Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Gia đình có hai thế hệ học cùng trường, cùng lớp

Thứ Tư 07/12/2022 | 09:57 GMT+7

VHO- Mấy tháng nay, thay vì đi làm thầu xây dựng thì vào mỗi buổi sáng, ông Bùi Văn Quyết (sinh năm 1967, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) lại cắp sách đến trường Cao đẳng để học nghề. Theo chân ông là anh con trai 22 tuổi và chàng rể năm nay cũng gần ba mươi.


Hai thế hệ gia đình ông Bùi Văn Quyết (ở giữa), con rể (bên trái) học cùng lớp, và con trai học cùng trường, cùng khóa Ảnh: ĐẶNG DŨNG

 Ông Quyết và con rể học ở Khoa Xây dựng, còn anh con trai thì học ở Khoa Điện tử - tin học của trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Nói về “nhân duyên” này, ông Quyết cười phấn khởi, cả ba bố con đã đi làm nhiều năm và có thu nhập ổn định. Riêng ông là chủ thầu xây dựng, trả lương cho hơn 10 thợ làm thuê, trong đó con rể là Nguyễn Văn Điệp (sinh năm 1995). Tuy nhiên, trong một bữa cơm gia đình, ông Quyết tâm sự với các con: “Bố làm nghề xây dựng đến nay cũng được 30-40 năm, tự tìm tòi kinh nghiệm chứ không được học một cách bài bản. Trước kia không có điều kiện nên bố không được học hành, còn hiện giờ các con đã có điều kiện hơn thì nên đi học để có nghề, có bằng cấp, công việc cũng tốt hơn. Bố xung phong đi học trước”.

Tưởng nói để động viên các con, ai ngờ ông nói là làm luôn. Ông một mình đi tham khảo một số trường tại Bắc Ninh và khu vực lân cận, cuối cùng ông chọn Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh và nộp hồ sơ, học phí ngay. Cầm giấy xác nhận về nhà, các con mới tin bố mình đi học thật. Thấy vậy, anh con rể ngay lập tức đăng ký đi học Khoa Xây dựng cùng với bố vợ. Anh Điệp chia sẻ, vì hoàn cảnh nên anh bỏ học từ năm lớp 9 để đi làm phụ hồ xây dựng, đến nay cũng được hơn 10 năm, đã lên thợ chính. “Lúc bố em đưa giấy xác nhận nhập học cho cả nhà xem, em mới tin và thật nể phục. Bố em nhiều tuổi như vậy rồi, tay nghề cũng tốt hơn em mà còn quyết tâm đi học thì không lý gì mà em lại không đi. Dù kinh nghiệm xây dựng thực tế ở ngoài cũng có ít nhiều, nhưng em muốn được đào tạo chính thức, chuyên sâu. Đang đi làm có thu nhập, thời gian thoải mái nay phải thực hiện đúng nội quy của nhà trường có chút gò bó nhưng em sẽ cố gắng”, Điệp bày tỏ.

Còn anh trai Bùi Văn Long Khánh (sinh năm 2000) đang làm công nhân điện tử cho Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải nghe tin bố và anh rể đi học thì cũng làm thủ tục xin nghỉ việc để kịp nộp hồ sơ vào học Khoa Điện tử - Tin học vào tháng 8 vừa qua. Khánh học tới lớp 11 thì nghỉ đi làm công nhân với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. “Em đi làm rồi mới thấy việc được đào tạo bài bản ra rất quan trọng, biết thế em đã đi học từ sớm. Nghỉ làm thì mất thu nhập, nhưng em lại được thu nạp kiến thức, sau này có bằng cấp sẽ có mức lương cao hơn. Hồi em đi làm, các lãnh đạo đều hỏi em có được đào tạo chuyên môn không, em thấy xấu hổ và tự ti lắm. Vì thế, không cần phải đắn đo, suy nghĩ nhiều để theo chân bố và anh đi học”, Khánh tâm sự.

Thấy các con đều chăm chỉ và có tinh thần nỗ lực học tập, ông Quyết rất vui về quyết định đúng đắn của mình. Trong gia đình, ông là người chồng, người cha luôn được tôn trọng, yêu thương, gia đình hạnh phúc và được hàng xóm xung quanh quý mến. Trước đây, dù các con có công việc ổn định, đều có thu nhập nhưng ông luôn trăn trở về con đường học tập của các con, không khỏi lo lắng cho tương lai sau này, bởi xung quanh ông, nhiều công ty khi gặp khó khăn đều cho công nhân không có bằng cấp nghỉ việc. Theo ông, trong xu thế xã hội phát triển, người không được đào tạo chuyên môn sẽ dần bị đào thải, ngay cả đi xây dựng nhà cho cá nhân họ cũng đòi hỏi bản vẽ thiết kế, nếu chỉ bằng kinh nghiệm, kỹ thuật mà không biết đọc bản vẽ thì cơ hội cũng phải nhường cho người khác. “Ban đầu, mọi người thường nói đùa là tôi học xong thì về hưu là vừa. Đi học ngoài kiến thức cho bản thân, tôi muốn mình phải gương mẫu để các con noi theo. Bà xã tôi khi mới nghe tin cũng ngăn cản, nhưng sau khi được giải thích thì rất ủng hộ; cả con gái tôi cũng động viên chồng đi học. Bây giờ cả nhà đều vui, hàng xóm xung quanh cũng cổ vũ, đồng tình”, người học sinh cao tuổi nhất trường phấn khởi chia sẻ.

Không chỉ động viên con mình mà ông Quyết còn động viên, truyền cảm hứng học tập cho cả nhóm thợ. Thấy bậc cha, bậc anh dù nhiều tuổi nhưng vẫn cắp sách đến trường học một cách nghiêm túc, các bạn thợ trẻ cũng hứa khi có đủ kinh tế, điều kiện sẽ quay trở lại ghế nhà trường.

Nói về gia đình có ba bố con cùng nhập học, TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường CĐ Điện cơ và Xây dựng Bắc Ninh cho biết, ông Bùi Văn Quyết là học sinh đầu tiên của trường ở tuổi 55 và đây cũng là trường hợp đầu tiên có 2 thế hệ cùng đi học. Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong việc định hướng nghề nghiệp cho các con, không cần thiết phải vào đại học, nhưng cần được đào tạo để trở thành người lao động có kỹ năng nghề, được cấp bằng chính quy để tạo nhiều cơ hội rộng mở cho tương lai. Gia đình ông Bùi Văn Quyết rất đáng được nêu gương về tinh thần học tập suốt đời, không ngại khó, không ngại tuổi tác… 

QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top