Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp: Di sản sẽ được quan tâm, bảo vệ tốt hơn cho mai sau

Thứ Sáu 02/12/2022 | 10:42 GMT+7

VHO- Tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vừa chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.

 Đoàn Việt Nam vui mừng khi di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được ghi danh

Từ Ma rốc, trao đổi với Văn Hóa, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền, trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp bày tỏ sự vui mừng và hãnh diện khi Việt Nam có thêm di sản của một dân tộc thiểu số được ghi danh trong Danh sách của UNESCO. Điều đó đã chứng minh sự chung tay của Chính phủ, chính quyền địa phương cùng với cộng đồng trong nỗ lực bảo vệ di sản của cộng đồng người Chăm.

Điều đặc biệt của di sản

Bà Lê Thị Thu Hiền cho biết, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, tạo ra các sản phẩm gốm bằng tay thông qua việc sử dụng các công cụ đơn giản. Điều đặc biệt của di sản là người thực hành chủ yếu phụ nữ dân tộc Chăm, với các kiến thức và kỹ năng thủ công được trao truyền trong gia đình, dòng họ và cộng đồng thông qua truyền miệng và thực hành hằng ngày. UNESCO đã ghi nhận giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm liên quan đến sự trao đổi, tương tác giữa các cá nhân trong cộng đồng thông qua lao động và hoạt động xã hội, nâng cao vai trò của phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, là những giá trị gắn với nghệ thuật diễn xướng dân gian, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến tổ tiên nghề gốm Chăm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nghề gốm truyền thống của người Chăm đang có xu hướng biến đổi và mai một, thậm chí đứng trước nguy cơ biến mất.

“Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đối với Việt Nam, với cộng đồng người Chăm và đối với những người làm công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể là hết sức quan trọng. Chúng tôi hết sức vui mừng và hãnh diện khi có thêm một di sản của một dân tộc thiểu số của Việt Nam được ghi danh trong Danh sách của UNESCO. Điều đó đã chứng minh sự chung tay của Chính phủ, chính quyền địa phương cùng với cộng đồng trong nỗ lực bảo vệ di sản của cộng đồng người Chăm…”, bà Thu Hiền bày tỏ. “Niềm vui và niềm tự hào này chúng tôi xin trước hết dành cho các nghệ nhân và người thực hành gốm Chăm đang có mặt tại cuộc họp tại Rabat, xin chia sẻ sự xúc động này với lãnh đạo các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và toàn thể cộng đồng người Chăm ở Việt Nam và trên thế giới…”, bà Hiền nói ngay sau thời khắc quan trọng UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Cùng với niềm vui, bà Hiền chia sẻ: “Hy vọng, cùng với những hỗ trợ và giải pháp tích cực của Chính phủ và chính quyền địa phương, việc ghi danh của UNESCO sẽ giúp cho di sản này được quan tâm, bảo vệ tốt hơn cho thế hệ sau. Quyết nghị ghi danh của UNESCO đối với di sản cũng chính là sự khẳng định chắc chắn rằng, sự ghi danh này sẽ góp phần đắc lực vào việc lưu giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”.

 Điều đặc biệt của di sản này là, người thực hành chủ yếu phụ nữ dân tộc Chăm

Biểu hiện của sự sáng tạo cá nhân trên nền tảng tri thức cộng đồng

Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)… Nghề làm gốm được xem là biểu hiện của sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng. Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm. Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 - 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 8.000 độ C. Nguyên liệu (đất sét, cát, nước, củi và rơm) được khai thác tại chỗ. Đất sét được tái sinh theo chu kỳ vài ba năm sau khi khai thác tại cánh đồng Hamu Tanu Halan, bên bờ sông Quao thuộc làng Bàu Trúc (Ninh Thuận) và mỏ đất làng Xuân Quang (cách làng Bình Đức, Ninh Thuận 3 km). Dụng cụ làm gốm đơn giản do nghệ nhân tận dụng vật liệu tại chỗ.

Tri thức và kỹ năng làm gốm được trao truyền cho các thế hệ trong gia đình thông qua thực hành. Việc làm nghề tạo cơ hội cho người phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội, cũng như trong việc giáo dục nghề nghiệp cho con cái, nâng cao hơn nữa vai trò của họ trong xã hội. Nghề làm gốm cũng giúp tăng thu nhập của gia đình và bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, song nghề gốm của người Chăm vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một vì sự tác động của quá trình đô thị hóa đến khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu thô, sự chậm thích ứng với kinh tế thị trường và thế hệ trẻ ít quan tâm đến nghề. Theo Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đáp ứng các tiêu chí để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Di sản này liên quan đến nghề thủ công truyền thống làm gốm Chăm bằng tay và sử dụng các công cụ đơn giản. Chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm. Tri thức và kỹ năng làm nghề được trao truyền trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Việc trao truyền được thực hiện bằng biện pháp kể chuyện và thực hành hằng ngày. Di sản thu hút sự trao đổi và tương tác giữa những người thực hành nghề, các sinh hoạt xã hội và nâng cao vai trò của người phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại. Di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Nghề làm gốm của người Chăm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.

Hồ sơ di sản cho biết hiện số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề tại các làng gốm còn ít. Dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, di sản vẫn có nguy cơ mai một bởi nhiều mối đe dọa khác nhau. Bên cạnh đó, Hồ sơ trình bày chi tiết kế hoạch bảo vệ di sản được thực hiện trong bốn năm (2023 - 2026). Các mục tiêu của mỗi năm, các hoạt động cụ thể và kết quả dự kiến được trình bày rõ ràng trong hồ sơ. Các hoạt động bảo vệ được đề xuất nhằm giải quyết những thách thức được nêu. Cộng đồng, các nhóm và cá nhân có liên quan đã tham gia vào quá trình đề cử bằng cách cung cấp thông tin và đóng góp vào quá trình kiểm kê. Nhiều thành viên trong cộng đồng đã tham gia vào việc quay phim và chụp ảnh quá trình làm gốm và thờ cúng tổ nghề. 354 nghệ nhân đã đồng thuận về việc đề cử di sản này vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp…

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO. Thay mặt quốc gia thành viên có di sản được ghi danh, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, đại diện Bộ VHTTDL đã phát biểu đáp từ, cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ các giá trị của nghề làm gốm của người Chăm. “Việc UNESCO ghi danh sẽ giúp cộng đồng nhận thức đúng đắn, sát thực hơn về giá trị của di sản; khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm bảo vệ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách văn hóa trong nước hiểu rõ thêm về giá trị của loại hình di sản văn hóa phi vật thể, từ đó đưa ra những chính sách, đường lối quản lý văn hóa phù hợp. Đồng thời, là dịp giúp cho giới trẻ quan tâm đến di sản, nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người. Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được vinh danh là cơ hội để thế giới biết đến vàcũng là dịp để nhiều người được tiếp cận trực tiếp với những hoạt động của di sản…”, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh. 

 Việc UNESCO ghi danh sẽ giúp cộng đồng nhận thức đúng đắn, sát thực hơn về giátrị của di sản; khơi dậy niềm thào, trách nhiệm bảo vệ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách văn hóa trong nước hiểu rõ thêm về giátrị ca loi hình di sản văn ha phi vật thể, từ đó đưa ra những chính sách, đường lối quản lý văn hóa phù hợp. Đồng thời, là dịp giúp cho giới trẻ quan tâm đến di sản, nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người…

(Cục trưởng Cục Di sản văn hóa LÊ THỊ THU HIỀN)

 PHƯƠNG ANH; ảnh: CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top