Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hoạt động biểu diễn của các nhà hát Bộ VHTTDL: Những tín hiệu phục hồi tích cực

Thứ Tư 06/07/2022 | 10:32 GMT+7

VHO- “Lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần tăng cường phổ biến quy định pháp luật, định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội; có quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp sai phạm...”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp trực tuyến với 12 nhà hát của Bộ vừa diễn ra tại điểm cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn.

 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nghe báo cáo từ lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn

 Tại cuộc họp, báo cáo của các đơn vị đã cho thấy những tín hiệu tích cực của sự hồi phục nghệ thuật biểu diễn, như: Thường xuyên tổ chức biểu diễn tại các địa điểm, nhà hát; Đưa nghệ thuật tiếp cận với khán giả trẻ; Kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật để tạo nên những tác phẩm độc đáo, mới lạ...

Tích cực “tấn công”

Số lượng 380 buổi biểu diễn trong 6 tháng đầu năm 2022 của Nhà hát Múa rối Việt Nam quả là con số rất ấn tượng. Điều này cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của anh chị em nghệ sĩ, cán bộ Nhà hát tích cực “tấn công” vào thị trường biểu diễn ngay khi dịch bệnh được đẩy lùi. Dù ở xa trung tâm và khán giả chưa sẵn sàng đến rạp hát do ảnh hưởng của Covid-19, Nhà hát đã năng động làm việc với nhiều đối tác để phục vụ học sinh, giáo viên, phụ huynh trong Hệ thống liên cấp Vinschool tại Thanh Hóa, biểu diễn phục vụ khán giả qua Tỉnh đoàn Yên Bái, tham gia dàn dựng tác phẩm cho Nhà hát truyền hình của Hải Phòng... Vào thời điểm Quốc tế thiếu nhi, cả 4 sân khấu của Nhà hát đều biểu diễn trong cùng một giờ!

Hiện nay, Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam đều duy trì những suất diễn thường xuyên vào các ngày cố định trong tuần. Song song với lịch diễn tại Hà Nội, các nhà hát của Bộ VHTTDL cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch lưu diễn phục vụ chính trị ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Một số đơn vị như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam... đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận khi tích cực xây dựng những dự án, chương trình tiếp cận đối tượng thanh thiếu niên. Nhà hát Tuổi Trẻ đã dành khung giờ biểu diễn đẹp nhất trong tuần là tối thứ 7 xuyên suốt mùa hè 2022 để phục vụ khán giả “nhí” với các vở diễn được dàn dựng công phu như: Cuộc chiến Virus, Bầy chim thiên nga, Vaxilixa và Phù thủy độc ác...

Trong số các bộ môn nghệ thuật truyền thống thì Tuồng gặp khá nhiều khó khăn khi giới trẻ hầu như không mấy mặn mà. Đây chính là lý do mà Nhà hát chủ trương xây dựng các chương trình, tác phẩm hướng tới đối tượng này. Sự tham gia tương tác đông đảo và nhiệt tình của học sinh, sinh viên với nghệ sĩ Tuồng đã cho thấy hiệu quả của sự cố gắng bền bỉ này.

Nhận lời mời hợp tác từ Tập đoàn Pacific Ocean Partners (POP) và Trường ĐH Australia Institute of Music (AIM), Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã xây dựng dự án nhạc kịch mang tên Alice in Wonderland. Sự kết hợp này nhằm góp phần định hướng giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ cho giới trẻ, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực nghệ thuật. Hiện nay, Nhà hát đang tổ chức casting để tìm ra các vai diễn phù hợp.

 Chương trình “Cướp biển” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam Ảnh: ĐỨC ANH

Hướng đi mới độc đáo

Kết hợp cùng lúc nhiều loại hình nghệ thuật, kể cả những loại hình vốn được cho là khó hòa trộn trong một tác phẩm sân khấu nhằm tạo sự mới lạ, thu hút khán giả đến rạp là hướng đi mà các nhà hát của Bộ đã tiên phong đi đầu. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính ước lệ, mềm mại của Cải lương với cái trực diện, mạnh mẽ của Xiếc trong dự án Huyền sử Việt đã mang tới sức hấp dẫn mới. Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mạnh dạn mang đến “cuộc hôn phối” tưởng như đối lập nhưng khi kết hợp đã bổ trợ nhau để tạo nên một tổng thể nghệ thuật hài hòa, tinh tế và thu được hiệu quả bất ngờ với các tác phẩm: Cây gậy thần, Thượng Thiên Thánh Mẫu.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã xây dựng và biểu diễn thành công gần chục chương trình biểu diễn lớn, trong đó có những chương trình xã hội hóa tại Sài Gòn, Bình Dương... Đặc biệt, Dàn nhạc cũng đã ký kết hợp tác với Nhật Bản để triển khai thực hiện dự án Opera Việt Nam - Nhật Bản, vở diễn sẽ được ra mắt tại Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.

