Nghề làm nước mắm Phú Quốc nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

VHO- Sáng 16.12, tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tổ chức trao Bằng chứng nhận của Bộ VHTTDL cho "Nghề làm nước mắm Phú Quốc" được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề làm nước mắm Phú Quốc có lịch sử hình thành và phát triển trên 200 năm, cung cấp một loại thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân địa phương, gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa - xã hội của TP. Phú Quốc. Ngày nay, với hương vị, màu sắc, đặc trưng riêng có của nước mắm Phú Quốc đã trở thành một mặt hàng truyền thống, một sản phẩm du lịch mang tính đặc thù riêng của Phú Quốc. 

Nghề làm nước mắm Phú Quốc nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Anh 1

Trao Bằng ghi danh Di sản văn hóa vi vật thể quốc gia cho UBND TP. Phú Quốc và Hội nước mắm

Hội nước mắm Phú Quốc hiện nay có 54 hội viên là chủ nhà thùng, các cơ sở sản xuất nước mắm tập trung chủ yếu là ở phường Dương Đông và phường An Thới TP. Phú Quốc. Có tổng cộng 7.009 thùng gỗ chượp cá, mỗi thùng có sức chứa từ 12 đến 15 tấn cá, tổng sản lượng cá bình quân khoảng 25.000 đến 30.000 tấn cá cơm sản xuất cho ra sản lượng nước mắm hằng năm từ 20 đến 30 triệu lít nước mắm tính từ 25 độ đạm trở lên. Với quy trình sản xuất theo phương pháp truyền thống, luôn được bảo tồn và phát triển.

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đây là sự kiện vô cùng quan trọng không chỉ đối với những người làm nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc mà còn có giá trị thúc đẩy hoàn thiện yêu cầu quản lý nhà nước đối với những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc thù, đặc trưng của Kiên Giang, góp phần đảm bảo chất lượng, phát triển thương hiệu, khả năng gia nhập thị trường trong và ngoài nước của các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Nghề sản xuất nước mắm thủ công truyền thống ở Phú Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử trên 200 năm. Đó là một quá trình tìm tòi học hỏi không ngừng cải tiến kỹ thuật từ thô sơ đến hiện đại, từ chất lượng thấp đến chất lượng cao, kết hợp cùng truyền thống “Cha truyền con nối” tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm cho nghề sản xuất nước mắm ở Phú Quốc, sản phẩm nước mắm sản xuất ở Phú Quốc không ngừng phát triển vươn xa đến các tỉnh trong nước và một số quốc gia trên thế giới.

Tại buổi lễ, UBND tỉnh Kiên Giang đã tặng bằng khen cho 5 tập thể, 5 cá nhân có công trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phí vật thể "Nghề làm nước mắm Phú Quốc". Nhân dịp này, còn diễn ra Hội thảo khoa học phát triển bền vững nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc với sự tham gia của nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu đầu ngành về nước mắm truyền thống của Việt Nam.

THẾ HẠNH

Ý kiến bạn đọc