Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng, thực hiện các hệ giá trị ở Việt Nam hiện nay: Đã đến lúc cần phải có câu trả lời

Thứ Hai 28/11/2022 | 10:03 GMT+7

VHO- Kế thừa và phát triển nhận thức của Đảng về xây dựng các hệ giá trị được nêu ra từ Đại hội VIII, Đại hội XIII đã khẳng định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

 Bậc thềm rồng tại khu vực Điện Kính Thiên Ảnh: HOÀNG HIẾU

Nhận thức rõ hơn về tính cấp thiết, và nội dung đặt ra đối với việc xây dựng các hệ giá trị trên là một vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn cấp bách hiện nay.

Cơ sở để củng cố niềm tin, phát triển bền vững đất nước

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu cụ thể không chỉ trong nhiệm kỳ khóa XIII mà còn mở rộng tầm nhìn, hướng tới dấu mốc quan trọng của đất nước ta trong những thập niên tới để “Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nhiệm kỳ đại hội XIII là một dấu mốc, một bước chuyển hết sức quan trọng, làm tiền đề để cho các nhiệm kỳ tiếp theo thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Một trong những trọng tâm mà Đại hội XIII đặt ra là: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong quá trình chuyển đổi, để đáp ứng nhu cầu xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam đóng góp một vai trò hết sức quan trọng để định hướng, dẫn dắt, đánh giá và điều chỉnh hành vi của xã hội. Sự tiến bộ về vật chất không phải lúc nào và ở đâu cũng đem đến hạnh phúc cho con người nếu không có hệ giá trị định chuẩn để nuôi dưỡng đời sống tinh thần của xã hội theo hướng chân, thiện, mỹ. Xây dựng các hệ giá trị chính là làm rõ bản chất cốt lõi không chỉ của nền văn hóa chúng ta xây dựng mà còn thể hiện bản chất của chế độ chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là cơ sở để củng cố niềm tin, xây dựng môi trường tinh thần lành mạnh cho phát triển bền vững đất nước.

Hành trình sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đã đi được một chặng đường dài, đến nay là hơn 36 năm. Trong đó, Đảng ta luôn trăn trở về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới kéo dài 22 năm (hơn 4 nhiệm kỳ Đại hội). Điều đó cho thấy đây là vấn đề cốt lõi, trọng yếu và cũng là vấn đề rất khó khăn, phức tạp, cần có sự thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong bối cảnh sôi động của quá trình đổi mới đất nước. Mặc dù là vấn đề khó khăn, phức tạp, kéo dài nhiều kỳ Đại hội, nhưng đã đến lúc chúng ta phải có câu trả lời để đáp ứng nhu cầu phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021.

Những nội dung cơ bản của các hệ giá trị

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại. Yêu nước, đoàn kết, tự cường, tình nghĩa, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Có thể khẳng định đây là sự kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc thiêng liêng mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta cùng với quan điểm của Đảng ta từ khóa VIII đến khóa XIII vừa qua về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam. Đây là những hệ giá trị đã và đang tồn tại trong đòi sống xã hội cần tiếp tục được khẳng định, xây dựng, phát triển và lan tỏa ở tầm cao mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Tư tưởng nổi bật và xuyên suốt ở đây là xây dựng các hệ giá trị này phải đảm bảo kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong đó, đối với hệ giá trị văn hóa quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu của cả dân tộc ta, Tổng Bí thư đã đúc kết thành 9 giá trị tiêu biểu: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”. Nhìn tổng thể, hệ giá trị quốc gia mà Tổng Bí thư nêu ra đã bao trùm mục tiêu phát triển bền vững đất nước và cũng là mục tiêu phấn đấu chung của toàn Đảng, toàn dân ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hệ giá trị cốt lõi của quốc gia mang tính phổ quát này có ý nghĩa định hướng và định hình cho các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Các hệ giá trị này có mối liên hệ biện chứng, tác động và hỗ trợ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam nói riêng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung.

Có thể nói, sự tổng kết này đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu cấp bách đặt ra trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần thống nhất với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định tám giá trị con người Việt Nam, bốn giá trị gia đình, bốn giá trị văn hóa và chín giá trị quốc gia trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021 vừa qua để tổ chức triển khai hoạt động của toàn Đảng, toàn dân. 

 PGS.TS PHẠM DUY ĐỨC 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top