Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lọc ảo để tránh tình trạng "xếp gạch" giữ chỗ

Thứ Sáu 13/05/2022 | 10:05 GMT+7

VHO_ Điều chỉnh kỹ thuật của Bộ GD&ĐT năm nay ở khâu xét tuyển đại học khiến nhiều trường phải thay đổi kế hoạch tuyển sinh và thí sinh lo lắng.

Theo đó, sau khi xét tuyển bằng các phương thức riêng như sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy của một số đơn vị; xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; xét học bạ; xét tuyển thẳng... các trường phải nhập dữ liệu thí sinh trúng tuyển tạm thời lên hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Trên hệ thống này đã có sẵn dữ liệu điểm thi tốt nghiệp của thí sinh. Bộ sẽ tiến hành chạy phần mềm lọc ảo, để mỗi thí sinh (căn cứ vào mã định danh cá nhân) sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất.

Việc lọc ảo sẽ áp dụng với tất cả các nguyện vọng, bao gồm cả kết quả thi tốt nghiệp THPT. Để thực hiện việc này, từ khâu đăng ký dự thi, thí sinh đồng thời nhập dữ liệu đăng ký nguyện vọng theo quy định của trường, vừa tự nhập dữ liệu lên hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Đây là điều chỉnh đang được cho là phức tạp hơn cho cả nhà trường và thí sinh.

 Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT) đã có cuộc trao đổi với Văn Hóa để chia sẻ về vấn đề này.

 P.V: Xin bà cho biết lý do Bộ điều chỉnh kỹ thuật ở khâu xét tuyển đại học trong năm học này!

- Bà Nguyễn Thu Thủy: Phân tích số liệu trong vài năm gần đây cho thấy, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học ngày càng giảm, một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT) yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay làm các em mất cơ hội vào trường có mức ưu tiên cao hơn hoặc phải nộp tiền để giữ chỗ gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.

Bên cạnh đó, khi thí sinh xét tuyển bằng kết quả học tập vào một số cơ sở đào tạo phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, các trường THPT phải mất thời gian sao in chứng thực kết quả học tập cho các em gây tốn kém; các cơ sở đào tạo mất thêm thời gian cập nhật kết quả học tập của thí sinh để xét tuyển, một số cơ sở sử dụng kết quả học tập để sơ tuyển lại không có dữ liệu chính xác dẫn đến còn tồn tại khá nhiều sai sót...

Việc thí sinh xét tuyển và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường, trong khi các trường không nhập dữ liệu lên hệ thống lọc ảo chung đã gây nên tỷ lệ thí sinh ảo cao. Những bạn “xếp gạch” giữ chỗ nhưng không nhập học làm mất đi cơ hội của nhiều bạn khác. Các trường cũng vì thế không xác định được tỷ lệ thí sinh nhập học, dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Chất lượng thí sinh không đồng đều do không xét tuyển được cùng thời điểm. Để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Quy chế tuyển sinh (đang công khai theo quy trình trước khi phê duyệt) đã và đang có những điều chỉnh kỹ thuật.

Nhưng liệu việc này có đi ngược với tinh thần giao tự chủ cho các cơ sở đào tạo khi các trường vẫn phải lệ thuộc vào hệ thống của Bộ GD&ĐT?

- Việc này không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo. Các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cho thí sinh; vẫn tự chủ trong xây dựng phương thức xét tuyển, quyết định điểm trúng tuyển và chịu trách nhiệm về việc này khi đưa dữ liệu lên hệ thống lọc ảo.

Hệ thống của Bộ không xét tuyển mà chỉ hỗ trợ sắp xếp nguyện vọng của thí sinh dựa trên ưu tiên của các em, để lựa chọn ra nguyện vọng cao nhất mà các em có thể trúng tuyển. Ngoài việc giúp các trường hạn chế thí sinh ảo, điều chỉnh này đảm bảo cho thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng được ưu tiên cao nhất, phù hợp với mong muốn và sự yêu thích. Việc này cũng đảm bảo công bằng với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội. Về mặt kỹ thuật hầu như không phức tạp hơn các năm trước.

