Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xét tặng các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT; danh nghiệp NSND, NSƯT: Khắc phục bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thứ Tư 30/11/2022 | 11:02 GMT+7

VHO- Bộ VHTTDL vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT (Nghị định 90); Nghị định số 133/2018/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP (Nghị định 133) khu vực phía Bắc.

Hội nghị đã thu được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, giúp cho công tác trao tặng danh hiệu phù hợp và sát với thực tiễn

 Bộ cũng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết việc thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (Nghị định 89); Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (Nghị định 40). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì các Hội nghị quan trọng này.

Đảm bảo việc xét tặng sát với thực tiễn

Báo cáo Tổng kết việc thực hiện Nghị định 90, Nghị định 133 về xét tặng các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, ông Lê Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng cho biết, qua các đợt xét tặng năm 2016 và 2021, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét tặng, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai. Nhằm khắc phục những bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phân công Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo Nghị định về xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT thay thế Nghị định số 90 và Nghị định số 133.

Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Bộ VHTTDL đề xuất, kiến nghị một số nội dung khi xây dựng Nghị định thay thế. Theo đó, đối tượng xét tặng và công tác nghiên cứu đề xuất đối tượng xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” của từng lĩnh vực VHNT chuyên ngành cần sát và phù hợp hơn. Bổ sung những quy định về quyền tác giả để có căn cứ giải quyết những nội dung liên quan đến vấn đề đồng tác giả. Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi quy định về người đại diện làm hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng cho tác phẩm, cụm tác phẩm của tác giả đã mất…

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều kiến nghị, cần xem xét lại quy định tác phẩm đã sử dụng để xét Giải thưởng Nhà nước không được dùng để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo ông, tác giả được xét tặng Giải thưởng Nhà nước hầu hết đã lớn tuổi, đã qua thời kỳ sung sức của sáng tạo, do vậy, khó có thể có tác phẩm xuất sắc hơn những tác phẩm đã được đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước...

Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân cho rằng, để nâng cao hiệu quả xét tặng các Giải thưởng, cần có cơ chế lấy ý kiến phản hồi công chúng, từ đó định lượng sức ảnh hưởng của tác phẩm đối với đời sống. Bên cạnh đó, Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý, nên phải chọn lọc, kết tinh từ các giải thưởng cao nhất của các cuộc thi chuyên ngành, nếu lấy các giải thấp hơn để đưa vào hồ sơ xét tặng sẽ làm hạ uy tín của giải.

Để khắc phục bất cập này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đề xuất, nên chăng sửa đổi quy định thành “tác giả có thể đăng ký đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh không cần qua bước xét Giải thưởng Nhà nước”. Ông Thành cho biết, trong mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh mà không qua xét Giải thưởng Nhà nước.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông nêu, dù tại Nghị định 133 đã quy định tác phẩm được công bố, sử dụng trước năm 1993 thì không cần giải thưởng, nhưng kể cả giai đoạn sau 1993, trong hoạt động của Hội VHNT chuyên ngành, lãnh đạo các Hội và nhiều nghệ sĩ lâu năm, tên tuổi không tham gia các cuộc thi, liên hoan, do vậy không đủ tiêu chuẩn để xét tặng Giải thưởng. Đây là một bất cập cần nghiên cứu để có giải pháp thay thế phù hợp.

 Bộ VHTTDL sẽ giao cơ quan chức năng tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng các dự thảo Nghị định mới phù hợp với thực tiễn, khẳng định việc trao tặng Giải thưởng, danh hiệu cao quý là sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước đối với các tác giả, tác phẩm, các “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” đã luôn hết mình cống hiến cho nền VHNT nước nhà. Qua đó, góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ tiếp tục say mê trong lao động sáng tạo để có nhiều chương trình, tác phẩm, tiết mục nghệ thuật giá trị phục vụ nhân dân.

(Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY)

 

Để việc xét tặng danh hiệu không còn lúng túng

Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Lê Ngọc Trung cho biết, triển khai thực hiện Nghị định 89 từ năm 2016-2019, Bộ VHTTDL đã tổ chức 2 đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, trong đó đã có 186 NSƯT được phong tặng danh hiệu NSND, 686 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT. Trên cơ sở thực tiễn, qua 2 đợt xét tặng danh hiệu năm 2016 và 2019 cũng như qua rà soát, tiếp thu ý kiến trao đổi của các đại biểu, chuyên gia, các nghệ sĩ tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89, để công tác xét tặng danh hiệu phù hợp hơn, Bộ VHTTDL đã tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40 ngày 30.3.2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89). Việc ban hành Nghị định 40 cơ bản đã giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong công tác xét tặng danh hiệu của những đợt trước đó. Hiện Bộ VHTTDL đang hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị cho cuộc họp của Hội đồng cấp Nhà nước.

Cùng với đó, Bộ cũng đã tổng hợp một số vướng mắc, khó khăn vẫn đang tồn tại, nổi cộm là thực trạng một số Hội đồng cấp Bộ/ tỉnh còn lúng túng trong việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo tiêu chí “trường hợp đặc biệt”. Thực tế, nhiều nơi cứ thiếu giải thưởng là xếp vào “trường hợp đặc biệt” nên số lượng hồ sơ dạng này còn nhiều hơn xét theo tiêu chí giải thưởng, dẫn đến có những hồ sơ thiếu thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc nghệ sĩ tuổi đời còn rất trẻ, chưa có cống hiến nổi trội, xuất sắc vẫn được xét trình lên Hội đồng cấp trên.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đăng Chương, đại diện Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nêu, hiện nay Nghị định 89 và 40 không xét danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng nhạc công, đây là điều bất hợp lý và thiệt thòi cho các nghệ sĩ. Ông Chương cũng cho rằng, quy định xét danh hiệu yêu cầu nghệ sĩ “phải công tác trong đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp” là không phù hợp. Thực tế, có nhiều nghệ sĩ độc lập, biểu diễn ở nhiều sân khấu khác nhau, vì thế chỉ cần quy định “nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp” là được.

 Nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân và họa sĩ Bùi Xuân Phái là ba trong số tác giả xuất sắc được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 Ảnh: Tư liệu

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục NTBD cũng đồng tình và đánh giá nhạc công giữ vai trò vô cùng quan trọng cho vở diễn, nếu không đưa họ vào xét tặng các danh hiệu thì sẽ không khuyến khích sức sáng tạo và chúng ta sẽ dễ mất đi bộ phận đó. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, tính toán lại tỷ lệ quy đổi huy chương cho phù hợp, tránh thiệt thòi cho các nghệ sĩ.

Từ những ý kiến đặt ra tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Bộ VHTTDL sẽ giao cơ quan chức năng tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng các dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 90, Nghị định 133 về xét tặng các Giải thưởng; thay thế Nghị định 89 và 40 về công tác xét tặng các danh hiệu, sao cho việc xét tặng phù hợp với thực tiễn, khẳng định việc trao Giải thưởng, danh hiệu cao quý là thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước đối với các tác giả, tác phẩm, “những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” đã luôn hết mình cống hiến cho nền VHNT nước nhà. Qua đó, góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ tiếp tục say mê trong lao động sáng tạo để có nhiều chương trình, tác phẩm, tiết mục nghệ thuật giá trị phục vụ nhân dân. “Bộ VHTTDL luôn lắng nghe và mong muốn có sự phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, hội chuyên ngành để triển khai xây dựng, tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định mới đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra”, Thứ trưởng bày tỏ.

Sau khu vực phía Bắc, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức các Hội nghị về nội dung này tại TP.HCM để lấy ý kiến đóng góp của các nghệ sĩ, nhà quản lý khu vực phía Nam. 

 PHƯƠNG ANH; ảnh: THU THƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top