Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những cá tính hội họa trong "Anh Em Vol 2"

Thứ Bảy 19/11/2022 | 14:57 GMT+7

VHO- Khai mạc chiều 18.11 và kéo dài đến 23.11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm nhóm Anh em của 5 họa sĩ Vũ Thái Bình, Lê Thế Anh, Cấn Mạnh Tưởng, Nguyễn Cao Hoàng, Nguyễn Ngọc Tuấn không chỉ mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật “bữa tiệc” thị giác mà ở đó, còn có nhiều thông điệp sâu sắc về cuộc sống mà mỗi họa sĩ từ góc nhìn riêng của mình, từ niềm đam mê chung với nghệ thuật đã gửi gắm trong từng tác phẩm.

Họa sĩ Vi Kiến Thành phát biểu chúc mừng triển lãm của nhóm họa sĩ Anh Em

Nghệ thuật chính là cuộc đời. Nghệ thuật là tấm gương phản ảnh trung thực nhất con người nghệ sĩ. Điều này thật đúng với nhóm hoạ sĩ Anh em.

Phát biểu tại lễ khai mạc, họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, cả 5 họa sĩ trong nhóm Anh em đều được đào tạo chuyên ngành thiết kế sân khấu, thiết kế mỹ thuật cho phim, nhưng dường như tình yêu hội họa đã khiến họ cùng rẽ sang một hướng sáng tác khác. Và trên hướng đi đó, dường như niềm đam mê chung với nghệ thuật tạo hình đã gắn kết thêm họ với nhau.  Đến nay, các họa sĩ đã định vị được vị trí của mình trong đời sống mỹ thuât đương đại Việt Nam.

Đại diện nhóm, họa sĩ Vũ Thái Bình  bộc bạch, đây là lần thứ hai 5 anh em cùng tổ chức chung triển lãm. “Sở dĩ chúng tôi đặt tên “Anh em” bởi cả 5 cùng học chung một ngôi trường, cùng chung tình yêu và niềm đam mê đưa đến công chúng những tác phẩm nghệ thuật giá trị. Dù mỗi người đều có một công việc riêng nhưng chúng tôi vẫn thường gặp nhau, đặc biệt tại các triển lãm nhóm như thế này, anh em đều mong muốn sẽ duy trì hằng năm”, họa sĩ Vũ Thái Bình cho biết.

Tại triển lãm Anh em Vol 2, 5 họa sĩ cùng công bố thành quả lao động sáng tạo trong một năm qua. 5 con người với 5 cá tính hội họa, với các chất liệu sơn dầu, sơn mài, giấy dó để kể cho công chúng yêu mỹ thuật những câu chuyện, thông điệp ý nghĩa, trong một không gian lý tưởng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình

Họa sĩ Vũ Thái Bình là người điềm đạm, cẩn trọng. Điều này thấy rõ trong các tác phẩm của anh. Có vẻ thật hữu duyên, hữu tình... khi Vũ Thái Bình chọn cho mình chất liệu giấy dó. Với mối lương duyên này, anh đã tô điểm lên những không gian thuần khiết, thanh tịnh và tình. Không gian ấy có thể là một ngõ nắng, một vạt hoàng hôn hay cô đọng trìu mến trong dáng lưng còng của mẹ. Chúng ta có thể cảm nhận tất cả những năng lượng yêu thương, chăm chút của hoạ sĩ dành trong từng nhát cọ, trong sự tinh tế đến nôn nao của các vệt mầu. Nó cho thấy Vũ Thái Bình rất giỏi trong việc sử dụng tương quan hoà sắc. Một hoà sắc rất dịu, rất êm và mát... tự nhiên như hơi thở, như nhịp đập trái tim. Phải yêu nghệ thuật và sống trong nó... thì Vũ Thái Bình mới làm được như vậy.

