Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lễ trao giải thưởng công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh" năm 2022: Chấn hưng văn hóa và khát vọng vươn tầm thế giới

Thứ Tư 07/12/2022 | 09:49 GMT+7

VHO- Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2022 với chủ đề Chấn hưng Văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững vừa diễn ra tại Hà Nội đã để lại nhiều dư âm tốt đẹp trong cộng đồng doanh nghiệp nước nhà. Kỳ vọng phát huy nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế, tạo ra những bước phát triển mới bền vững, tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã bộc bạch nhiều suy nghĩ, mong chờ về vai trò của chấn hưng văn hóa với phát triển kinh tế bền vững.

 Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp năm 2022

Văn hóa kinh doanh là yếu tố “lõi” trong xu thế phát triển bền vững

Trong xu thế phát triển bền vững, văn hóa kinh doanh chính là yếu tố “lõi” của năng lực cạnh tranh, là nền tảng phát triển của doanh nghiệp. Khi nền tảng văn hóa vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững.

Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp. Chúng ta đều biết, không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ… song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần. Để hướng tới sự tiện lợi, công nghệ có thể thay thế được nhiều thứ, song không thể thay thế được niềm tin, đạo đức và sự kết nối tinh thần giữa mọi người. Văn hóa doanh nghiệp có sức mạnh to lớn, truyền cảm hứng và tác động trực tiếp đến thái độ, động cơ và ý chí của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp.

Trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo như hiện nay, văn hóa kinh doanh càng thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ / lực đẩy” quan trọng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và thách thức, phục hồi và tiếp tục phát triển bền vững. Thực tế hơn 2 năm qua đã chứng minh, văn hóa kinh doanh đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến cố, chấn động bất ngờ, các “cú sốc” của thị trường và của đại dịch Covid-19. Văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội là nơi tạo ra nguồn vốn xã hội, là yếu tố giúp gia tăng nguồn lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.

Để phát triển liên tục và bền vững, doanh nghiệp cần củng cố và xây dựng nền móng văn hóa kinh doanh vững và sáng. Văn hóa kinh doanh sẽ là một trong những yếu tố quan trọng dẫn dắt sự tồn tại và phát triển bền vững của từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt.

Doanh nghiệp làm kinh tế đều mong tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện thực hóa khát vọng làm giàu nhưng không được chà đạp lên mọi giá trị, vì hoạt động kinh doanh còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật và văn hóa. Hơn nữa, bên cạnh lợi nhuận, nhiều nhà kinh doanh còn hướng đến các giá trị khác như khát vọng cống hiến đóng góp cho xã hội, tạo danh tiếng cho bản thân, được cộng đồng và xã hội tôn trọng và vinh danh, xa hơn là mang niềm tự hào dân tộc ra trường quốc tế…

Vì vậy, văn hóa kinh doanh hay kinh doanh có văn hóa là làm cái lợi gắn chặt với cái đúng và cái đẹp. Văn hóa kinh doanh hay kinh doanh có văn hóa đòi hỏi chủ thể không chỉ cố gắng bằng mọi cách để đạt được mục tiêu cá nhân, mà còn cần mang tới lợi ích, cái tốt, cái thiện, cái đẹp cho các bên liên quan như khách hàng, đối tác, cộng đồng, xã hội…

Văn hóa kinh doanh có thể sẽ không giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận ngay tức thì, nhưng sẽ là nền tảng để tăng ngưỡng chịu đựng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, vượt qua mọi thử thách. Điều này có thể thấy rõ ràng trong những thời kỳ khủng hoảng, gần đây nhất là thời kỳ đại dịch Covid-19. Trong hành trình xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa kinh doanh, bản thân người chủ doanh nghiệp - doanh nhân sẽ tạo dựng “ngân hàng” của sự tín nhiệm với các bên liên quan - hay trong kinh doanh, chúng ta vẫn thường nói là giữ “chữ tín”.

Có thể thấy, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nhân dẫn dắt sẽ trở thành con đường duy nhất nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục tồn tại và phát triển. Song song với đó, những hoạt động kinh doanh phi văn hóa, làm ăn chộp giật sẽ bị đào thải.

(Bà HÀ THU THANH, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam)

 Khát vọng vươn tầm thế giới của doanh nghiệp Việt Nam…

Doanh nhân Việt Nam cần có tư duy toàn cầu và mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Để có sự thành công vượt trội, chúng ta cần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đặc sắc và khác biệt. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn tầm thế giới và có thể bứt phá.

Mỗi doanh nghiệp đều có những đặc điểm văn hóa riêng. Cái riêng đó sẽ là yếu tố chính làm nên thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, các đơn vị đã có một tài liệu hướng dẫn quan trọng là Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam. Các Sở, ban, ngành, các hiệp hội Trung ương và địa phương nên sử dụng tài liệu này làm căn cứ đánh giá và xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét trao tặng các giải thưởng bên cạnh các tiêu chí khác.

Trong thời kỳ hội nhập, tôi cho rằng, doanh nhân Việt Nam muốn phát triển kinh doanh ra thị trường toàn cầu còn cần có những tiêu chí văn hóa kinh doanh phù hợp với giao thương quốc tế. Đó là những tiêu chí xem xét về đóng góp vào sự thịnh vượng chung của thế giới cũng như việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.

Khi doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, nên có thêm những quy tắc đạo đức hướng đến lợi ích chung của toàn nhân loại. Đó cũng là những quy tắc sẽ tạo nên sự khác biệt của doanh nhân Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa đáng quý của dân tộc.

Trong thời đại mà những vấn đề toàn cầu ngày càng nhức nhối, hơn lúc nào hết, chúng ta cần xác định thật rõ sứ mệnh của doanh nghiệp Việt Nam ngoài đóng góp vào sự phát triển của quốc gia là đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới do Liên Hiệp Quốc khởi xướng mà quan trọng nhất là gìn giữ hòa bình cho thế giới. Đóng góp đó cần được xem là một sứ mệnh thiêng liêng. Sự cống hiến, phụng sự cho nhân loại, bảo vệ môi trường sống trên trái đất cần được xem là một nghĩa vụ cao đẹp của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chứ không chỉ là trách nhiệm xã hội.

(KTS LÊ VIẾT HẢI, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình)

 

 Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho các tập thể

Trong quá trình triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, BộVHTTDL giữ vai trò nòng cốt trong việc đưa cuộc vận động vào đời sống xã hội; lan tỏa các giá trị và chuẩn mực văn hóa tới cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng môi trường văn hóa trong các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh; tổ chức các diễn đàn, hội nghị, sự kiện triển khai cuộc vận động và tổ chức “Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam và Quy chế xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” tới 63 tỉnh thành trên cả nước. Các hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các Sở VHTTDL, Sở VHTT, các doanh nghiệp.

Để ghi nhận thành tích xuất sắc triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai “Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định tặng Bằng khen cho 13 tập thể. Bằng khen đã được trao trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia thường niên Văn hóa với Doanh nghiệp năm 2022. P.MAI

 

 MINH NGỌC (lược ghi); ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top