Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chàng trai biến sỏi đá thành tác phẩm nghệ thuật

Thứ Hai 28/11/2022 | 09:46 GMT+7

VHO- Từ những viên đá, hòn sỏi nhặt bên bờ biển ở đảo Lý Sơn, một chàng trai 9X đã tạo nên những bức tranh lung linh, rực rỡ sắc màu. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện thú vị nơi vùng trời biển thiêng liêng của Tổ quốc được anh gửi gắm qua nét bút đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.

 Phong cảnh ở Cổng Tò Vò được tái hiện trên đá

 Nguyễn Văn Đạt sinh năm 1990, quê ở Lý Sơn (Quảng Ngãi). Vốn có đam mê hội họa từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa (Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn), Đạt vừa đi làm vừa tham gia học thêm hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ở nơi đô thị phồn hoa, Đạt mưu sinh bằng nghề thiết kế đồ họa, vẽ tranh tường và sáng tác tranh sơn dầu. Năm 2016, rời TP.HCM, Đạt lên tàu về đảo. Cuộc hành trình trở lại lần này của anh khác biệt so với những lần trước đó, bởi “về đảo vừa là vì chuyện gia đình, vừa là những khát vọng của bản thân là mong muốn vẽ tranh sơn dầu về biển đảo quê hương”, Đạt tâm sự.

Thời gian đầu Đạt làm khá nhiều việc, ngoài kinh doanh, anh còn đi biển và tham gia vẽ tranh ở các đình, miếu, tàu thuyền... “Dấu ấn” của anh đã in đậm ở nhiều nơi, từ nhà dân đến công trình công cộng, văn hóa, góp phần tô điểm cho hòn đảo thêm đẹp và thân thiện hơn. Ngoài vẽ trên vải, Đạt còn sáng tác trên vỏ chai hay ghép sỏi để tạo thành tranh... Năm 2018, cuộc trưng bày chuyên đề có tên gọi Lý Sơn - Di sản văn hóa, biển, đảo được chính quyền địa phương tổ chức, Đạt vinh dự có nhiều tác phẩm được tham gia và tạo ấn tượng tốt với người xem. Trong đó, bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh ở Cổng Tò Vò khiến anh tốn nhiều công sức nhất. Để tạo hình được Cổng Tò Vò như thật, Đạt nghĩ ra cách đi nhặt nhạnh những vỏ sò có sẵn dưới biển, mang về kết dính lại với nhau và tô vẽ, tạo nên tác phẩm nghệ thuật đặc sắc và vô cùng bắt mắt.

“Tôi luôn dành hết tâm huyết với mong muốn làm gì đó khác biệt cho quê hương bằng tranh sơn dầu, thể loại có thể diễn tả được chân thực cảm xúc cũng như những điều muốn nói. Xen kẽ làm nghệ thuật - mỹ thuật, tôi còn học thêm kiến thức từ các bậc tiền bối về cách thức vẽ tranh dân gian và luôn chào đón các anh em làm nghệ thuật - họa sĩ trên mọi miền đất nước về đảo để cùng giao lưu. Đây là cơ hội để bản thân tôi được học hỏi nhiều hơn nữa”, Đạt bày tỏ.

 Những hình ảnh Lý Sơn qua nét bút tài hoa của chàng họa sĩ trẻ

Đặc biệt, dưới đôi tay điêu luyện của anh, bầu trời, khối đá... với màu sắc sinh động hiện ra như có phép thuật. Cổng Tò Vò “phiên bản trên đá” của Đạt ra đời từ nguyên mẫu Cổng Tò Vò của đảo Lý Sơn ngoài đời thực cao khoảng 2,5m, được hình thành từ những nham thạch núi lửa do gặp nước biển khiến nham thạch đông lại và tạo nên một vòm đá có hình dạng độc đáo. “Hồi nhỏ tôi hay ra đây chơi, trưa nắng nóng lại xuống tắm cho mát. Thời gian trôi qua, rất nhiều thứ thay đổi nhưng Cổng Tò Vò vẫn vậy, vẫn thân thương và là một trong những biểu tượng của Lý Sơn”, Đạt nói và lý giải thêm về tác phẩm của mình: Đá vôi xù xì, không nhẵn và bóng như đá cuội nên có nhược điểm là hút màu, khi đi cọ phải lót nhiều lớp và rất tốn thời gian, thường từ 4 - 5 giờ mới xong một tác phẩm. Vẽ xong còn phơi khô, sau đó mới phủ bóng. Tác phẩm nào khó thì phải mất đến vài ngày. Dù vậy, vẽ trên đá vôi thì hình khối trở nên nổi bật và tự nhiên hơn các loại chất liệu khác.

Đạt vẽ tranh trên đá từ đầu năm 2022 trở lại đây. Hòn đá vô tri nhưng khi mang trên mình bức vẽ thì có sức sống và dấu ấn riêng. Hàng trăm tác phẩm tranh trên đá là hàng trăm câu chuyện và đồng thời là điểm check in của du khách khi đến với Lý Sơn. Đạt không chỉ vẽ các thắng cảnh nổi tiếng như chùa Hang, Mom Tàu, cầu Tình yêu... mà còn chuyển tải đời sống thường nhật, những sự kiện có ý nghĩa như lễ thượng cờ trên đỉnh Thới Lới, cứu nạn trên biển, đánh cá...

Tác phẩm của Đạt được các nhà sưu tầm đặt hàng hoặc được chính người dân địa phương mua để làm quà tặng cho bạn bè phương xa. Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh cho biết vẫn tiếp tục vẽ và tập trung xoay quanh đề tài về biển đảo, hoạt động thường ngày của người dân Lý Sơn, về tuổi thơ của những đứa trẻ, về ngư cụ đánh bắt của người dân... “Trong số những dự định, tôi mong muốn mở lớp luyện năng khiếu miễn phí cho các bạn có nguyện vọng thi vào các ngành liên quan đến kiến trúc, mỹ thuật, vì ở quê điều kiện học chuyên ngành còn rất khó khăn, phải vượt biển vào đất liền mới kiếm được chỗ học”, Đạt chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh: “Việc trở về quê hương và góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh Lý Sơn bằng chính tài năng và tâm huyết của anh Nguyễn Văn Đạt rất đáng trân trọng. Mong rằng, qua các tác phẩm của Đạt, sẽ ngày càng có nhiều người biết đến văn hóa, con người Lý Sơn và tìm đến để tham quan, thưởng lãm nơi đây”. 

 NHƯ ĐỒNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top