Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Diễn đàn Bản quyền Việt Nam Hàn Quốc năm 2022: Nan giải thu phí bản quyền âm nhạc truyền hình

Thứ Sáu 11/11/2022 | 11:28 GMT+7

VHO- Việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình tại VN hiện đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Có những đơn vị không thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả trong nhiều năm, thậm chí chưa lần nào thực hiện cho dù Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực từ năm 2005…

 Diễn đàn đã đưa ra nhiều giải pháp, phương hướng bảo vệ quyền tác giả nói chung, đặc biệt là quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình

Thực trạng đó đòi hỏi phải có biện pháp hữu hiệu để việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, nhưng vẫn tạo điều kiện và cân bằng lợi ích cho đơn vị sử dụng.

Nhức nhối bản quyền truyền hình

Diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2022 với chủ đề Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) phối hợp với Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc (KCC) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Đây là dịp giới thiệu các chính sách, quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời để hai bên đưa ra những giải pháp, phương hướng bảo vệ quyền tác giả nói chung, đặc biệt là quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình.

Theo kết quả thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, đến tháng 3.2022, Việt Nam có tổng cộng 195 kênh truyền hình và 79 kênh chương trình phát thanh trong nước được cấp phép. Tuy nhiên, báo cáo của Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế (CISAC) năm 2021 cho thấy, tỷ lệ nguồn thu trong hoạt động phát thanh, truyền hình trên tổng nguồn thu của một số tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam chỉ đạt 5,38%, trong khi Malaysia đạt 25,30%, Nhật Bản đạt 23,89%, Hàn Quốc 14,51%...

Phát biển tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Lựu, Quyền Giám đốc điều hành Khu vực phía Bắc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả Âm nhạc VN cho biết: “Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ đã có quy định về việc “giới hạn quyền” tác giả trong lĩnh vực truyền hình, cụ thể: Các tổ chức phát sóng được sử dụng các tác phẩm âm nhạc không cần xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút theo thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả, trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án… Tuy nhiên, trên thực tế việc thỏa thuận giữa Trung tâm và các tổ chức phát sóng vẫn còn khó khăn do nhiều trường hợp chưa thống nhất được mức nhuận bút. Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền tác giả cũng còn bất cập. Cụ thể, do chưa có Tòa án chuyên trách và các vụ án xâm phạm quyền tác giả vẫn đang giải quyết theo thủ tục chung, nên thời gian xử lý đơn kiện và giải quyết các vụ án này thường kéo dài, càng gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả”.

Thực tế cho thấy, việc bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình đang là vấn đề nhức nhối không chỉ ở VN mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ông Park In Kee, Trưởng nhóm hợp tác đối ngoại, Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc cho biết, vấn đề thực thi bản quyền truyền hình tại Hàn Quốc cũng gặp không ít khó khăn. Để giải quyết thực trạng này, Hàn Quốc tập trung nâng cao nhận thức về vấn đề tác quyền, do đó, việc chi trả phí bản quyền đã được ý thức hơn. “Ở Việt Nam cũng vậy, nếu chúng ta tuyên truyền để mọi người nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này thì tôi tin bản quyền cho tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình sẽ được nhìn nhận một cách đúng mực”, ông Park In Kee nói.

Nâng cao nhận thức của giới trẻ về bản quyền

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã đề xuất cần bổ sung hành lang pháp lý để đáp ứng yêu cầu quản lý, thực thi Luật Sở hữu trí tuệ trong nước và hội nhập quốc tế, đặc biệt là quyền tác giả trong lĩnh vực truyền hình. Bà Kim So Jung, cán bộ chuyên trách Phòng Hợp tác Thương mại và Văn hóa (Bộ VHTTDL Hàn Quốc) nêu ra phương hướng chính sách bản quyền của Hàn Quốc trong kỷ nguyên số. Theo đó, để có thể trở thành cường quốc về bản quyền, nơi văn hóa là nền kinh tế thì cần tạo môi trường phân phối công bằng và minh bạch, tăng cường ứng phó với hành vi vi phạm bản quyền, ứng phó chung với các hành vi vi phạm trực tuyến thông qua hợp tác quốc tế.

Về vấn đề này, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, kỷ nguyên số và Internet đã và đang cho chúng ta nhiều cơ hội tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào do chúng ta tự lựa chọn, nhưng cũng đặt ra những thách thức để bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc Nhà nước can thiệp để hài hòa lợi ích giữa chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc và đài truyền hình khi khai thác, sử dụng tác phẩm là cần thiết, đảm bảo nhu cầu thụ hưởng của công chúng, đặc biệt là trong môi trường số hiện nay.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Đây là những hành động cụ thể để góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình, bà Nguyễn Thị Lựu đề xuất dự thảo nghị định hướng dẫn cụ thể hơn liên quan đến nghĩa vụ trả tiền bản quyền khi sử dụng tác phẩm. “Việc quy định mức tiền bản quyền tại dự thảo nghị định cần cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ các bên, đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu quyền, quyền và lợi ích của người sáng tạo. Qua đó, luật pháp sẽ tôn vinh tài sản trí tuệ, tôn trọng những giá trị lao động được kết tinh trong tác phẩm, góp phần thúc đẩy sáng tạo, phát triển văn hóa, xây dựng đất nước. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường giám sát, xử lý kịp thời các yêu cầu, báo cáo về hành vi xâm phạm quyền tác giả liên quan đến lĩnh vực này”, bà Nguyễn Thị Lựu nói.

Thực trạng vi phạm bản quyền diễn ra nhiều với các hình thức ngày càng tinh vi. Vì thế, tại Hàn Quốc, theo ông Kim Dong Eun, Trưởng phòng Phòng Hợp tác Thương mại Văn hóa (Bộ VHTTDL Hàn Quốc), các hệ thống giám sát vi phạm về bản quyền trên nền tảng số trước đây hoạt động riêng biệt nhưng đến nay đã được tổng hợp thành một hệ thống chung, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động phát hiện những vi phạm bản quyền. Đặc biệt, Hàn Quốc còn chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của giới trẻ về bản quyền: “Năm 2023, chúng tôi sẽ khai trương một trung tâm chuyên về đào tạo, quảng bá những nội dung chuyên về bản quyền. Đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên. Việc nâng cao nhận thức sẽ giúp giảm thiểu những hành vi vi phạm bản quyền. Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa những nội dung về đào tạo bản quyền vào sách giáo khoa để nâng cao kiến thức cho học sinh từ bậc tiểu học”. 

 THANH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top