Tranh của họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng

Cấn Mạnh Tưởng là hoạ sĩ duy nhất trong nhóm vẽ chất liệu sơn mài. Bằng sự am hiểu thông tỏ văn hoá miền núi cùng kỹ thuật chuyên môn vững vàng, anh đã vượt qua sự "đồng bộ hoá" của đề tài miền núi nói chung. Anh cho ta thấy mình không dừng ở việc ghi lại câu chuyện, hình ảnh... như những gì nó diễn ra... mà lồng vào đó những trải nghiệm, suy nghĩ cá nhân. Sự chủ động ấy khiến các tác phầm gần đây của anh thay đổi gần như hoàn toàn về bố cục. Đó là sự chắc chắn trong hình, mảng; sự tính toán kỹ lưỡng trong nhịp điệu, trong tuyến tính của nét; sự chỉn chu, kỳ công trong kỹ thuật sơn mài... Những thế mạnh này khiến tranh của Cấn Mạnh Tưởng tinh tế về ý, lộng lẫy về mầu và khái quát về hình. Cứ đà này, Cấn Mạnh Tưởng còn tiến xa.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Cao Hoàng

Nguyễn Cao Hoàng vốn là hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật hoạt hình, là một trong số ít những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực này... Khi anh quay ra sang hội hoạ giá vẽ, anh coi đó như là sự trở về. Trở về với nguồn cội của một gia đình giầu truyền thống hội hoạ. Trở về với niềm đam mê bất tận từ thở nhỏ mà trong một giai đoạn nào đó, anh đành phải gác lại. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm cá tính. Thông qua đó, anh chứng tỏ mình là người có kỹ thuật sơn dầu vững vàng cùng một tư duy sáng tác độc lập. Nó khiến tranh của anh dù đang ở chặng đường mới mẻ nhưng không lẫn vào ai. Anh thích các bố cục đậm chất cinema và gần đây anh đang xê dịch sang vùng đất siêu thực. Các nhân vật của anh đẹp một cách cá tính trong một không gian phi lý tính. Sự chênh chao này khiến hội hoạ Nguyễn Cao Hoàng có sự cuốn hút, kỳ bí. Đây chính là thế mạnh và động lực để Nguyễn Cao Hoàng sáng tác sung mãn, nhiệt thành.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn

Nguyễn Ngọc Tuấn là một hoạ sĩ phức hợp. Phức hợp trong cá tính, trong sáng tác và trong đời sống. Anh xù xì đấy mà cũng tình cảm đấy... mạnh mẽ đấy nhưng cũng tinh tế đấy. Nên tranh của anh vừa có sự "vững vàng như ngọn núi, lại có sự mát lành của dòng suối và sự mơ màng lãng đãng của đám mây" (Vũ Đình Tuấn). Nguyễn Ngọc Tuấn yêu vẻ đẹp nhiều mầu sắc, sự chói loà của những gam đối lập. Anh vẽ nhanh và khoẻ, cảm giác như muốn thâu tóm tất cả những gì gọi là "khoảnh khắc" để đưa vào tranh. Ở đó, những vệt mầu ngắn, nhỏ, đan quyện vào nhau... theo trường phái ấn tượng được hoạ sĩ vẽ trong sự quấn quýt, cuống cuồng và hồ hởi. Với anh, mầu sắc là chất xúc tác, là cảm hứng, là mạch nguồn để anh thăng hoa cách nhìn, đặt vấn đề... và cũng là cuộc dạo chơi. Và Nguyễn Ngọc Tuấn sẽ còn tung tăng trong vườn hoa hội hoạ của mình. Chúng ta chỉ việc ngắm hoạ sĩ sẽ thăng hoa thế nào nữa thôi.

Tranh của họa sĩ Lê Thế Anh

Hoạ sĩ Lê Thế Anh là người vẽ nhiều về đề tài chân dung miền núi, đặc biệt là trẻ em. Mặc dù vẽ theo phong cách hiện thực nhưng các nhân vật trong tranh của anh không dựa vào bất cứ nguyên mẫu nào. Mỗi ánh mắt, đôi má, khoé miệng... của nhân vật là cảm xúc của riêng anh. Thậm chí anh cường điệu hoá sự trong veo của mắt, sự đỏ lừng của má, sự nứt nẻ của môi. Giữa bầu không khí xám ngoét của mùa đông, của cái giá lạnh cắt da... các ánh mắt ấy, đôi má hồng quân ấy... cứ bừng lên như ngọn lừa, toả ra sự ấp áp và yêu thương. Ngắm tranh của anh, thấy ngập tràn năng lượng tích cực, sự trìu mến chắt chiu dành cho con trẻ. Cái đẹp trong tranh của anh vì thế là cái đẹp của tình yêu thương.

BẢO ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top