Khán giả trẻ hào hứng với các chương trình của Nhà hát Tuổi trẻ

Vở ballet Hàm lệ minh châu của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đạt giải xuất sắc tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2)

 

Có rất nhiều dự kiến đề xuất tại cuộc họp đã đạt sự đồng thuận chung, như Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc tại Thái Nguyên đã chính thức mở cửa đón nhân dân. Giám đốc, NSƯT Lê Khánh Toàn mong muốn đây sẽ là một trong những điểm tổ chức các kỳ liên hoan của Bộ cũng như mong muốn có sự kết hợp với các đơn vị khác. Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc bày tỏ mong muốn được kết hợp với Nhà hát Tuổi Trẻ để cùng phối hợp tổ chức mùa biểu diễn kịch Lưu Quang Vũ ngay từ tháng 8 này. Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam cùng ký kết với Học viện Múa Việt Nam hợp tác đào tạo thực tập tốt nghiệp để các học viên được rèn luyện, nâng cao trình độ và thích nghi nhanh chóng hơn với môi trường hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Tại cuộc họp, đại diện của 12 nhà hát cũng đã chia sẻ với lãnh đạo Bộ VHTTDL và lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn về những khó khăn đang phải đối diện như bất cập trong chế độ chính sách, thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trẻ, sự phối hợp giữa nghệ thuật biểu diễn với các tour du lịch... Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, sắp tới Cục sẽ có buổi làm việc cụ thể với 12 nhà hát để cùng rà soát, tìm ra những điểm bất cập để xây dựng Nghị định về chính sách nghệ thuật biểu diễn sát với thực tế và phù hợp không chỉ với các nhà hát của Bộ mà với cả các đơn vị nghệ thuật ở địa phương; tháo gỡ dần những vướng mắc để làm sao các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách chế độ được sửa đổi, bổ sung phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, tháo gỡ một cách căn cơ toàn diện.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã ghi nhận những nỗ lực vượt khó của các đơn vị nghệ thuật, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các nhà hát đã chủ động, nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ và nuôi giữ lửa nghề. 

 Điều đáng mừng là các đơn vị đã có những tác phẩm, các chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng và đầy tâm huyết. Quan trọng hơn cả là những tác phẩm này đã được công chúng nhiệt tình hưởng ứng, tiếp nhận. Sự phối kết hợp, liên kết giữa các nhà hát là hướng đi đáng khích lệ khi mang tới sức hấp dẫn và mở rộng đối tượng khán giả. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là các nhà hát cần tăng cường khai thác thế mạnh đặc thù riêng của mình để tạo nên những tác phẩm chất lượng cao…

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

 

 Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật năm 2022

Lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) vừa có buổi báo cáo với Thứ trưởng Tạ Quang Đông về tiến độ xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động Nghệ thuật biểu diễn và Văn học năm 2022. Có rất nhiều văn bản đã và đang được hai cơ quan nghiên cứu và triển khai xây dựng như: Nghị định nghệ thuật biểu diễn, Nghị định văn học, Nghị định xây dựng chế độ chính sách cho các đơn vị nghệ thuật công lập, Thông tư về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị nghệ thuật công lập...

Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có một cách nhìn toàn diện và chi tiết về mọi mặt để có những giải pháp thật sự hiệu quả đưa vào xây dựng trong các văn bản quy phạm pháp luật, làm sao đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và tạo mọi điều kiện để các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học phát triển tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về văn hóa, góp phần xây dựng ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta theo đúng đường lối của Đảng, cũng như hoàn thiện chính sách văn hóa. Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần đẩy nhanh gấp rút tiến độ hoàn thiện các đề án, nghị định, thông tư mà ngành VHTTDL đang được Chính phủ, Nhà nước giao xây dựng. ĐÀO ANH

THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top