Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Vở diễn Nợ nước non: Câu chuyện xúc động về thời hoa niên của Bác

Thứ Hai 23/05/2022 | 10:27 GMT+7

VHO- Tác phẩm Nợ nước non kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu Cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống vừa ra mắt công chúng Thủ đô vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2022) và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2022).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cổ vũ các nghệ sĩ

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng ban Nội chính TƯ Phan Đình Trạc cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ VHTTDL... đã tới dự.

Thêm một góc nhìn đẹp về Bác trên sân khấu

Nợ nước non được xây dựng dựa trên phần 1 bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; được đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng cho Nhà hát Cải lương Việt Nam. Đây là phần đầu dự án nghệ thuật mang tính sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, cùng hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan, cha Nguyễn Sinh Sắc… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam.

Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên khi đất nước đã đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mảnh đất giàu truyền thống xứ Nghệ, cùng với lòng yêu nước, ý chí ham học hỏi, ham hiểu biết của người cha và lòng yêu thương con trẻ, sự chịu thương chịu khó của người mẹ; tinh thần vượt khó vươn lên, cần cù trong lao động, cố kết trong tình làng nghĩa xóm của quê hương, đất nước... đã là chiếc nôi nuôi dưỡng, hun đúc trong Nguyễn Tất Thành tình yêu nước, thương dân với một thiên hướng đặc biệt đến mẫn cảm.

Bước ngoặt tác động mạnh đến tư tưởng của Nguyễn Tất Thành là khi ông Nguyễn Sinh Sắc, tri huyện Bình Khê, Bình Định bị triệu hồi về Huế chịu án phạt vì bênh vực dân nghèo... Cha và anh trai về Huế, Nguyễn Tất Thành được bạn cũ của cha giới thiệu đến dạy học ở trường Dục Thanh. Sau đó, Nguyễn Tất Thành lên đường vào Sài Gòn, đến tạm trú tại trụ sở Liên Thành Thương quán. Tại đây, Nguyễn Tất Thành đã tìm kiếm cơ hội lên tàu sang Pháp để tìm đường cứu nước. Chỉ trong một cảnh trò chuyện giữa Nguyễn Tất Thành với ông Nguyễn Quý Anh - chủ Công ty Liên Thành đã cho thấy được sự đặc biệt trong tư duy và nhận thức của chàng trai mới 21 tuổi. Đó là quyết định mang tính lịch sử tạo tiền đề cho công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập và tự do cho dân tộc.

 Hai cha con Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành trò chuyện trước ngày ly biệt không còn gặp lại

Hướng tới phong cách dựng đương đại cho sân khấu

Cái khó nhất của một đạo diễn là làm sao kể câu chuyện về Bác Hồ phải thật hấp dẫn khi những câu chuyện đó đã quen thuộc và thấm đẫm trong lòng người dân Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà lần nào PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng gửi gắm đứa con tinh thần của mình cho NSND Triệu Trung Kiên. Bởi lẽ, vị đạo diễn tài năng này luôn tìm ra những hình thức thể hiện hấp dẫn cho tác phẩm. Mỗi lớp diễn đều được tác giả, đạo diễn và ê kíp dàn dựng chắt chiu tỉ mỉ đến từng chi tiết để khắc họa được sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau là chàng trai Nguyễn Tất Thành.

Vở diễn có nhiều cảnh xúc động, lôi cuốn khán giả như cảnh đêm trăng bên dòng sông Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan; cảnh cha mẹ và ông bà ngoại đón bé Nguyễn Sinh Cung chào đời giữa mùa sen tháng Năm; cảnh Bến cảng Sài Gòn cùng tâm trạng nghẹn ngào của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba với đất nước, với những người thân trước chuyến đi xa vạn dặm... Khán giả đã rơi nước mắt khi xem cảnh bà Hoàng Thị Loan đau ốm, Nguyễn Sinh Cung giúp mẹ hát ru em. Khi bà Loan qua đời, trời đổ mưa gió, một bên là Nguyễn Sinh Cung gọi mẹ, một bên là bé Nguyễn Sinh Nhuận đói sữa khóc ngằn ngặt… Hoàn cảnh khó khăn cùng với nỗi đau và sự mất mát như đã hun đúc nên ý chí và nghị lực để Nguyễn Tất Thành vượt qua mọi thử thách, gian khổ trong suốt hành trình tìm đường cứu nước của mình sau này.

Dàn dựng một tác phẩm cho đơn vị sân khấu Cải lương nhưng không vì thế mà đạo diễn Triệu Trung Kiên bó hẹp trong những khuôn thước nhất định. Có thể thấy ở Nợ nước non là sự kết hợp giữa Cải lương và nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác như dân ca Ví giặm xứ Nghệ, ca Huế, Bài Chòi và dân ca Nam Bộ… Ở vở diễn này, đạo diễn cũng đã tìm được sự phối kết hợp hợp lý giữa màn hình led và không gian sân khấu gây ấn tượng mạnh với người xem khi gợi lại bối cảnh cuối thế kỷ XIX, đời sống người dân cùng cực dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến.

Có thể thấy sự tìm tòi rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng của ê kíp sáng tạo khi dựng nên một không gian sân khấu biến hóa liên tục. Yếu tố đương đại được thể hiện mạnh mẽ trong sự phá cách của trang trí sân khấu với những khung sắt, những hình khối ngẫu biến gợi tả về một xã hội Việt Nam khi ấy ngổn ngang, bất an và đầy rẫy nguy cơ tiềm ẩn… Đặc biệt ở cảnh cuối, tất cả các đơn nguyên trang trí bỗng chốc ghép lại thành cầu cảng của Bến cảng Sài Gòn - nơi đã ghi dấu ấn lịch sử trước khi Người bước chân lên con tàu vạn dặm xa tìm đường cứu nước.

Không lựa chọn cách dùng giọng nói tiếng địa phương theo vùng miền nhưng các nghệ sĩ đã khắc họa thành công nhân vật bởi lối diễn chân thực, giàu xúc cảm. Nổi bật là vai diễn Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ thời trẻ do nghệ sĩ Minh Hải đảm nhận. Vốn thường vào những vai hào hoa, lãng tử thì lần này Minh Hải đã lột tả được thần thái mộc mạc, giản dị nhưng đầy ý chí quyết tâm của Bác khi hội đủ cốt cách, trí tuệ, tri thức của các lớp người đi trước. Bởi lẽ con người Bác đã được nuôi dưỡng, được lớn lên giữa mạch nguồn yêu nước của gia đình, quê hương, với nền móng gia giáo, lễ nghĩa khi ấy. Khán giả càng có cảm tình hơn khi được nghe chất giọng trầm ấm, ngọt ngào, lay động trái tim người xem qua những làn điệu Cải lương mê đắm.

Có thể thấy những xử lý về mặt nghệ thuật của ê kíp sáng tạo mang tính ngẫu hứng, linh hoạt, không chịu bó hẹp trong một khuôn khổ hay trình thức nào. Đó chính là thành công khiến Nợ nước non tạo nên cảm giác rất mới mẻ, rất đương đại hấp dẫn khán giả. Được biết, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang tiến hành triển khai tổ chức biểu diễn tác phẩm Nợ nước non trong các đợt lưu diễn dài ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, đặc biệt là những địa danh đã từng in dấu chân Bác trên hành trình đi tìm dáng hình đất nước. 

THÚY HIỀN; ảnh: KIÊN TRUNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top