Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chuyện về “Người lái đò sông Đà” thời nay

Thứ Sáu 04/11/2022 | 10:14 GMT+7

VHO- Yêu học sinh, trân trọng mơ ước được đến trường của các em, gần 20 năm qua, cô giáo Quách Thị Bích Nụ, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Ruộng (xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã miệt mài lái thuyền đưa con chữ đến với nhiều thế hệ học trò.

 Quách Thị Bích Nụ (thứ hai từ phải sang) khẳng định sẽ tiếp tục chèo thuyền đưa học sinh đến lớp để không một em nhỏ nào bị bỏ lại phía sau Ảnh: Đ.T

Chia sẻ với Văn Hóa trong lần ra Hà Nội tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật Hồ Chí Minh: Hành trình khát vọng năm 2022, cô Nụ không ít lần nghẹn ngào khi nhắc về những chuyến hành trình cùng bọn trẻ vượt qua sông nước…

Bán bò để tậu thuyền máy

Hàng chục năm nay, người dân xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng) đã quen với hình ảnh cô giáo Quách Thị Bích Nụ cùng con thuyền nhỏ ngày ngày cần mẫn đưa các em nhỏ tới trường. Ai cũng nể phục, trân trọng công sức của cô khi quyết tâm không để khó khăn cản trở bước chân các em, và họ trìu mến gọi đó là những “chuyến đò yêu thương”.

Xóm Nhạp là vùng đặc biệt khó khăn, đa phần bà con đều là người DTTS. Học sinh ở đây mỗi ngày phải di chuyển bằng thuyền 3 cây số trên dòng sông Đà, rồi đi bộ cũng chừng đó trên quãng đường gập ghềnh mới đến được trường. Là người sinh ra và lớn lên tại xóm Nhạp, hơn ai hết, cô Nụ thấu hiểu những nỗi vất vả của việc đi tìm con chữ. “Năm 2005, tôi viết đơn tình nguyện xin dạy hợp đồng ở nơi xa xôi, khó khăn nhất của huyện Đà Bắc là Trường Mầm non Đồng Ruộng xóm Nhạp. Điểm trường gần nhà bố mẹ đẻ nên tôi có thể đi bộ. Tuy nhiên, nhiều em học sinh không được may mắn như tôi, bố mẹ các em phải chèo thuyền vượt sông đưa con tới lớp. Do gia cảnh khó khăn, phụ huynh phải xoay vần với gánh nặng mưu sinh nên có người đành phải để con ở nhà. Cứ thế thì việc học của bọn trẻ sẽ bị gián đoạn, thế là tôi quyết định giúp các em đến trường dễ dàng hơn”, cô Nụ tâm sự.

Thời gian đầu vì chưa có thuyền chuyên dụng, cô Nụ tận dụng các thanh tre ghép thành chiếc bè, phía trên được trát xi măng để thêm phần kiên cố. Đến năm 2007, cô Nụ lập gia đình và được bố mẹ tặng cho cặp bò làm của hồi môn. Thế nhưng, cô không giữ lại cặp bò mà bán đi lấy tiền sắm thuyền đưa học sinh đi học. Cô Nụ chia sẻ: “Thương các em nên tôi quyết bán chút vốn liếng bố mẹ cho được 11 triệu, 2 vợ chồng bỏ thêm 4 triệu nữa sắm một con thuyền vững chắc có gắn động cơ, đảm bảo an toàn cho học sinh khi vượt sông. Nói không tiếc cặp bò thì không đúng vì bố mẹ có thương mới để lại của hồi môn cho mình. Nhưng hơn cả, tôi mong muốn tình thương của bố mẹ sẽ được san sẻ đều cho những em nhỏ nghèo khó đang từng ngày khát khao được đi học”. Cứ thế 17 năm qua, đều đặn mỗi ngày hai buổi sáng chiều, cô Nụ đã cần mẫn lái hàng vạn chuyến đò đưa học sinh vùng hồ Hòa Bình đi tìm con chữ.

