Những Ký ức còn mãi...

VHO- Tập truyện ký Ký ức còn mãi của tác giả Phạm Thị Trang vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành, đưa độc giả về miền ký ức của những truyện đời, truyện nghề và trải nghiệm văn hoá của chính tác giả.

Những Ký ức còn mãi... - Anh 1

Ký ức còn mãi gồm có 3 chương: Những bước chân chập chững về Đồng Nai, Nhiệm vụ mới và Tạm biệt Đồng Nai, là những trải nghiệm chân thật và cảm xúc theo thứ tự thời gian từ khi tác giả Phạm Thị Trang, nguyên Giám đốc Nhà máy Bao bì Biên Hòa còn là một nữ sinh Trường Sainte Marie. Hà Nội giải phóng, bà rời trường và tìm trường quốc ngữ của Việt Nam để học tiếng Việt. Sau đó, bà tiếp tục học sơ cấp, trung cấp kế toán của ngành bưu điện; chuyển sang công tác tại Ty Bưu điện Thanh Hóa. Cuối năm 1975, theo mong muốn của chồng, một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, gia đình của bà Trang quyết định vào Nam sinh sống.

Về công tác tại Nhà máy Bao bì Biên Hòa, bà Phạm Thị Trang vừa làm việc, vừa quyết tâm theo học bậc đại học tài chính - kế toán đầu tiên tổ chức tại TP.HCM. Những năm tháng ấy, việc sản xuất của Nhà máy gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề, bà cùng các cộng sự không ngại vất vả, đến các tỉnh, thành lân cận và vùng đồng bằng sông Cửu Long để tìm kiếm thị trường. Những nỗ lực được bù đắp khi từ gần 100 lao động, đến những năm 1999, số lượng công nhân của nhà máy đã tăng lên hơn 300. Đời sống của người lao động trong nhàmáy được cải thiện rõ rệt và họ luôn coi SOVI như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Những câu chuyện trong Ký ức còn mãi không chỉ mang đậm dấu ấn cá nhân, đặc sắc của cuộc sống mà tác giả từng trải qua, mà còn cho độc giả thấy được nhịp sống của đất nước ta trước và sau đổi mới; giai đoạn bản lề của Đảng, Nhà nước ta khi chuyển hướng tích cực hơn nữa sang xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu sắc. Để trang viết không khô khan, ngoài các sự kiện, câu chuyện điển hình được đưa vào, tác giả luôn để nhân vật, sự kiện trôi giữa dòng cảm xúc ấy. Mạch truyện nhịp nhàng, nhiều phân đoạn tâm lý được đẩy lên cao trào và vỡ òa khi nhận thức được bài học sâu sắc. Ngôn ngữ của tác giả trong truyện ký thể hiện sự mộc mạc, gần gũi. Nhờ vậy, những chiêm nghiệm về cuộc đời, con người… trong cuốn sách tuy cũ mà mới, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.

NAM ANH

Ý kiến bạn đọc