Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 3): Thắp sáng những vùng đất

Thứ Sáu 23/09/2022 | 10:05 GMT+7

VHO- Xà Phìn đón chúng tôi với “đặc sản” mây trời trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Là thôn vùng cao thuộc xã Phương Tiến (huyện Vị Xuyên, Hà Giang), Xà Phìn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, nhưng ánh sáng nơi đây thì lại ngập tràn. Người thắp lên ánh sáng cho bản làng là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đặng Văn Háu.

Xà Phìn là bản người Dao với những nếp nhà sàn truyền thống phủ đầy rêu xanh

Ông cũng là người khơi dậy ước mơ cháy bỏng của người Dao Chàm trên đỉnh núi cao, với bước chân không mỏi và tâm trí không ngừng ngẫm ngợi. Xà Phìn sau nhiều năm lặng lẽ, hôm nay đã không chỉ được biết đến với cảnh quan đẹp hút hồn mà còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, từng ngày thay da đổi thịt.

Ánh sáng ở Xà Phìn

Con đường mòn từ chân núi lên đỉnh Tây Côn Lĩnh chỉ dài chừng hai mươi cây số, nhưng ngoằn ngoèo và nhiều khúc cua gắt. Đón chúng tôi dưới nếp nhà sàn, Trưởng thôn Đặng Văn Háu kể: “Trước đây, lên đến Xà Phìn mất cả ngày đường. Cán bộ dưới xuôi, cô giáo lên bản dạy học có khi từ đầu năm đến cuối năm mới về”.

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, quanh năm sương gió, nắng mây bao phủ, Xà Phìn nổi tiếng là nơi sản sinh ra thương hiệu chè Shan tuyết mang hương vị tinh túy của đất trời. Nhiều năm trước, bản nhỏ hơn 50 hộ dân này chỉ sống khép kín với nương lúa ruộng ngô, người dân quanh năm làm bạn với thửa ruộng bậc thang và những mái nhà rêu xanh ngăn ngắt. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đặng Văn Háu sớm nhận thấy có nhiều tiềm năng bị lãng quên trên đỉnh núi đẹp như tiên cảnh này. Ông chỉ ra cột điện phía xa xa, nói: “Phương Tiến đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 1.2020 nhưng đến giờ, nhiều hộ dân ở các thôn vùng cao, gồm 53 hộ dân của thôn Xà Phìn vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Nhiều điều muốn mà chưa làm được vì thiếu điện. Mong ước Xà Phìn là một ngày nào đó điện lưới sẽ thắp sáng cả thôn...”.

Ông Háu cũng không chỉ ngồi im chờ đợi. “Người con của Đảng” quyết tâm đưa ánh điện về với bản làng. Huyện Vị Xuyên trước đó đã đầu tư công trình điện cho các thôn, nhưng vì một số lý do kỹ thuật nên đường điện vẫn chưa được đóng về 4 thôn vùng cao. Chứng kiến đời sống người dân vất vả, ông Háu vận động một số hộ gia đình có điều kiện trong thôn đóng góp để kéo điện từ Nà Màu, cách Xà Phìn 5 cây số. “5 hộ gia đình mua gần 1.400m đường dây để đưa điện về Xà Phìn. Nguồn điện của nhà tôi hiện đang phục vụ nhiều hộ khác trong thôn. Nhà có đám cưới, đám tang, giỗ chạp lại đến xin thắp nhờ điện 1-2 đêm. Lâu dần, nhà tôi lắp đến 9 công tơ, gần cả làng đến thắp điện. Láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau, giúp mọi người có chút ánh sáng để sinh hoạt, tôi mừng…”, ông Háu kể. Nhưng ánh mắt trăn trở của ông Bí thư vốn lăn lộn hàng chục năm với cuộc sống bản làng cũng chẳng giấu được những nỗi lo. Không có điện, người dân không thể sử dụng máy móc để phát triển sản xuất. Phần lớn hộ gia đình chỉ biết thắp sáng từ máy phát điện mini, nguồn điện không ổn định và nguy hiểm khi mưa bão, sấm sét. Ông trăn trở: “Ước mơ thắp sáng thôn làng vẫn đang được Xà Phìn mong ngóng ngày đêm”.