“Chuyến đò yêu thương” của cô Nụ Ảnh: NVCC

Sóng cả không làm ngã tay chèo

Dù đã có chiếc thuyền vững chắc hơn nhưng học sinh nơi đây vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết gây ra. Những hôm trời mưa rét, khi vượt sông bọn trẻ co ro lạnh run trong tấm áo mưa rộng thùng thình, nhưng nhờ có cô Nụ động viên, các em vẫn lạc quan, háo hức chờ giờ vào học. Nhiều em còn đọc thơ để quên đi nỗi sợ, thấy thế cô Nụ cũng vui lây, nhưng thực sự trong lòng cô đang vô cùng lo lắng, chỉ mong sao thuyền vượt sông thật nhanh để vào bờ an toàn. “Các em vui, tôi không nỡ thể hiện sự lo lắng trên gương mặt. Chỉ đến khi thuyền cập bờ, tôi mới có thể cười tươi và coi như hôm đó hoàn thành nhiệm vụ”, cô Nụ kể.

Nói về kỷ niệm lần đưa đò nhớ nhất, cô Nụ dường như vẫn còn bàng hoàng: “Vào một buổi chiều mưa bão năm 2017, khi học sinh chuẩn bị xuống thuyền thì bất ngờ trời mưa nặng hạt, gió rất to khiến sóng nước cuộn lên dữ dội. Nghe tin có một nhóm học sinh đã xuống thuyền trước, tôi lo lắng vô cùng. Vơ vội chiếc mũ đội lên đầu, tôi phi như bay xuống bến. Trước mắt tôi là hình ảnh bọn trẻ ướt sũng, rét run cầm cập nép vào nhau, sách vở ướt hết vì mưa hắt, thương đến thắt ruột nhưng tôi phải cố nuốt nước mắt vào trong để đưa vội học sinh trở lại trường tạm trú cho qua cơn mưa bão”. Cũng trong năm ấy, trận mưa lũ lịch sử quét qua xã Đồng Ruộng đã gây hậu quả vô cùng nặng nề, trong đó có gia đình cô Nụ. Nhưng với nghị lực và tình yêu vô bờ dành cho các em nhỏ, cô vẫn không một ngày ngừng nghỉ những chuyến đò đưa các em đến trường. “Tôi nhận được sự ủng hộ hết lòng từ chồng. Mỗi sáng, anh đều dậy sớm kiểm tra thuyền máy cho vợ. Thấy chồng tâm huyết như thế, tôi càng tự nhủ phải quyết tâm làm thật tốt”, cô Nụ xúc động chia sẻ.

Nhờ những “chuyến đò yêu thương” ấy, rất nhiều em học sinh đã trưởng thành và thành công trên con đường học tập. Có em đã noi gương cô Nụ để trở thành giáo viên và nối nghiệp cô tiếp tục đi ươm mầm con chữ. Em Xa Thị Thanh Ngoan, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình bày tỏ: “Trong suốt 8 năm, cô Nụ là người đưa em đến trường. Nhớ nhất vẫn là những ngày mưa to, gió lớn, thời tiết khắc nghiệt, cô Nụ không nghĩ đến bản thân mà chỉ lo học sinh vì gió rét mà bị ốm. Thấy cô cũng đang co ro trong cái rét căm căm của mùa đông, chúng em không khỏi xót xa. Nhưng cũng chính vì thế, những học sinh của cô Nụ đều cố gắng quyết tâm phải học thật tốt để báo đáp công ơn của cô”.

Với những cống hiến của mình, mới đây, cô giáo Quách Thị Bích Nụ đã vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Kỷ niệm chương điển hình trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh tại chương trình Hồ Chí Minh: Hành trình khát vọng năm 2022. Chia sẻ thêm về những dự định của mình, cô Nụ không ngần ngại: “Tôi sẽ vẫn tiếp tục chèo thuyền đưa các em đến lớp. Đến khi về hưu, nếu còn sức khỏe, tôi sẽ đồng hành cùng các em, sẽ làm hết sức mình để không một em nhỏ nào bị bỏ lại phía sau”. 

 ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top