Gia đình no ấm, hạnh phúc thì quốc gia giàu mạnh

VHO- Để xây dựng “mái ấm” hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị của gia đình. Có thể nói, hệ giá trị gia đình chính là hồn cốt, là cốt lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Những biến đổi về cấu trúc, chức năng và hệ giá trị của gia đình quyết định đến diện mạo của gia đình Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử.

Gia đình no ấm, hạnh phúc thì quốc gia giàu mạnh - Anh 1

Tổ chức kỷ niệm đám cưới của ông bà, cha mẹ là một nét đẹp văn hóa hiện nay

Mặt khác, việc giành sự ưu tiên khác nhau đối với các giá trị cũng quyết định đến đời sống văn hóa ứng xử và sự phát triển của mỗi gia đình.

Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới

Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Chỉ thị 06/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”. Văn kiện ĐH 13, Chỉ thị 06 là sự tiếp nối quan trọng thể hiện tầm nhìn của Đảng về gia đình và công tác gia đình trong tình hình mới.

Trong mối quan hệ “Nước và nhà”, Nước được ví như cái nhà to, Nhà được ví như xã hội thu nhỏ, vì vậy Nhà - Gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, văn minh thì Nước - Quốc gia sẽ giàu mạnh. Đối với quốc gia, bản thân gia đình là một giá trị. Với chức năng sinh sản, gia đình đã góp phần duy trì nòi giống, tái sản xuất sức lao động xã hội, bảo đảm ổn định dân số và an ninh, quốc phòng. Với chức năng kinh tế, gia đình là một đơn vị ngày càng có vai trò quan trọng đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, tạo việc làm và an sinh xã hội. Với chức năng giáo dục, gia đình thực hiện việc dạy dỗ từ thai giáo đến khi con người trở về với quy luật tự nhiên của vũ trụ; các giá trị về văn hóa gia đình như sự hiếu thuận, kính trên, nhường dưới, tôn trọng, bao dung, yêu lao động, cần cù, sáng tạo, yêu cái đẹp, cái thiện… hình thành nên cốt cách con người, giá trị văn hóa, giá trị quốc gia - dân tộc Việt Nam. Có thể nói hệ giá trị của gia đình là tập hợp các giá trị của gia đình được hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của đất nước, được tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, nhân văn của các quốc gia trên thế giới.

Thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19, hậu quả để lại vô cùng to lớn. Từ trong đại dịch, mỗi chúng ta đều có cái để nhìn lại, để thấy được những điểm sáng về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội và những giá trị nhân văn sống tưởng như đã bị lãng quên thì nay tỏa sáng giúp vơi đi những lo lắng và cảm nhận được sự ấm áp của tình người. Gia đình chính là nơi nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị đạo đức đó... Đây là nhân tố quan trọng để dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc hôm nay.

Để xây dựng nguồn lực giúp đất nước chủ động hội nhập, Đảng ta đã xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 “giáo dục gia đình” kết hợp với “giáo dục nhà trường” và “giáo dục xã hội”, đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân. “Nước - Nhà” đặt trong mối quan hệ biện chứng lẫn nhau, khi đất nước tham gia hội nhập quốc tế thì gia đình là nơi chịu tác động của cả mặt tích cực và tiêu cực, việc lấy cái tích cực để ngăn ngừa cái tiêu cực “lấy cái tốt để lên án, phê phán cái xấu” là phương châm được Đảng ta đặt ra trong bối cảnh đất nước phát triển và hội nhập quốc tế. Các giá trị của gia đình sẽ là lá chắn vững chắc để bảo vệ từng thành viên trước những cám dỗ của cuộc sống, để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa gia đình, văn hóa quốc gia.

Đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững

Hiện nay, không ít gia đình chỉ lo phát triển kinh tế, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái bị suy giảm. Thậm chí có những gia đình còn “khoán” việc giáo dục nhân cách, lối sống của con mình cho nhà trường và xã hội, chưa có lối sống gương mẫu cho thế hệ trẻ, chưa duy trì được nền tảng, giá trị đạo đức trong các hành vi ứng xử văn hóa trong gia đình. Điều đó khiến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, giới trẻ cũng hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với những lối sống, hành vi ứng xử bên ngoài xã hội (nhất là mạng Internet) mà ở đó tồn tại không ít những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, sự thực dụng, trọng tiền tài, danh vọng, ích kỷ và tệ nạn xã hội…

Sự khủng hoảng của chức năng, giá trị của gia đình có mối quan hệ nhân quả với những vấn đề xã hội. Giá trị đạo đức, ứng xử trong gia đình không được duy trì, rèn giũa, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo là nhân tố dẫn đến những hành vi ứng xử lệch lạc, vi phạm pháp luật cả chính bên trong gia đình và ngoài xã hội. Những vấn đề này nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường. Gia đình không thực hiện tốt các chức năng của mình sẽ khiến xã hội mất ổn định, mất động lực phát triển của đất nước.

Để đưa Nghị Quyết của Đảng đi vào cuộc sống, cơ quan quản lý nhà nước kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần có những hành động cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, kiện toàn thống nhất các chức năng quản lý nhà nước có liên quan về Gia đình từ trung ương đến cơ sở theo Chỉ thị 06 và các Văn kiện của Đảng. Đáp ứng các điều kiện cần và đủ để thực hiện công tác gia đình hiện nay; Xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới, phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và chuyển trao các giá trị văn hóa của dân tộc từ gia đình, tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đúc ý chí tinh thần dân tộc, phát triển đất nước; Đổi mới và hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống hình thành nhân cách con người trước hết từ trong gia đình, kết hợp với nhà trường và xã hội; Nâng cao ý thức, trách nhiệm, của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, quan tâm chăm sóc đến trẻ em, người cao tuổi, các đối tượng yếu thế gắn với các phong trào thi đua sôi nổi, nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của mọi người về vai trò, vị trí của gia đình.

Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình Việt Nam tiếp cận tài chính, kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống đa dạng, phong phú. Các dịch vụ xã hội phát triển giúp ích cho gia đình thực hiện tốt các chức năng, vai trò đối với các thành viên gia đình và xã hội.

Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh. Là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn thịnh, hạnh phúc và đa dạng bản sắc văn hóa với những người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ “Đức và Tài” trước hội nhập sâu rộng nhưng vẫn giữ vững được đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, là nhiệm vụ quan trọng để “Xây dựng hệ giá trị gia đình” trong tình hình mới” đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. 

 

Thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19, hậu quả để lại vô cùng to lớn. Từ trong đại dịch, mỗi chúng ta đều có cái để nhìn lại, để thấy được những điểm sáng về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội và những giá trị nhân văn sống tưởng như đã bị lãng quên thì nay tỏa sáng giúp vơi đi những lo lắng và cảm nhận được sự ấm áp của tình người. Gia đình chính là nơi nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị đạo đức đó... Đây là nhân tố quan trọng để dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc hôm nay.

(TS TRẦN TUYẾT ÁNH, Vụ trưởng Vụ Gia đình)

 

TS TRẦN TUYẾT ÁNH (Vụ trưởng Vụ Gia đình)

Ý kiến bạn đọc