Rồi những đoạn đường dốc cheo leo, ngoằn ngoèo cua gắt, hẹp đến mức hai xe không thể tránh nhau… cũng là điều khiến ông trăn trở. “Dường như cuộc sống khó khăn trên đỉnh Tây Côn Lĩnh này khiến người dân Xà Phìn quen với tác phong “tự lập”. Tôi vận động bà con trong thôn góp tiền, công lao động làm hàng nghìn mét đường bê-tông để đi lại, lưu thông hàng hóa. Con đường mòn từ dưới xuôi lên đỉnh núi và nối các hộ trong thôn bây giờ đã không còn lầy lội khi mưa, bụi mù khi hanh nắng…”, ông Háu chia sẻ. Còn một nỗi khát khao ở Xà Phìn được ông bộc bạch, đó là biến tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng thành hiện thực. Ngoài thế mạnh chè Shan tuyết, Xà Phìn là vùng đất có cảnh sắc mê đắm lòng người, với “đặc sản” nhà mái rêu trên sườn núi sát mây trời cùng những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao Chàm. Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hà Giang Đặng Quốc Sử là người đã chỉ ra tiềm năng đó của Xà Phìn. Hiện trong thôn có hơn chục hộ gia đình manh nha làm du lịch. Một lần nữa đóng vai trò mở lối, ông Háu cùng các đảng viên trong chi bộ tuyên truyền bà con phải biết cách khai thác du lịch từ tiềm năng văn hóa.

Ông nói với dân: “Điện, đường quan trọng lắm. Nhưng du khách đến với bản làng còn để trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo. Người Dao Chàm ở Xà Phìn sinh ra, lớn lên rồi già đi trong những câu hát giao duyên, hát then, hát cọi, lễ hội nhảy lửa... Nếu mất đi những yếu tố này, bản sắc của chúng ta sẽ không còn trọn vẹn”. Để thành Bí thư chi bộ nói dân tin, làm dân theo như vậy, ông Đặng Văn Háu cũng là người luôn tích lũy kiến thức phong phú về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông tận tình truyền dạy thế hệ trẻ những điệu múa, bài cúng, câu hát dân ca để bản làng cùng nhau gìn giữ bản sắc, phát triển văn hóa du lịch cộng đồng. Bản thân ông cũng gương mẫu ủng hộ tiền và sức để làm cổng làng văn hóa du lịch Xà Phìn. “Muốn tuyên truyền, vận động có hiệu quả, bản thân và gia đình mình phải gương mẫu”, ông Háu chia sẻ. Thấy lo lắng những khi dân làng xa rời trang phục truyền thống, ông gương mẫu mặc trong đời sống thường ngày. Thấy nhiều đứa trẻ lớn lên không biết nói tiếng Dao, ông thuyết phục các gia đình phải sử dụng ngôn ngữ dân tộc và dạy tiếng cho con cháu của mình.

Ánh sáng ở Xà Phìn nhờ thế mỗi ngày càng rực rỡ hơn. Cũng trên chính vùng đất này, từng ngày, từng ngày, những hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi. Nạn tảo hôn, thách cưới cao, hôn nhân cận huyết… một thời gian dài khiến người Dao Xà Phìn chậm đổi mới. Ông Háu không ngại vất vả vượt núi, băng đồi, đến từng nhà tuyên truyền người dân kết hôn đúng độ tuổi, sinh đẻ theo kế hoạch. “Thách cưới cao khiến những thanh niên nghèo không cưới nhau được, tôi tuyên truyền rằng chỉ cần cuộc sống ấm no, thuận hòa là hạnh phúc...”. Mưa dầm thấm lâu, sự tận tụy của người đứng đầu đã thuyết phục người dân tin tưởng, nghe theo.

