quán triệt triển khai từ đầu năm nhưng việc thực hiện là rất khó vì không phải là nhiệm vụ một mình Bộ VHTTDL triển khai được mà phải có sự phối hợp từ sớm với các bên liên quan. Do đó, trong năm 2023, chúng ta phải chủ động, quyết liệt hơn”, Thứ trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL phải thẳng thắn nhìn nhận lại những việc đã làm để có sự đổi mới. Năm 2022, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chủ động đề xuất cho rà soát, đánh giá nhiệm vụ đã và đang thực hiện; nhất là nhiệm vụ liên quan đến các cuộc thi, giải thưởng phát triển văn hoá đọc. Với Vụ Văn hóa dân tộc, cần phải sơ kết ngay 1 năm thực hiện Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Về quy chế phối hợp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong và ngoài Bộ, giữa Bộ với các địa phương; phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để khâu phối hợp đạt hiệu quả, tránh triển khai thực hiện nhiệm vụ bị chậm trễ.

Trong lĩnh vực thể thao, theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, năm 2022, chúng ta đã tổ chức thành công 2 sự kiện lớn, được sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của người dân trong nước và bạn bè quốc tế là SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Bước sang năm 2023 ngành thể thao sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trong đó, Thứ trưởng yêu cầu cần sớm ổn định Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình để phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn. Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục TDTT khẩn trương tổ chức thực hiện; nhất là hoàn thiện hệ thống các trung tâm huấn luyện thể thao trải dài ở các địa hình như Tam Đảo, Sa Pa, Bình Thuận, Đà Lạt, tạo ra bức tranh tươi sáng cho thể thao Việt Nam trong tương lai. Phải làm sao để các dự án này đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ cho quá trình tập luyện nâng cao thành tích của các VĐV. Ngành cũng cần chú trọng công tác về khoa học, huấn luyện thể thao, dinh dưỡng.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định thể thao, di sản là hai lĩnh vực có nhiều kết quả nổi bật trong năm 2022

Về lĩnh vực di sản văn hóa, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, năm 2022, chúng ta hầu như không có sai phạm nào về di tích. Đây là thành tích lớn của ngành di sản. Một nội dung nữa phải thực hiện trong thời gian tới là xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa; thu hút nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa. Việc này phải được coi là chính sách đột phá trong thời gian tới. Làm sao để Việt Nam có một quỹ về di sản văn hóa. Mỗi địa phương có một quỹ để bảo tồn di sản văn hóa; hướng đến việc Nhà nước không phải bỏ ngân sách để tu bổ hàng chục nghìn di tích.

Bên cạnh đó phải tham mưu, cùng với Vụ Kế hoạch tài chính có được chương trình mục tiêu về bảo tồn di sản. Nếu làm được việc này thì đây sẽ là cuộc chấn hưng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cả dân tộc trong giai đoạn 5 năm tới. Đối với các bảo tàng, Thứ trưởng yêu cầu trong năm 2023, khi khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, cần phải đặt ra mục tiêu đón khách trở lại bình thường.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị tăng cường quản lý nhà nước về VHNT

Liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Nghị định về hoạt động văn học đang xin ý kiến, chủ trương và sẽ được tập trung nghiên cứu, sửa đổi để kịp thời trình Chính phủ. Nghị định về chế độ, chính sách đặc thù cho diễn viên; đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các nhà hát cũng đang được xây dựng.

Về điện ảnh, Thứ trưởng nhận định, từ 1.1.2023 sẽ có những khó khăn. Trong đó, chúng ta thực hiện kiểm duyệt phim theo hướng hậu kiểm. Vì thế, Cục Điện ảnh cần có bộ phận, thiết bị để kiểm soát được phim phát hành trên không gian mạng. Hiện nay, Bộ đang giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Bản quyền tác giả làm đề án kiểm soát trên không gian mạng, cố gắng triển khai trước Tết Nguyên đán.

