Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Trở lại vụ việc xử lý di tích quốc gia số 7 Lý Chính Thắng, TP.HCM: Khi các phương án đều... tắc

Thứ Hai 23/05/2022 | 10:44 GMT+7

VHO- Những tưởng câu chuyện về ngôi nhà số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM (di tích lịch sử quốc gia) đã được các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết thỏa đáng từ lâu để phát huy giá trị và thực hiện nguyện vọng chủ nhà, thế nhưng đến nay sự việc vẫn chưa có hồi kết.

 Bên ngoài Nhà di tích số 7 Lý Chính Thắng

Năm 2020, Văn Hóa đã vào cuộc và có nhiều bài viết đề cập xung quanh câu chuyện di tích lịch sử nhà số 7 Lý Chính Thắng, sau đó các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, đưa ra nhiều hướng giải quyết. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan mà tất cả phương án đều bế tắc. Chúng tôi đã trở lại di tích và gặp chủ nhân ngôi nhà này để tiếp tục tìm hiểu.

Hiện trạng di tích giờ ra sao?

Vừa gặp chúng tôi, ông Ngô Văn Lập (con trai ông Ngô Toại, đại diện gia đình trực tiếp quản lý ngôi nhà) vui mừng xen lẫn bồi hồi cho biết, mới đây di tích đã được UBND quận 3 gắn thêm tấm bảng có in mã vạch, đặt ở vị trí dễ thấy nhất của ngôi nhà, để khách đến tham quan hoặc ăn phở cũng dễ dàng tra cứu thông tin hiểu thêm về di tích này.

Cạnh đó, nhiều hình ảnh, tư liệu về cơ sở cách mạng cũng được gia đình treo dựng ở vị trí trang trọng. Bằng công nhận di tích và các Bằng khen, danh hiệu được Đảng và Nhà nước trao tặng cũng gắn ở vị trí trung tâm, thể hiện sự tự hào về truyền thống, ý nghĩa của ngôi nhà số 7 Lý Chính Thắng khi vinh dự được công nhận là di tích quốc gia… Nói tới đây, ông Lập vẻ buồn bã: “Gia đình chúng tôi đã chờ đợi quá lâu, mặc dù nhiều phương án đã đưa ra, nhưng cách nào cũng vướng, cực chẳng đã, chúng tôi phải tiếp tục làm đơn cầu cứu”. Vừa nói, ông Lập vừa đưa chúng tôi xem tờ đơn kêu cứu ông viết tay còn chưa ráo mực.

Trước đó, qua tìm hiểu được biết, nhà số 7 Lý Chính Thắng (địa chỉ cũ là số 7 Yên Đỗ) là tiệm phở Bình, được ông Ngô Toại mua lại từ năm 1967 và ông lấy căn nhà của mình làm cơ sở bí mật của lực lượng bảo đảm chiến đấu Biệt động Thành. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, nơi đây được chọn đặt Sở chỉ huy tiền phương của Phân khu 6, là nơi phát lệnh tổng tiến công cho các đơn vị Biệt động Thành và lực lượng nổi dậy nội thành, ghi lại dấu mốc lịch sử quan trọng của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn. Di tích còn là sự thể hiện tấm lòng yêu nước của nhân dân nội thành và tinh thần dũng cảm, bất khuất của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng, đặc biệt là lực lượng Biệt động Thành trong xây dựng lực lượng và chiến đấu.

Di tích Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968 được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử năm 1988. Theo hồ sơ di tích, nhà số 7 Lý Chính Thắng có hai khu vực bảo vệ: Khu vực bảo vệ I có diện tích 80m2; Khu bảo vệ II có diện tích 240m2, phạm vi là hai căn nhà liền kề. Hiện nay, nhà di tích số 7 Lý Chính Thắng vẫn do gia đình ông Ngô Toại trực tiếp quản lý và sử dụng, với 3 hộ gia đình đăng ký thường trú, cư ngụ tại đây là các con, cháu của ông Ngô Toại (mất năm 2006) và bà Trần Thị My (mất năm 1987). Hiện trạng nhà di tích gồm 4 tầng: trệt, lửng, ba lầu, sân thượng. Gia đình tiếp tục sử dụng tầng trệt làm tiệm phở (phở Bình); tầng 2 bố trí làm nơi trưng bày bổ sung tại di tích sau khi di tích được xếp hạng; nơi ở và sinh hoạt của gia đình bố trí tại lửng, một phòng nhỏ ở tầng 2 và toàn bộ tầng 3 và tầng 4.

Nguyện vọng của gia đình là kiến nghị được hoán đổi nhà đất số 7 Lý Chính Thắng (nhà di tích) với nhà đất số 9 Lý Chính Thắng; đồng thời, Nhà nước hỗ trợ thêm cho gia đình 5 tỉ đồng để sửa chữa lại nhà số 9 và ổn định cuộc sống.