Ngày nói chuyện với chúng tôi cũng là những ngày cuối ông Háu đảm nhận vai trò Bí thư chi bộ ở thôn Xà Phìn. Nhiều năm đứng đầu chi bộ ở vùng đất đầy rẫy khó khăn, những nỗ lực, tâm huyết của ông đã thắp lên nguồn sáng trên vùng đất hứa. Điều lớn nhất ông đã làm và được ghi nhận là công tác phát triển đảng viên, phát huy vai trò dẫn dắt của đảng viên trong xây dựng những giá trị tích cực cho cộng đồng. Chi bộ Xà Phìn kể từ khi thành lập đã tạo nên luồng sinh khí mới cho bản làng.

 Vợ chồng ông Lý Quốc Thắng, thôn Nặm Đăm

Nặm Đăm ngày mới

Ngôi nhà sàn lâu năm của gia đình ông Lý Quốc Thắng nằm ở ngay đầu thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Nhà trình tường với lối kiến trúc cổ của người Dao Nặm Đăm khiến những người khách phương xa luôn bị cuốn hút. Mộc mạc, giản dị, đó là cách Nặm Đăm xây dựng ngôi làng với giá trị của riêng mình. Con người Nặm Đăm luôn nở nụ cười thân thiện như ông Thắng, bất cứ ai cũng sẵn sàng mời những người khách đi ngang vào nhà, để họ tìm hiểu nền văn hóa của dân tộc mình.

Nặm Đăm được bao bọc bởi rừng nguyên sinh và những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Nơi đây là vùng đất sinh sống lâu đời của người Dao Chàm hay Dao áo dài. Điều đặc biệt là dù cuộc sống xoay vần như thế nào thì người dân Nặm Đăm vẫn luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện qua những phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống, nếp sinh hoạt thường ngày, với các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục, kiến trúc nhà ở, trò chơi dân gian và đặc biệt là các lễ hội. Trong đó, lễ cấp sắc được xem là linh hồn của dân tộc Dao, người đàn ông được cấp sắc mới được coi là đã trưởng thành. Cùng chúng tôi đi một vòng quanh thôn, ông Thắng nói chuyện, Nặm Đăm mới được chú ý vài năm trở lại đây. Trước kia, du khách tới Hà Giang thường hay bỏ qua khu vực Quản Bạ để thẳng tới cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú. Rồi Quản Bạ cũng dần trở thành điểm dừng chân khi Nặm Đăm chuyển mình, đổi mới. “Năm 2009, có đoàn chuyên gia tới Nặm Đăm khảo sát. Ngôi làng nguyên sơ, bảo tồn trọn vẹn những giá trị bản sắc văn hóa kiến trúc, trang phục, phong tục bản sắc... của người Dao, khiến Nặm Đăm lập tức đã lọt “mắt xanh” của họ”, ông Thắng nói. Trong sự chuyển mình ở Nặm Đăm không thể không nhắc đến vai trò những đảng viên năng nổ như ông.

Nhìn thấy cơ hội “đánh thức” một miền đất đẹp, ông Thắng không chỉ đi đầu mà còn cùng người dân tích cực giữ gìn trọn vẹn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, phục vụ cho ngành “công nghiệp không khói”. “Bà con vẫn nghe trên ti vi nói rằng bản sắc là “tấm căn cước” của một dân tộc, là tài sản quý giá ông cha để lại. Còn tôi thì nói, Nặm Đăm thu hút được du khách thì cũng từ những vốn quý văn hóa của cộng đồng…”. Ngày càng có nhiều đoàn khách đến Nặm Đăm để ngắm nhìn những ngôi nhà trình trường, hòa mình trong làn điệu dân ca, xem những trích đoạn cấp sắc… Người dân ngày càng nhận thấy hướng đi đúng đắn khi gắn kết văn hóa với du lịch. Ông Thắng cũng là người tiếp thêm niềm tự hào về “tấm căn cước” Nặm Đăm khi cùng người trong thôn tái hiện những trích đoạn cấp sắc, hát giao duyên và các làn điệu của dân tộc Dao…

