Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Bái Ân

Thứ Ba 06/12/2022 | 17:16 GMT+7

VHO- Chùa Bái Ân (hay còn gọi là Chùa Dụ Ân) là một di tích có giá trị về mặt lịch sử. Tọa lạc ở vị trí quan trọng - cửa ngõ thủ đô, thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, ngôi chùa có một ý nghĩa đặc biệt trong lòng người dân thủ đô nói chung và người dân phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy nói riêng.

Nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng
 Căn cứ theo tấm bia đá được khắc năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708), đời vua Lê Dụ Tông thời Lê trung hưng, thì việc thờ tự trong chùa Bái Ân và các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng được hình thành trước năm 1708. Trải qua hơn 400 năm tồn tại, chùa Bái Ân cùng với đình làng, quán cây ao cá tạo thành cụm di tích làng Bái Ân, đã được vua chúa nhiều đời ban cho 22 đạo sắc phong. 
Trên cơ sở phân tích, hiện trạng kết cấu của di tích chùa Bái Ân cho thấy, do sự tác động phức tạp về nhiều mặt như thời gian, biến đổi khí hậu, sự tác động của con người, di tích và không gian kiến trúc cảnh quan chùa Bái Ân đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể: Chùa Bái Ân nằm trên vùng đất thấp nên mỗi khi có mưa lớn bị ngập rất nặng. Nhiều di vật, giấy tờ của chùa đã bị thất lạc hoặc hư hỏng qua những lần ngập nặng các năm về trước. Trong quá trình xây Tam Bảo và Nhà Mẫu, nhà chùa chỉ mới nâng được nền Tam Bảo, Nhà Mẫu và sân Nhà Mẫu lên cao.
Mặt khác, do ở vùng đất thấp, trũng, độ ẩm cao nên các công trình, hiện vật của chùa bằng gỗ bị mối, mọt tấn công. Nhà chùa từng dùng biện pháp phun thuốc chống mối mọt để bảo vệ các công trình, hiện vật nhưng sau không sử dụng vì lượng thuốc dư theo mạch nước đổ vào ao chùa, làm ô nhiễm môi trường và chết vật nuôi. Hiện nay, thực trạng này chưa có phương án xử lý triệt để, ảnh hưởng tới chất lượng của các công trình hiện hữu, nhất là những công trình có sử dụng nhiều gỗ.

Ngoài ra, căn nhà phụ trợ (cấp 4) bên cạnh Tam Bảo và nhà kho lâu ngày bị  xuống cấp trầm trọng có thể bị sập bất cứ lúc nào. Do kinh phí hạn hẹp khi xây dựng Tam Bảo và Nhà Mẫu nên gỗ sử dụng để làm kèo, mái của 2 công trình này không được tốt, hiện đã xuống cấp. 
Chịu sự tác động của thời gian cùng thiên tai, bão lũ nên nhiều hạng mục tại di tích Chùa Bái Ân đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập, đổ nếu không có giải pháp bảo vệ, trùng tu kịp thời.
Tìm giải pháp trùng tu di tích
Tồn tại qua nhiều thế kỷ, chùa Bái Ân đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Đến năm 2007, Tam Bảo được xây dựng lại mới trên nền Tam Bảo cũ, tiếp đó xây cổng chùa và tiểu cảnh trước Tam Bảo; đến năm 2011 thì xây Nhà Mẫu với nguồn kinh phí xã hội hóa. Được sự ủng hộ của nhân dân và các nhà hảo tâm, ngoài việc xây dựng, nhà chùa còn đại tu nhiều hạng mục: làm sân, tôn nền, bổ sung một số đồ thờ tự…

Chùa Bái Ân được các cấp chính quyền địa phương, người dân quan tâm, bảo vệ nhằm phát huy giá trị của di tích. UBND phường Nghĩa Đô đã có quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 5.3.2021 về việc kiện toàn Tiểu BQL di tích  nhằm bảo vệ, gìn giữ di tích nguyên trạng và đầy đủ theo quy định của Luật Di sản Văn hóa; phát huy các giá trị của di tích, phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc; đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; khai thác, phát triển du dịch, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di tích; khuyến khích xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, gắn với quản lý bằng pháp luật; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong khoảng 400 năm tồn tại, vấn đề bảo tồn, trùng tu Chùa Bái Ân đã được cộng đồng cư dân làng Bái Ân quan tâm thực hiện, bằng chứng là những dữ liệu lịch sử rất có giá trị hiện còn được bảo lưu tại di tích. Tuy nhiên, trong 400 năm ấy, Chùa Bái Ân cũng không tránh khỏi sự xuống cấp. Hiện nay, việc tu bổ Chùa Bái Ân nhằm gìn giữ toàn vẹn, lâu dài các giá trị của di tích là hết sức cấp thiết. 

Khó khăn nhất hiện nay trong công tác bảo tồn di tích chùa Bái Ân là việc phòng chống cháy nổ, chống mối mọt tượng cổ, nhà cổ và các dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Bái Ân vẫn còn chậm trước nguy cơ hư hại nặng hơn. Do đó, công tác triển khai đề án trung tu chùa Bái Ân cần được UBND quận Cầu Giấy, UBND TP. Hà Nội, các cơ quan liên quan sớm triển khai thực hiện. Các vấn đề liên quan đến nạo vét làm sạch ao chùa, khơi thông dòng chảy để đảm bảo an toàn nhà cổ cũng phải tính đến hình thức công - tư, đồng thời cần chú ý, hướng dẫn, tránh tác động đến di tích.

Việc trùng tu Chùa Bái Ân cần phải được tiếp cận nghiên cứu thận trọng. Trong đó, phải được tiến hành theo quan điểm bảo tồn phù hợp và đúng hướng, cùng với các giải pháp can thiệp chính xác và chuẩn mực, tránh trường hợp làm biến dạng di tích, theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa: “Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm giảm hoặc thay đổi đặc điểm, giá trị di tích, đồng thời ưu tiên bảo quản, gia cố, sau đó mới đến tu bổ, tôn tạo”. 

Thăng Long - Hà Nội nói chung và di tích chùa Bái Ân nói riêng có một vị trí và sứ mệnh đặc biệt trong việc tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam và hệ thống di sản văn hóa - nguồn tài nguyên vô giá trên mảnh đất ngàn năm văn hiến, góp phần quan trọng làm nên những giá trị ấy. Trải qua hàng ngàn năm với bao biến động dữ dội giữa các triều đại và thời kỳ lịch sử, sức sống di tích đang bị đe dọa, tiềm ẩn nguy cơ mai một, đòi hỏi có những ứng xử đúng đắn và tích cực, kịp thời để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
 

Ths. TRỊNH VĂN KHOA

Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng Việt Nam

Print
Tags: Di sản

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top