Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Để tháp Chăm thực sự là sản phẩm du lịch

Thứ Sáu 02/12/2022 | 10:29 GMT+7

VHO- Có thể nói, hệ thống di tích văn hóa Champa ở Bình Định chứa đựng những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật rất có giá trị, là nguồn di sản để tạo ra tài nguyên văn hóa, du lịch mang phong cách vùng miền độc đáo.

 Tháp Đôi là điểm tham quan nổi tiếng của TP Quy Nhơn

Độc đáo kiến trúc nghệ thuật

Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 142 di tích được xếp hạng, bao gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia, 106 di tích cấp tỉnh. Trong đó, nổi bật là hệ thống di tích văn hóa Champa, có niên đại cách ngày nay trên dưới nghìn năm.

Bình Định hiện còn 8 cụm với 14 tháp Chăm, phân bố ở các địa phương như TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát. Kiến trúc đền tháp Chăm Bình Định có quy mô lớn, còn khá nguyên vẹn, mang phong cách kiến trúc độc đáo của thời kỳ Vijaya. Ngoài ra, còn có 3 di tích thành cổ (thành Đồ Bàn, thành Cha, thành Thị Nại), 6 di tích khu lò gốm cổ, 45 phế tích kiến trúc nằm rải rác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cụm tháp Dương Long được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2015, các cụm tháp còn lại xếp hạng di tích quốc gia.

Bên cạnh giá trị độc đáo của các công trình kiến trúc đền tháp, các di tích văn hóa Champa Bình Định còn có nhiều tác phẩm điêu khắc đá và điêu khắc đất nung hiếm quý. Hiện có 9 tác phẩm điêu khắc đá Bình Định được công nhận bảo vật quốc gia. Có thể nói, hệ thống di tích văn hóa Champa ở Bình Định chứa đựng những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật rất có giá trị và là một nguồn tài nguyên du lịch di sản văn hóa mang đặc trưng vùng miền độc đáo.

TS Đinh Bá Hòa cho biết, các di tích đều đặt dưới sự bảo vệ của cơ quan chuyên môn, một số tháp như Dương Long, tháp Đôi, Bánh Ít, Cánh Tiên, Bình Lâm… hạ tầng đã được đầu tư, đường đi đến di tích đã được bê tông hóa tạo thuận tiện cho việc đi đến tham quan di tích. “Các di tích nằm trong tour du lịch của tỉnh, các khu tháp như tháp Đôi, Bánh tít, Dương Long đã bán vé cho người đến tham quan. Theo con đường di sản miền Trung, sẽ là thiếu nếu chúng ta không ghé thăm các cụm tháp Chàm và Bảo tàng Bình Định”, ông Hòa nhận định.

Tăng cường quảng bá

Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: “Nhận thức rõ tiềm năng của du lịch văn hóa Bình Định, trong những năm qua ngành Du lịch đã phối hợp với Sở VHTT, triển khai các tour du lịch tham quan một số di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là tour tham quan tháp Đôi (Quy Nhơn), tháp Bánh Ít (Tuy Phước), tháp Cánh Tiên (An Nhơn), tháp Dương Long (Tây Sơn)… Thời gian qua, Sở VHTT phối hợp với Sở TT&TT, Sở Ngoại Vụ, Đài PT&TH hình Bình Định triển khai gắn mã QR thuyết minh tự động phục vụ khách tham quan các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các tour du lịch đến các di sản văn hóa Champa vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức, cần tiếp tục quan tâm để có những phương án khai thác, phục vụ hiệu quả hơn nữa cho phát triển du lịch.

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định chỉ ra thực tế cho thấy việc gắn kết du lịch với bảo tàng, di tích tháp Chăm hiện nay là việc làm cần thiết để thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa dân tộc và phát huy các giá trị của bảo tàng, di tích, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, gắn kết thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát huy được giá trị của các di sản văn hóa là vấn đề luôn luôn mới.

Theo ông Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh Bình Định, cần đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng thiết yếu đối với các di tích này. Chú trọng tôn tạo cảnh quan bên trong và bên ngoài, đảm bảo môi trường, nhà vệ sinh sạch, đẹp. Trang bị cơ sở vật chất như âm thanh, ánh sáng và một số thiết bị kỹ xảo tiên tiến cố định tại đây. Đồng thời, xây dựng khuôn viên sân khấu biểu diễn một cách bài bản, đảm bảo tính mỹ thuật và hài hoà với không gian của di tích để phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật thường xuyên tại đây. Mặt khác, cần chú ý xây dựng không gian văn hóa như thông qua việc trưng bày, triển lãm các loại nhạc cụ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giới thiệu và bán các sản phẩm truyền thống của Bình Định làm quà lưu niệm cho du khách.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Bình Định cho biết, để hoạt động du lịch bền vững, cần thực hiện quy hoạch, chọn lựa những tháp Chăm đặc trưng, thuận lợi cho việc đưa đón khách đến tham quan du lịch; đa dạng hóa các hoạt động tại các tháp Chăm. Cùng đó, khuyến khích, khôi phục các làng nghề truyền thống điêu khắc Champa, tiến đến quy hoạch thành các làng nghề cụ thể, trên cơ sở các di tích văn hóa Champa đã được xếp hạng như: Thành Cha, Lò gốm cổ Gò Sành, Lò gốm cổ Gò Hời... hỗ trợ các nghệ nhân điêu khắc phát triển nghề, từng bước hình thành các sản phẩm lưu niệm Chăm độc đáo. 

PHAN HIẾU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top