Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Dấu ấn một năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Chuyển biến mạnh mẽ và tích cực

Thứ Năm 24/11/2022 | 17:30 GMT+7

LTS: Cách đây đúng một năm, ngày 24.11.2021 đã diễn ra sự kiện trọng đại của đất nước: Hội nghị Văn hoá toàn quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Sau 75 năm kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 24.11.1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Văn Hoá trân trọng giới thiệu bài viết nhìn lại một năm sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

Quán triệt tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII về văn hóa và Kết luận của Tổng Bí thư, trong năm 2022, Bộ VHTTDL đã xác định xây dựng môi trường văn hóa cơ sở khi chọn đây là chủ đề đầu tiên và quan trọng của năm công tác. Ảnh: Trần Huấn

Lịch sử cho chúng ta thấy thông điệp quan trọng qua các lần Hội nghị Văn hoá toàn quốc, từ đó truyền cảm hứng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Không thể phủ nhận rằng, những tư tưởng và thông điệp đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để đội ngũ văn nghệ sĩ làm ra những ca khúc, bộ phim, vở kịch, bài thơ, tiểu thuyết... truyền cảm hứng, hình thành nên sức mạnh Việt Nam, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, cả trong chiến tranh lẫn thiên tai, dịch bệnh khác. Trải qua 75 năm, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong  chấn hưng văn hóa dân tộc, để văn hóa đồng hành với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, ở đó, văn hóa cần phải được đặt ở vị trí trung tâm, là hệ điều tiết sự phát triển bền vững, tạo nên sự tự tin cho dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Một năm kể từ khi tổ chức Hội nghị không phải là dài, nhưng những kết quả cho thấy những chuyển biến hết sức tích cực, cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào một thành công trong việc chấn hưng văn hóa đất nước. Sự chuyển biến này thể hiện đầu tiên ở nhận thức dần đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, từ đó, các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động cho văn hóa được ra đời. Nếu như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là tín hiệu đầu tiên cho thấy một khung chính sách với những hành động cụ thể làm tiền đề cho sự phát triển văn hóa được hình thành bài bản, thì Luật Điện ảnh (sửa đổi) lại được xem như một hành động cụ thể, mang tính đột phá để đưa điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp văn hóa trong một khuôn khổ pháp luật, từ đó đem hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Toàn ngành Văn hóa đã tập trung đổi mới tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa", xác định quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật, cơ chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để khơi thông nguồn lực và thúc đẩy sáng tạo. Trong ảnh: Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỉ lệ biểu quyết tán thành cao. Ảnh: Trần Huấn

Sau hơn 5 năm ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giờ đây là lúc chúng ta thu lại những thành quả ngọt bùi khi không chỉ các tác phẩm điện ảnh mà trong âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác đều có sự bứt phá, với những kết quả đáng mong ước. Thành công này sẽ là nguồn cảm hứng cho các ngành nghệ thuật khác chuyển hướng sáng một tư duy quản lý và phát triển mới, ở đó vừa đề cao những giá trị nhân văn của văn hóa, vừa sát hơn với nền kinh tế thị trường. Các sản phẩm nghệ thuật của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam đang chiếm được cảm tình của khán giả trong nước, và quan trọng hơn nữa là đang trở thành một xu thế vững chắc để xây dựng một nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sắp tới, những sự kiện hội thảo đặc biệt do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, cùng với hội thảo của Quốc hội tổ chức về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa sẽ là những điểm nhấn cuối năm, đánh dấu thành công cho quyết tâm phát triển văn hóa.

“Một năm kể từ khi tổ chức Hội nghị không phải là dài, nhưng những kết quả cho thấy những chuyển biến hết sức tích cực, cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào một thành công trong việc chấn hưng văn hóa đất nước. Sự chuyển biến này thể hiện đầu tiên ở nhận thức dần đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, từ đó, các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động cho văn hóa được ra đời”.

(PGS.TS Bùi Hoài Sơn)

Các địa phương cũng tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cho phát triển văn hóa bằng hội nghị văn hóa toàn tỉnh của Hà Tĩnh và Bắc Ninh, trong đó không chỉ ấn tượng bởi những con số đầu tư cho văn hóa tăng lên (trong đó Bắc Ninh phấn đấu nâng mức đầu tư tối thiểu lên 4% tổng chi ngân sách nhà nướccho văn hóa, so với mức chung của cả nước là 2%), mà còn bởi sự quan tâm đặc biệt đến sức mạnh mềm của địa phương để làm điểm tựa cho địa phương cất cánh, tạo sự phát triển bền vững. Hay như Hà Nội vẫn luôn nuôi nhiệt huyết dẫn đầu về phát triển văn hóa bằng sự tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019 thì bùng nổ bới các hoạt động trong năm 2022 với hàng loạt các sự kiện như lễ hội thiết kế sáng tạo, liên hoan phim quốc tế Hà Nội, với sự nhộn nhịp của các không gian sáng tạo và sự đổi mới hoạt động của hàng loạt di tích, bảo tàng hay thiết chế văn hóa. Tất cả cho thấy một tinh thần sáng tạo của Thủ đô đã đưa giá trị văn hóa đến với từng góc phố, ngôi nhà, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Không khí văn hóa không chỉ dừng ở những đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, các địa phương khác nhau cũng tổ chức những lễ hội, liên hoan, sự kiện tôn vinh văn hóa của mình. Xòe Thái và thực hành Then đưa chúng ta đến với niềm tự hào về văn hóa của các dân tộc thiểu số, góp phần vào bức tranh văn hóa đa màu sắc, tạo nên tình đoàn kết từ những giá trị di sản dân tộc; lễ hội du lịch ở các địa phương khác nhau trên cả nước cũng cho thấy những nét quyến rũ riêng, để chúng ta thêm tự hào về văn hóa dân tộc mình, và từ đó thêm yêu đất nước tươi đẹp.

Việc xây dựng môi trường văn hoá cơ sở có trọng tâm, trọng điểm và đúng hướng đã khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa. Trong ảnh: Liên hoan Tiếng hát công nhân do Bộ VHTTDL tổ chức tại Bắc Ninh

Chúng ta vẫn biết rằng, văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội. Đối với mỗi cá nhân, một tinh thần tốt sẽ giúp chúng ta hạnh phúc, từ đó, tạo nên chất lượng cho cuộc sống của mỗi người. Đối với xã hội, một tinh thần tốt giúp chúng ta vững tin hơn vào tương lai của đất nước.

 Dù vẫn còn nhiều hiện tượng văn hóa khiến chúng ta lo ngại như những hiện tượng văn hóa, phát ngôn, hành vi lệch chuẩn, lai căng, không phù hợp, đặc biệt của một số ít nghệ sỹ, cũng như hiện tượng xuống cấp đạo đức xã hội vẫn chưa được khắc phục, nhưng chúng ta tin, bằng quyết tâm xây dựng văn hóa và những kết quả đạt được kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, văn hóa của đất nước sẽ có thêm nhiều khởi sắc trong những năm tiếp theo. Khi văn hóa soi đường cho quốc dân đi, được đặt ngàng tầm với kinh tế, chính trị, xã hội thì là lúc chúng ta thấy tươi lai tươi sáng của đất nước.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top