Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Độc đáo Lễ hội 'Mừng lúa mới' của người K’Ho Srê ở Di Linh

Thứ Tư 14/12/2022 | 10:28 GMT+7

VHO - Nhô Lir Bông hay còn gọi là Lễ “Mừng lúa mới” là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống quan trọng nhất hằng năm của người K’Ho Srê tại Di Linh (Lâm Đồng).

Lễ hội mừng lúa mới của người K’ho Srê

Chuẩn bị công phu

Người K’ho Srê ở Di Linh là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số định cư lâu đời và đông đảo nhất tại đây và các khu vực lân cận. Hiện cộng đồng này vẫn còn đang giữ khá nhiều các nét văn hóa, phong tục truyền thống của dân tộc mình, trong đó có Lễ hội “Mừng lúa mới”. Theo phong tục, Lễ Mừng lúa mới thường được tổ chức vào tháng 10 Âm lịch hằng năm, là khoảng thời gian vụ mùa đã thu hoạch xong, lúa đã chất đầy kho. Lễ hội tổ chức nhằm mục đích tạ ơn các Thần, Yàng đã phù hộ cho buôn làng vụ mùa bội thu. Nhô Lir Bông được xem là Lễ hội lớn nhất và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây, tạo sự gắn bó và đoàn kết các thành viên trong buôn làng lại với nhau.

Đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái dân tộc K’Ho Srê ăn uống, nhảy múa, ca hát quanh cây Nêu với những tiếng chiêng, điệu múa mang đậm nét văn hóa cộng đồng.

Để chuẩn bị cho các nghi lễ trong Lễ hội, dân làng sẽ dựng lên một giàn tế lễ gồm 2 cây Nêu, một bàn thờ chính và một bàn thờ phụ. Tại nơi diễn ra nghi lễ, trên đỉnh mỗi cây Nêu sẽ treo một mảnh vải màu đỏ, với ý nghĩa báo hiệu cho thần linh về dự lễ dân làng đang cúng cầu mùa, cầu sức khoẻ, mong các vị thần chứng giám. Ngoài ra, trên cây Nêu còn có hình con chim cu, người Srê tin rằng, chim bay lên trời có thể đưa lễ cúng như lúa, gạo, bánh, chuối… đến cho ông bà, tổ tiên.

Chủ tế đọc lời khấn trong nghi thức tế lễ

Bàn thờ chính là nơi cúng kêu gọi thần linh về với dân làng gọi là “Hìu yàng pơdơng phăn sa Yàng in”, sẽ bày các lễ vật cúng bao gồm: chuối, gà, bánh nếp, trứng, thịt trâu, tim trâu… cùng 1 con gà đặt vào nơi cúng. Bàn thờ nhỏ bên cạnh hai cây nêu được làm giống như ngôi nhà gọi là “Hìu Yàng cat Ndu”. Trên đỉnh sẽ được trang trí các sợi tua trắng làm từ tre, bên trong được đặt các lễ vật như chuối, gạo, trứng… Người K’ho quan niệm đây là nơi để thần linh ngồi ăn uống cùng với dân làng. Ngoài ra, các lễ vật cũng được buôn làng chuẩn bị chu đáo trước đó nhiều ngày.

Thông thường, trong phần lễ vật của người Cơ Ho Srê luôn có tục hiến sinh để tạ ơn Giàng. Vào những năm được mùa, lễ lớn thì vật sẽ hiến sinh sẽ là một con trâu, còn ngược lại, lễ nhỏ hơn thì sẽ hiến sinh bằng dê hoặc gà.

Nghi thức độc đáo

Các nghi thức trong Lễ “Mừng lúa mới” sẽ được thực hiện tại không gian cộng đồng của buôn làng dưới dự chứng kiến của trời đất, dân làng và khách của buôn làng. Mở đầu lễ Mừng lúa mới, già làng sẽ thổi 3 hồi tù và báo hiệu bắt đầu các nghi thức. Các đội cồng chiêng do những chàng trai khỏe mạnh của buôn làng sẽ tấu lên các giai điệu vui tươi để chào mừng khách.

Buôn làng nhảy múa mừng Lễ hội

Tại không gian tế lễ, già làng với vai trò chủ lễ sẽ cùng cùng các thành viên có uy tín trong cộng đồng thực hiện nghi thức cúng Yàng. Chủ tế sẽ đại diện đốt cây trầm nước (một loại cây có hương thơm đặc biệt được lấy từ rừng) để hương thơm lan toả lấy cái may mắn xua đuổi cái xấu, cái không tốt đi nơi khác.

Kế tiếp, già làng sẽ đọc lời khấn cầu Yàng với nội dung: “Xin Yàng năm cũ đã qua, năm mới đã tới, xin Yàng cho một vụ mùa bội thu, mưa thuận, gió hòa, núi rừng yên ổn, dân làng no ấm cho lúa nhiều hạt, đặng năm nay đủ ăn, dư đến sang năm. Hỡi Yàng! Xin hãy ngoảnh mặt đến Bon làng, đến con cháu của người, Ông đã nghe tiếng gọi, Ông đã nghe tiếng Chiêng mời khách. Đã vang đến tầng mây xanh biếc, rền xa đến trời xanh. Hãy đến cùng Bon làng uống rượu.

Sau khi đọc lời khấn xong, một con gà trống sẽ bị giết để thực hiện nghi thức hiến sinh. Chủ lễ sau khi cắt tiết gà, sẽ bôi lên đầu các già làng và sau đó các già làng thay phiên nhau bôi lên đầu tất cả những người tham dự Lễ mới mục đích cầu cho con cháu sống lâu, khoẻ mạnh. Số tiết gà còn lại sẽ được bôi lên cây nêu và vật dụng trong lễ cúng, các công cụ lao động sản xuất.

Nghi thức cúng xong, già làng cắt nhỏ một ít thịt trâu bỏ xuống bàn thờ nhỏ để thần linh về thưởng thức lễ vật, chung vui với dân làng. Số thịt trâu được chia đều cho từng gia đình, phần còn lại sẽ được mang đi nấu nướng để dân làng và những người tham dự cùng ăn uống. Chủ tế cũng sẽ là người tiến hành khai choé rượu và uống trước, sau đó lần lượt sẽ mời khách và buôn làng cùng thưởng thức. Cuối cùng, dân làng sẽ vừa thưởng thức ẩm thực, uống rượu cần vừa nhảy múa, ca hát hòa theo những tiếng cồng chiêng, điệu múa truyền thống được trai gái của buôn làng tấu lên vui tươi và ấm cúng xung quanh không gian Lễ hội.

THÀNH KHIÊM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top