 Ông Ngô Văn Lập tại gian phòng trưng bày

Rốt ráo tìm phương án

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, ngày 2.4.2021, UBND TP đã có công văn 960 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan. Trên cơ sở đó, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND TP được tiếp nhận nhà đất số 7 Lý Chính Thắng, do gia đình bàn giao để xác lập sở hữu nhà nước và quản lý sử dụng theo diện Nhà di tích lịch sử. Đồng thời chấp thuận chủ trương giao nhà đất số 9 Lý Chính Thắng cho gia đình để quản lý sử dụng; đồng thời, hỗ trợ 5 tỉ đồng từ ngân sách của Đảng bộ TP.HCM cho gia đình…

Ngày 7.4.2021, Văn phòng Chính phủ có công văn đề nghị các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, TN&MT và Bộ VHTTDL có ý kiến về kiến nghị của UBND TP. Tiếp nhận công văn của Văn phòng Chính phủ, ngày 22.4.2021, Bộ VHTTDL có công văn báo cáo Văn phòng Chính phủ, thống nhất với kiến nghị của UBND TP, đồng thời đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan có kế hoạch bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích sau khi công trình được tiếp nhận. Tuy nhiên, ngày 6.5.2021, Bộ Tài chính có công văn cho biết, phương án đề xuất của UBND TP.HCM không thể thực hiện được, lý do là nhà đất số 9 Lý Chính Thắng thuộc phạm vi, đối tượng của Nghị định 167/2017/ NĐ-CP (quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công), nên kiến nghị của UBND TP tại công văn 960 là chưa phù hợp. Chính vì vậy, ngày 18.6.2021, Văn phòng Chính phủ có công văn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: “Căn cứ Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp UBND TP.HCM xử lý nhà đất số 7 Lý Chính Thắng (nhà di tích) và nhà đất số 9 Lý Chính Thắng để bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích theo quy định”…

Nói về nội dung Nghị định 167/2017/NĐ-CP, Thường trực Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) phân tích, Nghị định không có quy định cụ thể hình thức xử lý việc giao nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho tư nhân; đồng thời, nhà nước tiếp nhận lại nhà, đất của tư nhân, mà chỉ nêu “hình thức xử lý khác”, thế nhưng, lại không quy định cụ thể về hình thức nào. “Việc xử lý đối với trường hợp này trước nay chưa có tiền lệ, nên UBND TP mới có công văn 960 để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai thực hiện như phương án đã bàn”, Thường trực Ban chỉ đạo 167 cho biết và nói thêm, đến ngày 15.7.2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ 1.9.2021, tại khoản 7 Điều 1 quy định về “Hình thức khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật có liên quan. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…”. Do đó qua rà soát các quy định, Thường trực Ban chỉ đạo 167 nhận thấy nhà số 7 Lý Chính Thắng không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng Nghị định 167/2017/NĐ- CP; còn nhà đất số 9 Lý Chính Thắng thuộc sở hữu nhà nước và thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng Nghị định 167/2017/NĐ-CP…

Để giải quyết theo nguyện vọng của gia đình và thực hiện chủ trương của Thường trực Thành ủy, ngày 18.3.2022, Thường trực Ban chỉ đạo 167 đề xuất phương án: Đại diện thừa kế hợp pháp của gia đình sẽ có đơn hiến tặng nhà đất số 7 Lý Chính Thắng cho Nhà nước để quản lý, sử dụng theo diện Nhà di tích lịch sử cấp quốc gia, đồng thời, đề nghị được hỗ trợ 5 tỉ đồng cho gia đình để cải tạo, sửa chữa nhà và ổn định cuộc sống. Đối với nhà đất số 9 Lý Chính Thắng, lập thủ tục bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho gia đình sử dụng để ở, với giá trị 0 đồng… Tuy nhiên, theo một số nguồn tin chúng tôi tìm hiểu được, phương án kiến nghị này cũng đang vướng phải quy định hiện hành, nên buộc TP.HCM phải làm lại hồ sơ từ đầu và tìm phương án khác khả thi hơn.

Trước tình hình này, ông Ngô Văn Lập cho biết, đang thảo lá đơn đề nghị cứu xét. Ông nói, trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, 3 hộ gia đình với mười mấy nhân khẩu cùng sống chung đã khó lại càng khó khăn hơn, vì buôn bán ế ẩm, nhiều người bị bệnh tật kéo dài. Qua mùa dịch, gia đình vừa mất đi hai người, một người thì do nhiễm Covid còn một người chị của ông mất do tuổi cao, sức yếu vì ảnh hưởng của di chứng chiến tranh để lại… Bản thân ông cũng bị bệnh tật nên trong đơn, gia đình xin tạm ứng 2 tỉ đồng (trong phần Thành phố sẽ hỗ trợ 5 tỉ đồng) để lo nợ nần, trang trải cuộc sống.

“Còn nếu không được chấp thuận thì tạm thời tôi xin gỡ Bằng công nhận di tích xuống để cho thuê mặt bằng tầng trệt để có tiền trang trải cuộc sống. Vì gia đình tôi chờ đợi đã 8 năm, với 10 lá đơn gửi đi xin được cứu xét rồi”, ông Lập bày tỏ. 

 Còn nếu không được chấp thuận thì tạm thời tôi xin gỡ Bằng công nhận di tích xuống để cho thuê mặt bằng tầng trệt để có tiền trang trải cuộc sống. Vì gia đình tôi chờ đợi đã 8 năm, với 10 lá đơn gửi đi xin được cứu xét rồi.

(Ông NGÔ VĂN LẬP đưa lá đơn vừa viết tay đề nghị được cứu xét)

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top