Bước chân của những người đảng viên khao khát thắp sáng quê hương đến với từng nếp nhà, họ cùng nhau bàn bạc, chung tay chỉnh trang môi trường sống, lên kế hoạch bảo tồn phong tục tập quán, đẩy lùi hủ tục lạc hậu. Trước đây, các gia đình thường để chuồng trại gần nhà, nhưng nay để phát triển du lịch, tất cả đồng thuận di dời. Những hủ tục lạc hậu, cuộc sống đói nghèo từng bước được người Nặm Đăm bước qua. Lý Tà Sàng, một trong những gương mặt trẻ tâm huyết với giữ gìn bản sắc dân tộc ở Nặm Đăm mộc mạc nói: “Bản sắc văn hóa không phải đi mua, vậy tại sao không phát huy mà lại để biến tướng, mất mát…”. Sàng thuộc thế hệ 9X, độ tuổi quá trẻ để trở thành ông chủ của Dồn Dao homestay, một địa chỉ không nằm ở trung tâm của Nặm Đăm, nhưng rất hút khách bởi các hoạt động bảo tồn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc. Homestay của Sàng có giàn hoa giấy dịu dàng tỏa sắc phía đầu hồi nhà trình tường.

Để khởi nghiệp, Lý Tà Sàng đi tới nhiều ngôi làng văn hóa du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh Hà Giang. Trăm nghe không bằng một thấy, đôi mắt cậu trai trẻ được mở mang với nhiều điều mới lạ, dù là Lũng Cú hay Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc thì nơi nào cũng có nét văn hóa riêng. Nhưng hiếm có nơi nào như Nặm Đăm, còn giữ được nguyên vẹn nét truyền thống là những ngôi nhà trình tường bằng đất. Từ đầu làng đến cuối làng có 59 hộ thì có 59 ngôi nhà trình tường. Du khách cũng thường xuyên bắt gặp hình ảnh người Dao mặc trang phục dân tộc trong những sinh hoạt đời thường. “Một ngôi nhà sàn trình tường và một ngôi nhà xây trị giá vài trăm triệu, liệu du khách sẽ tìm đến lựa chọn nào để trải nghiệm? Người Nặm Đăm luôn tự hào về văn hóa truyền thống và tâm niệm rằng, cho dù đầu tư sang trọng thì cũng không thể sánh bằng những nơi khác, chi bằng giữ lại nguyên gốc văn hóa của mình…”, Sàng tâm sự.

Không chỉ mong muốn thật nhiều du khách đến bản làng, Sàng cho biết, anh còn mong muốn có thật nhiều cơ hội để phát huy, giới thiệu những trích đoạn lễ hội hoặc những món ăn, trang phục, những trải nghiệm với ruộng đồng, đồi núi… tới những người yêu mến Nặm Đăm. Những kiến thức văn hóa sưu tầm và được truyền lại từ thế hệ đi trước, Sàng tích cóp đưa vào cuốn “từ điển” của riêng mình và vì thế, ai hỏi gì về văn hóa dân tộc của mình, anh cũng trình bày vanh vách. “Tục ăn hỏi và thách cưới ngày xưa của người Dao rất đắt. Như mẹ em xưa thách cưới cũng hết hơn 100 đồng bạc, bằng khoảng 100 triệu bây giờ. Nhưng những hủ tục đó bây giờ đã được cải tiến nhiều rồi…”, Lý Tà Sàng tâm sự.

Khoe với chúng tôi ý định tái hiện, ghi hình một trích đoạn lễ cấp sắc truyền thống để giới thiệu với du khách vào cuối năm nay, Sàng trùng giọng như “ông cụ non”: “Nếu không giữ bản sắc dân tộc là mất gốc. Chả mấy mà Nặm Đăm sẽ rầm rập cảnh người đến, người đi. Tiếng Anh, tiếng Kinh nhiều hơn tiếng Dao, hip hop nhiều hơn giao duyên, cấp sắc… Nên bà con phải cùng nhau gìn giữ từ bây giờ, chị ạ!”. 

 Điện, đường quan trọng lắm. Nhưng du khách đến với bản làng còn để trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo. Người Dao Chàm ở Xà Phìn sinh ra, lớn lên rồi già đi trong những câu hát giao duyên, hát then, hát cọi, lễ hội nhảy lửa... Nếu mất đi những yếu tố này, bản sắc của chúng ta sẽ không còn trọn vẹn.

(Bí thư chi bộ, Trưởng thôn ĐẶNG VĂN HÁU)

 Ghi chép của THU TRANG - THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top