Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ngăn chặn bạo lực gia đình để không còn ai “chạy trốn” khỏi nơi bình yên

Thứ Sáu 02/12/2022 | 22:59 GMT+7

VHO- Khi nói đến gia đình là nói đến nơi an toàn, tràn ngập yêu thương song ở nhiều gia đình, lại là nơi có nhiều sóng gió, nhiều nỗi sợ hãi và nguy hiểm nhất. Nhiều người đã phải “chạy trốn” khỏi “chốn an toàn” ấy để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, giúp họ có thêm sức mạnh, nghị lực trong cuộc sống.

Ngày 2.12, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Chốn an toàn” và khai mạc triển lãm Chạy trốn “Chốn an toàn” nhằm  hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng trốn bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại khai mạc

Tham dự sự kiện có hơn 80 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam được quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; nhưng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em vẫn diễn ra nghiêm trọng. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (năm 2020-2021), bạo lực đối với với phụ nữ và trẻ em càng gia tăng đáng kể; cụ thể, trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được ghi nhận tăng 50%.

Số lượng người bị bạo lực được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình yên thực tế tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ… “Điều này cho thấy, trong nhiều trường hợp, gia đình không phải là nơi an toàn, nơi tràn ngập yêu thương mà lại là nơi có nhiều sóng gió, nhiều nỗi sợ hãi và nguy hiểm nhất, khi các thành viên luôn bất an trước các hình thức bạo lực do chính những người thân yêu gây ra. Họ phải chịu cả nỗi đau về thể xác và tinh thần, nhiều vết thương lành theo năm tháng nhưng cũng có những vết thương họ ám ảnh và mang theo cả một đời”, bà Nguyễn Minh Hương nhấn mạnh.

Các khách mời đặt ra những thách thức trong phòng, chống bạo lực giới ở Việt Nam

Trong số đó, không ít người đã phải chạy trốn khỏi “chốn an toàn” để tìm “nơi bình yên”, nơi họ có thể nhận được những hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, giúp họ có thêm sức mạnh, nghị lực trong cuộc sống. Điều đó cũng cho thấy, chúng ta cần chung tay phối hợp chặt chẽ hơn và có những giải pháp hành động quyết liệt hơn, cam kết mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đảm bảo tôn trọng và bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Nội dung triển lãm Chạy trốn “Chốn an toàn” gồm ba chủ đề: Trong chốn an toàn; Cùng suy ngẫm; Điểm tựa bình yên, phản ánh chân thực thực trạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới hiện nay và những nỗ lực, giải pháp của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các hoạt động phòng, chống, ứng phó với bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Thông điệp từ triển lãm cũng kêu gọi sự lên tiếng của nạn nhân, sự chung tay của toàn xã hội để đẩy lùi bạo lực gia đình, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi nhà. Triển lãm sẽ diễn ra trong thời gian một tháng (từ ngày 2 - 31.12).

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Tại cuộc tọa đàm “Chốn an toàn” diễn ra trong khuôn khổ khai mạc Triển lãm, các đại biểu Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam); ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia Đình, Bộ VHTTDL; chuyên gia Nguyễn Quang Huy, Ban điều hành Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững đã chỉ ra nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của các hình thức bạo lực trên cơ sở giới đang xảy ra hiện nay. Thông qua chia sẻ của một sinh viên nam đang theo học tại khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng cho thấy cách giới trẻ cũng đang gặp vấn đề bạo lực giới như: Bạo lực hẹn hò, bạo lực trên không gian mạng, bạo lực học đường… Từ đó, nhận diện thêm những thách thức, vấn đề đặt ra và đưa ra các giải pháp phù hợp.

Các khách mời cho rằng trong phòng chống bạo lực giới, cần thực hiện hỗ trợ nạn nhân của các bên liên quan; cải thiện sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ nạn nhân và thực hiện phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới có hiệu quả hơn; phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên, của nam giới và các thành viên trong gia đình trong ứng phó, ngăn ngừa và đẩy lui bạo lực trên cơ sở giới… để không còn ai phải “chạy trốn” khỏi “nơi an toàn”.

bỘ

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần ngăn ngặn BLGĐ

Từ năm 2021 đến nay, Bộ VHTTDL đã tổ chức triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên các tỉnh, thành cả nước. Thông qua việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, chúng tôi cũng mong rằng các hành vi bạo lực trong gia đình sẽ ngày càng giảm. Đạo đức là gốc của con người, gia đình là gốc của xã hội. Cần một quá trình chia sẻ, tuyên truyền thật rộng rãi để những điều tốt đẹp được nhân rộng trong chúng ta.

(Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý)

 

 

Q.HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top