Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí: Phải trở thành nhu cầu tự thân
VHO- Khẳng định tầm quan trọng của xây dựng môi trường văn hóa tại các cơ quan báo chí, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội lưu ý, bên cạnh khía cạnh tích cực, phải thẳng thắn thừa nhận rằng ở không ít các cơ quan báo chí hiện nay, môi trường văn hóa chưa thực sự lành mạnh, tích cực. Một số nhà báo chạy theo giá trị vật chất, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, vi phạm đạo đức, pháp luật...
Nhà báo cần thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ. Trong ảnh: Tác nghiệp báo chí tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: Thế Công
P.V: Ông có đánh giá như thế nào về môi trường văn hóa tại các cơ quan báo chí hiện nay?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Xét theo nghĩa môi trường văn hóa là tổng hợp của các yếu tố như giá trị, ứng xử văn hóa, hoạt động văn hóa và cảnh quan văn hóa, môi trường văn hóa của các cơ quan báo chí đang tồn tại những vấn đề cụ thể. Ở khía cạnh tích cực, môi trường văn hóa của các cơ quan báo chí dần định hình một cách rõ ràng hơn khi có sự xuất hiện của các bộ quy tắc ứng xử, nhận thức về đạo đức, tác phong nghề nghiệp, các điều kiện vật chất cho công việc làm báo ngày càng tốt hơn. Nhiều cơ quan báo chí, tấm gương nhà báo dũng cảm đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, biểu dương cái mới tích cực, được đồng nghiệp và bạn đọc quý mến, kính trọng, truyền cảm hứng cho xã hội về hình ảnh tích cực của báo chí cách mạng Việt Nam.
Song bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận, ở không ít các cơ quan báo chí, môi trường văn hóa chưa thực sự lành mạnh, tích cực, tạo thuận lợi cho báo chí nói chung, nhà báo nói riêng phát triển năng lực và phẩm chất nghề nghiệp của mình. Một số cơ quan báo chí có biểu hiện cửa quyền đối với người đọc, người dân; một số nhà báo chạy theo giá trị vật chất, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, vi phạm đạo đức, pháp luật... Những hiện tượng đưa tin thiếu kiểm chứng, sách nhiễu doanh nghiệp là hệ lụy của mặt trái nền kinh tế thị trường, cũng như cuộc đua theo diễn biến quá nhanh chóng của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội… thực sự là những hạn chế, tiêu cực trong báo chí thời gian qua. Tất cả đang làm suy giảm phần nào lòng tin của bạn đọc đối với cơ quan báo chí và người làm báo.
Báo chí có chức năng thông tin, giám sát và phản biện xã hội nên vai trò làm gương của các cơ quan báo chí và các nhà báo cần phải được đề cao hơn so với các nhóm đối tượng khác. Chính vì thế, một môi trường văn hóa đề cao tính liêm chính, thượng tôn pháp luật, hướng thiện... sẽ tạo điều kiện hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp cho nhà báo. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là một trong những trọng tâm chính trong xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam, ở đó, triết lý “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” như cố nhà báo Hữu Thọ từng nói là một trong những định hướng cụ thể của việc xây dựng môi trường văn hóa.
Một số cơ quan báo chí có biểu hiện cửa quyền đối với người đọc, người dân; một số nhà báo chạy theo giá trị vật chất, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, vi phạm đạo đức, pháp luật... Những hiện tượng đưa tin thiếu kiểm chứng, sách nhiễu doanh nghiệp là hệ lụy của mặt trái nền kinh tế thị trường, cũng như cuộc đua theo diễn biến quá nhanh chóng của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội… thực sự là những hạn chế, tiêu cực trong báo chí thời gian qua. Tất cả đang làm suy giảm phần nào lòng tin của bạn đọc đối với cơ quan báo chí và người làm báo. (PGS.TS BÙI HOÀI SƠN) |
Xin ông chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của xây dựng môi trường văn hóa với phát triển nền báo chí cách mạng hiện đại?
- Xây dựng môi trường văn hóa là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ta rất quan tâm và nhấn mạnh trong Nghị quyết số 33-NQ/TW. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020 và Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ rõ: “Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”.
Hiện nay, những biểu hiện không mong muốn về sự xuống cấp đạo đức, sự băng hoại về lối sống, tha hóa về nhân cách đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội. Nhiều vấn đề đáng báo động đang nảy sinh trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng, văn hóa ứng xử trên môi trường mạng, và tất nhiên là cả ở các cơ quan báo chí… Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc xem xét, đánh giá lại thực tiễn xây dựng môi trường văn hóa hiện nay để từ đó tìm ra các giải pháp, đối sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công cuộc xây dựng môi trường văn hóa ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Báo chí cách mạng có vai trò quan trọng trong việc định hướng xây dựng đạo đức, lối sống cho con người Việt Nam thông qua các bài viết, định hướng tuyên truyền tấm gương người tốt việc tốt, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”... Điều đó chỉ thực sự có hiệu quả trong một môi trường văn hóa phù hợp. Vì thế, việc xây dựng môi trường văn hóa đề cao những giá trị chung của đất nước sẽ giúp cho các cơ quan báo chí nói chung, nhà báo nói riêng có điều kiện tốt hơn trong nhiệm vụ cách mạng của mình. Thông tin, tư tưởng là một mặt trận. Các nhà báo là những chiến sĩ trên mặt trận ấy. Họ cần được trang bị tốt nhất bản lĩnh văn hóa để không bị lung lay bởi những yếu tố văn hóa xa lạ, không bị “tự diễn biến, tự chuyển hóa” bởi những tư tưởng, đạo đức trái với những giá trị mà đất nước đề cao. Khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo là một tấm gương thì việc xây dựng đạo đức xã hội trở nên thuận lợi hơn.
Cùng với 10 quy định đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí được phát động mới đây tiếp tục đặt ra nhiều yêu cầu, kỳ vọng. Theo ông, làm thế nào để việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí thực sự hiệu quả mà không chỉ dừng lại ở hình thức, hô hào?
- Đó cũng là điều tôi rất muốn lưu ý. Chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều phong trào không đạt hiệu quả, thậm chí thất bại khi không được thực hiện đúng cách, triệt để. Văn hóa giờ đây được đề cao, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Điều này đem đến rất nhiều thuận lợi cho sự phát triển văn hóa nói riêng, đất nước nói chung. Tuy nhiên, để phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí không bị rơi vào trầm lắng, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần chú ý đến mấy điều căn bản sau đây:
Thứ nhất, cần có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có đánh giá, kiểm tra, tổng kết đối với từng nhà báo và cơ quan báo chí.
Thứ hai, chúng ta cũng cần có những sự kiện để củng cố hoạt động của phong trào. Những tấm gương người tốt việc tốt, những việc làm hay, điển hình tiêu biểu cần được tuyên dương, tuyên truyền một cách đa dạng, phong phú và hấp dẫn.
Thứ ba, với lợi thế và đặc điểm riêng của cơ quan báo chí, hoạt động truyền thông có kế hoạch, được chọn lựa cho hoạt động xây dựng môi trường văn hóa cũng cần được quan tâm. Tôi muốn nhấn mạnh, khi hoạt động này trở thành nhu cầu tự thân của các cơ quan báo chí và nhà báo, phong trào sẽ không chỉ là những hoạt động hình thức, thụ động mà sẽ là việc làm thực chất, tự thân mong muốn của các cơ quan báo chí và nhà báo.
Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG THU (thực hiện)