Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hội An hướng tới thành phố sáng tạo: Những nền tảng vững chắc

Thứ Sáu 11/11/2022 | 11:43 GMT+7

VHO- LTS: Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 1395/QĐ-BVHTTDL Phê duyệt Kế hoạch xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO”. Trong đó, TP Hội An cùng 8 thành phố lớn khác trong cả nước được chọn tham gia Đề án, thực hiện trong giai đoạn từ năm 2023-2030.

Từ đề xuất của địa phương cũng như khảo sát thực tiễn, theo đó đề xuất lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian là phù hợp để Hội An tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (từ đây gọi tắt là UCCN). Về lộ trình tham gia, TP Hội An đã lên kế hoạch nộp hồ sơ tham gia mạng lưới UCCN vào năm 2023.

 Hội An là một trong 9 thành phố được chọn tham gia “Đề án phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO”

Nhìn từ bối cảnh về lịch sử phát triển, vùng đất đô thị và thương cảng Hội An có thể khái quát qua 3 thời kỳ, gồm thời tiền - sơ sử; Thời Champa và thời Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam. Vùng đất Hội An thuộc về nhà nước Đại Việt với việc thành lập Thừa Tuyên Quảng Nam đạo của vua Lê Thánh Tông (năm 1471), tiếp tục phát triển cảng thị Hội An lên một tầm vóc mới. Thế kỷ 16, 17, với chính sách mở cửa chú trọng phát triển kinh tế thương nghiệp, ngoại thương của các chúa Nguyễn, Hội An trở thành một thương cảng mậu dịch quốc tế nổi tiếng của đàng Trong. Từ đầu thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã cho phép Trung Hoa, Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha… lập các khu phố hoặc thương điếm để tiện việc buôn bán, trong đó ổn định nhất là hai khu phố của người Trung Hoa và Nhật Bản, tạo cho Hội An thành một đặc khu kinh tế mở ở Đàng Trong

Các thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp cũng đã đặt thương điếm hoặc lui tới buôn bán ở Hội An vào những thời điểm khác nhau, góp phần phát triển thương cảng Hội An thành một tụ điểm mậu dịch quốc tế sầm uất liên tiếp trong nhiều thế kỷ từ 16 - 18. Bước vào thế kỷ 19, do sự bồi lấp của các dòng sông, cửa biển, sự phát triển của kỹ thuật hàng hải, thương cảng Hội An không còn phồn thịnh như xưa. Nhưng khu phố cổ Hội An vẫn được bảo tồn với những dãy phố cổ, công trình tín ngưỡng, dân dụng thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa các thành phần cư dân Việt, Hoa, Nhật và phương Tây. Các sinh hoạt văn hóa tinh thần, các hình thức văn hóa phi vật thể gắn với tầng lớp thị dân có sự giao lưu tiếp biến văn hóa với nhiều nguồn gốc khác nhau từ phương Đông tới phương Tây cũng được lưu giữ đậm nét.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An xưa, các nghề, làng nghề thủ công luôn giữ một vai trò quan trọng, kết tinh quá trình lao động đầy sáng tạo của các lớp cư dân kế tục nhau cư trú trên vùng đất Hội An có sự giao lưu tiếp biến văn hóa Đông - Tây. Về văn hóa dân gian, tuy vẫn nằm trong không gian văn hóa chung của vùng đất Quảng Nam, nhưng do tác động, chi phối của các điều kiện lịch sử cùng quá trình phát triển dân cư với những chặng đường khá đặc biệt, các điều kiện môi trường sinh thái - nhân văn, địa lý tự nhiên các hình thái, loại hình văn nghệ dân gian nói riêng, văn hóa dân gian nói chung ở Hội An có những sắc thái riêng, không trùng lặp, tạo nên một dấu ấn sáng tạo, độc đáo.

Từ năm 1975 đến nay, có thể nhìn nhận những đổi thay, khởi sắc bối cảnh kinh tế - xã hội của vùng đất này. Từ một địa phương có cơ cấu kinh tế chủ yếu từ nông, ngư nghiệp, đến năm 1999, khi khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, thành phố đã có những bước thay đổi để phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó luôn kiên định với mục tiêu xây dựng Hội An thành một thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch, lấy cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ làm ngành kinh tế chủ đạo.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hội An lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định rất rõ quan điểm và định hướng phát triển của thành phố trong những năm sắp tới là tiếp tục nâng cao công tác quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị tự nhiên và nhân văn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các ngành kinh tế theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó kinh tế du lịch - dịch vụ - thương mại giữ vai trò chủ đạo trong các thành phần kinh tế, là ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy và hỗ trợ các ngành kinh tế khác.

Đặc biệt, đầu tư mạnh hơn cho văn hóa, giữ gìn những giá trị nhân văn và tài nguyên tự nhiên. Bảo tồn và phát huy hiệu quả các làng nghề truyền thống; các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Với mục tiêu kiên định là xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch, phát triển bền vững và giàu bản sắc, các chủ trương về chính sách, tầm nhìn của thành phố đều ưu tiên phát triển về văn hóa, nghệ thuật của thành phố hiện nay và trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt quan tâm ở lĩnh vực mà thành phố đề xuất xây dựng trong hồ sơ ứng cử UCCN là thủ công và nghệ thuật dân gian.

Hiện tại, TP Hội An cũng đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Nam về xây dựng và phát triển TP theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên nền tảng tổng hòa các yếu tố: kinh tế bền vững, môi trường bền vững, xã hội bền vững. Trong đó, hạt nhân là văn hóa, con người vànhững giá trị nhân văn, đề cao tính gắn kết cộng đồng, vai trò, trách nhiệm chủ thể của người dân trong quá trình phát triển thành phố. Theo đó, xây dựng và phát triển Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường, hiện đại và thông minh mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng.

Xây dựng TP Hội An trở thành đô thị đặc thù có những tiêu chí tương đương của đô thị loại 2, trong đó khu phố cổ Hội An và Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là hạt nhân lan tỏa để kiên trì thực hiện định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Xây dựng Hội An giữ vai trò là một trong những vùng động lực phát triển về du lịch của tỉnh Quảng Nam, là một trong những trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, là đô thị văn hóa tiêu biểu đậm đà bản sắc dân tộc và xứ Quảng, trung tâm văn hóa đối ngoại và thành phố sự kiện - lễ hội của tỉnh Quảng Nam.

Dự thảo cũng đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, thành phố cơ bản đạt các tiêu chí tương đương với đô thị loại 2. Hoàn thiện các tiêu chí để được UNESCO đưa vào danh sách mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu trên thế giới. Cù Lao Chàm trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, Khu du lịch gia,… 

KHÁNH CHI

  =

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top