Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Cần sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

Thứ Bảy 17/12/2022 | 10:20 GMT+7

VHO- Sáng 17.12, tại Phiên chuyên đề Hội thảo Văn hóa 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã tham luận nhấn mạnh về Chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đồng chí BCĐ, BTC chủ trì Phiên chuyên đề

Sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hoá đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao, chiều sâu của trí tuệ và trình độ phát triển. Những giá trị của văn hóa có sức sống bền vững và lan tỏa, làm nên sự trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc. Kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vai trò của văn hóa, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa trong sự nghiệp  giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam luôn nhất quán, không ngừng phát triển trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện hể chế, chính sách, phát huy các nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân  tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”.

Ông cho rằng: Để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”, chúng ta cần tiếp tục quán  triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn  hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; kết luận chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn  nghệ đã ban hành. Xác định rõ, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh nghiên cứu, xác định, tuyên truyền và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, vùng và địa phương, từng cơ quan, đơn vị.

Đối với những vấn đề cụ thể, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh việc phải bám sát ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hoá đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá, xây dựng con người. Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hoá từ Trung ương đến cơ sở. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hoá… Sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hoá…”.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày tham luận tại Phiên chuyên đề

Hoàn thiện các chính sách kinh tế văn hóa

Từ đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần tập trung vào một số nội dung chính. Trong đó, cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá. Cải cách và hoàn thiện thể chế văn hóa cần được phát huy đồng bộ thông qua nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước song hành cùng trao quyền tự chủ nhiều hơn đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động văn hóa. Cần định hình tư duy, phương thức quản lý văn hóa thống nhất hiệu quả xã hội với hiệu quả kinh tế, mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích của cộng đồng và nhân dân. Giải quyết hài hòa, kết hợp giữa phát triển sự nghiệp văn hóa công ích với phát triển các ngành kinh doanh văn hóa. Hoàn thiện các chính sách kinh tế văn hóa, thực hiện những giải pháp căn cơ để phát triển lành mạnh thị trường văn hóa; đồng thời tăng cường đổi mới đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, quản lý hiện hành có liên quan; sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, gây cản trở, trì hoãn việc xây dựng, hình thành những giá trị văn hóa mới, tốt đẹp. Đổi mới cơ chế hỗ trợ đầu tư, không cào bằng, có nhiều hình thức tôn vinh xứng đáng những người giỏi, khuyến khích mọi tài năng, thực sự coi trọng động lực sáng tạo văn hóa. Phấn đấu có nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị nghệ thuật cao, sức lay động lớn, cổ vũ sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, làm lan tỏa các giá trị tốt đẹp của Đảng, của đất nước và con người  Việt Nam. Tìm kiếm mọi điều kiện mở rộng đầu ra, tăng cường quảng bá tác phẩm, đưa sản phẩm văn hóa đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. 

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tập trung cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn. Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, xác định và thực hiện sáng tạo, có hiệu quả những chiến  lược và giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực và địa bàn, vùng miền cụ thể. Đẩy mạnh việc triển khai chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam, đóng góp tích cực và có tỉ trọng ngày càng tăng đối với kinh tế. Hỗ trợ, đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ văn hóa, tăng cường khả năng kết nối quốc tế, tạo điều kiện để các nhà văn hóa, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm văn hóa đa dạng, mang bản sắc, giá trị Việt Nam.

Tạo cơ chế phối hợp, quảng bá, xúc tiến thương mại, xác định các sản phẩm chủ lực, ngành văn hóa có tiềm năng, lợi thế để quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường cơ chế hợp tác công - tư, phát huy các nguồn lực văn hóa phong phú trong nhân dân nhằm đa dạng hóa các sản  phẩm văn hóa có giá trị, đáp ứng nhu cầu các đối tượng thụ hưởng khác nhau. Triển khai xây dựng và thực hiện văn hóa số, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn  hóa và từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa.

Cần phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa bao gồm nguồn nhân lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ quá trình xã hội hóa, sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển văn hóa. 

Đối với nguồn lực con người, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng cần chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, những tài năng nghệ thuật của đất nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động, phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật, xây dựng các tác phẩm có chất lượng cao. Xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hóa phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, năng lực, phẩm chất bảo đảm ở tất cả các cấp. Tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ làm văn hóa, văn nghệ sĩ gắn bó với thực tiễn, đến với cuộc sống sôi động, rộng lớn của đất nước, vừa để tích lũy vốn sống, lấy cảm hứng và cũng là cách tốt nhất để nâng cao nhận  thức, tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm trong sáng tạo văn hóa. Chú ý đúng mức đến tính chất đặc thù của văn học, nghệ thuật xây dựng, hình thành có đội ngũ cán bộ giỏi, có tâm, có tài, hiểu biết, quý trọng văn nghệ sĩ, vừa kế thừa, vừa trẻ hóa đội  ngũ. Đầu tư tương xứng cho giáo dục văn hóa, lịch sử, khơi dậy khát vọng, lòng  yêu nước, sự tự tin cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. 

 Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham dự Hội thảo

Đối với nguồn lực tài chính, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho các hoạt động văn  hóa. Tăng đầu tư của Nhà nước cho văn hóa gắn với việc sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư. Đổi mới cơ chế đầu tư, tăng cường thu hút các nguồn vốn từ các ngành, lĩnh vực khác nhau cho phát triển văn hóa. Chú trọng xây dựng một số công trình văn hóa, nghệ thuật trọng điểm, đầu tư phát triển các trường văn hóa, nghệ thuật trên cả nước theo định hướng mới, khoa học, hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hỗ trợ đào tạo nghệ thuật khó, hiếm, đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ sáng tác, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ các hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật và báo chí, truyền thông phục vụ cho nhiệm vụ tuyền truyền chính trị của Đảng và Nhà nước. Thực hiện sáng tạo chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hệ thống các cơ quan tuyên giáo, báo chí, truyền thông cần đi đầu, phát huy sức mạnh tổng hợp đề cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cổ vũ các giá trị văn hóa cao đẹp và sức mạnh con người Việt Nam, truyền cảm hứng tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh các nguồn lực nội sinh, cần quan tâm đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, phát triển, quảng bá văn hóa bằng du lịch, thúc đẩy hội nhập sâu giữa văn hóa  và du lịch, thông qua du lịch “xuất khẩu” văn hóa tại chỗ đối với du khách và bạn  bè quốc tế. Thực hiện các giải pháp “mượn lực từ bên ngoài”, tăng cường tiếng nói của các cơ quan báo chí, truyền thông, học giả, khách du lịch, người nước ngoài nói về những nét đặc sắc, những câu chuyện tốt đẹp về văn hóa và con người Việt Nam. Tích cực tiếp biến, hội nhập quốc tế về văn hóa, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đầu tư trí tuệ, nguồn vốn phát triển văn hóa. 

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, văn hóa cần phải được xem là mục tiêu của mọi sự phát triển, với những chuyển động mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững. Do đó, công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc vừa là khát vọng nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị cấp thiết đặt ra hiện nay. 

Để phát huy được sức mạnh, vai trò của văn hóa, thời gian tới, Ban Tuyên  giáo Trung ương đề nghị Quốc hội sớm ban hành Chương trình  mục tiêu quốc gia về văn hóa; đồng thời, cùng với Chính phủ tiếp tục quan tâm, tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm, đảm  bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Tăng  đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

THÚY HÀ- THU TRANG; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top