Xác định các nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh, các nhóm vấn đề cần tiếp tục triển khai trong năm 2023 là xây dựng môi trường văn hoá cơ sở; công tác đào tạo, tổ chức cán bộ, xây dựng nhân lực cho ngành VHTTDL; phát triển văn hoá đối ngoại; công tác truyền thông; phục hồi, phát triển du lịch, phát triển thể dục thể thao… Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị sau Hội nghị sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể và ký cam kết với lãnh đạo Bộ về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2023. “Phương châm hành động xuyên suốt của Bộ trong suốt nhiệm kỳ và trong năm nay sẽ không thay đổi. Chúng ta cần quyết liệt hành động – khát vọng cống hiến để phát triển sự nghiệp VHTTDL và Gia đình”, Bộ trưởng nói. Sắp tới, Bộ sẽ xây dựng chủ đề cụ thể của năm công tác 2023.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị phải nêu cao quyết tâm, hành động thực chất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Về các nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng chỉ đạo cần phải tập trung xây dựng môi trường VHCS. Chủ đề công tác năm 2022 của Bộ đã lan toả tới nhiều địa phương, Bộ, ban, ngành. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" và nhiều cơ quan khác cũng hưởng ứng phong trào này nhằm cổ vũ việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tiến bộ, góp phần chấn hưng văn hoá.

Từ đó Bộ trưởng yêu cầu các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, đơn vị trong Bộ phải xây dựng môi trường văn hoá trong chính cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình. Việc xây dựng môi trường văn hoá phải thật sự là văn hóa chứ không phải xây dựng xong rồi bỏ; phải áp dụng quy định riêng trên cơ sở luật cán bộ công chức, viên chức và các quy định hiện hành. Với việc xây dựng văn hoá ở cơ sở, Bộ trưởng gợi mở, cần phải làm điểm để nhân rộng mô hình, huy động được sức mạnh tổng hợp. Vì thế các đơn vị, nhất là các đơn vị trực tiếp liên quan đến công việc này như Cục VHCS, Vụ Văn hóa dân tộc, Vụ Gia đình, Vụ Thư viện cần phải phối hợp với các đơn vị, các địa phương, có hướng dẫn cụ thể cho các Sở để cùng thực hiện. “Vì môi trường văn hóa bắt đầu từ gia đình, con người, từ địa bàn dân cư nên chúng ta phải “bám” vào đó và sớm triển khai thành kế hoạch thực hiện”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Hội nghị đã thống nhất nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2023

Về công tác cán bộ, đào tạo nhân lực cho ngành, Bộ trưởng yêu cầu các trường trong Bộ phải củng cố, tháo gỡ những điểm nghẽn về nhân lực cho ngành, tập trung đào tạo, nâng cao về chuyên môn cho đội ngũ cán bộ văn hoá trên cả nước bằng việc sâu sát đến các địa phương, vào từng “điểm lõm” để thực hiện. Về công tác cán bộ, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát lại quy hoạch và tạo điều kiện cho các cán bộ trong quy hoạch được đi học, có đủ điều kiện để sau này có thể bổ nhiệm, tạo lớp kế cận cho thế hệ đi trước. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghệ thuật cũng phải tính toán cụ thể chỉ tiêu bao nhiêu, năm nay tuyển sinh như thế nào...

Với lĩnh vực nghệ thuật, Bộ trưởng nêu rõ phải khẩn trương trình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù cho văn nghệ sĩ để tháo gỡ điểm nghẽn, tạo niềm tin, động lực, sự phấn chấn cho người nghệ sĩ sáng tạo. Cùng với đó là tạo điều kiện, khuyến khích cho nghệ sĩ có không gian sáng tạo; triển khai, hiện thực hóa cuộc vận động sáng tác tác phẩm VHNT Sống mãi với thời gian. Cần đầu tư và dồn các nguồn lực cho lĩnh vực này để khắc phục được tình trạng thiếu vắng tác phẩm sống mãi với thời gian như hiện nay.

Về hợp tác quốc tế, Bộ trưởng yêu cầu việc triển khai nhiệm vụ phải có trọng tâm, trọng điểm, không đơn thuần là các hoạt động lễ tân, ngoại giao. Cục Hợp tác quốc tế phải chủ động tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài, phối hợp với các đơn vị trong Bộ, dựa vào cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại để lan tỏa, phát huy được các giá trị văn hóa. Về lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành cần tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vừa được tổ chức.

Trong lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng yêu cầu ngành thể thao phải khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan để Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thiện Đề án về thể thao thành tích cao… Về công tác truyền thông, Bộ trưởng yêu cầu cần quan tâm, đổi mới hơn nữa đến công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước để lan toả những việc làm hay, hành động đẹp cũng như đấu tranh, phản bác những quan quan điểm sai trái, những hành vi lệch chuẩn…

 THU SÂM - ĐÌNH TOÁN; ảnh TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top