Với quy định “mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng”, liệu có hạn chế quyền lựa chọn của thí sinh không, thưa bà?

- Thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng và các em được trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của mình khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. Việc này cũng khắc phục được bất cập đã xảy ra: Thí sinh nộp hồ sơ theo một nguyện vọng được xét tuyển trước, nhưng sau đó trúng tuyển vào nguyện vọng mình thích hơn nhưng không rút được hồ sơ ở trường đã nộp. Việc chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất cũng đảm bảo những thí sinh có khả năng đỗ nhiều nguyện vọng không “chiếm chỗ” và làm mất đi cơ hội của các bạn khác.

Theo xu thế chung của nhiều nước, tuyển sinh đại học cần tổ chức nhiều đợt trong năm, nhưng có vẻ theo điều chỉnh của Bộ thì việc này không phù hợp?

- Quy chế tuyển sinh hiện hành quy định, các cơ sở đào tạo được xét tuyển nhiều đợt trong năm, nhưng vẫn quy định lịch trình chung cho xét tuyển đợt 1, đồng thời quy định thí sinh phải tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp mới đủ điều kiện để xét và trúng tuyển vào đại học và cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Các trường hoàn toàn chủ động tổ chức xét tuyển sớm với các phương thức khác nhau (trước khi thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT), tuy nhiên phải chờ tới khi thí sinh có kết quả xét tốt nghiệp mới được công bố thí sinh trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học.

 Bộ GD&ĐT tăng cường truyền thông, hướng nghiệp... tạo điều kiện để thí sinh được tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác nhất

Vậy để đạt các mục tiêu đề ra khi lọc ảo chung, hạn chế tình trạng ảo, tránh nhầm lẫn và không ảnh hưởng tới trường và thí sinh, cần đảm bảo những điều kiện gì, thưa bà?

- Năm 2021 đã có 50% thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và 100% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến trên hệ thống. Những năm qua các trường đã tham gia hệ thống để lọc ảo thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Mục tiêu năm 2022 sẽ lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển, về mặt kỹ thuật hầu như không phức tạp hơn các năm trước. Tuy nhiên, bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể dẫn đến rủi ro, sai sót, đặc biệt là khi có hàng triệu thí sinh, thầy cô giáo các trường phổ thông, các Sở GD&ĐT và các cơ sở đào tạo tham gia hệ thống. Để chuẩn bị cho việc này, Bộ GD&ĐT đã và đang khẩn trương thực hiện nâng cấp phần mềm để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh, hỗ trợ các cơ sở đào tạo và đáp ứng các quy định về tuyển sinh.

Thời gian qua, Bộ đã thường xuyên họp giao ban trực tuyến với các Sở GD&ĐT và cơ cơ sở đào tạo để thống nhất về chủ trương, hoàn thiện chính sách, hoàn thiện các thông tư và văn bản, kế hoạch về tuyển sinh; đồng thời trao đổi, thống nhất về mặt kỹ thuật với cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh của các trường, các nhóm trường. Bộ cũng sẽ ban hành văn bản, xây dựng tài liệu, clip hướng dẫn thí sinh trong đăng ký dự thi và xét tuyển. Đồng thời tăng cường truyền thông, hướng nghiệp cho thí sinh, cung cấp thông tin cho thí sinh, tạo điều kiện để thí sinh được tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác nhất.

Về lâu dài, Bộ sẽ vẫn duy trì việc quản lý này?

- Hệ thống hỗ trợ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sẽ được tiếp tục phát triển, kết nối với cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở dữ liệu dân cư, từng bước trở thành một nền tảng cung cấp các dịch vụ và tiện ích tốt nhất cho thí sinh và cho các cơ sở đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, kết nối với cơ sở dữ liệu các bậc học, quản lý thông tin người học thông suốt từ quá trình tuyển sinh, đào tạo tới cấp bằng tốt nghiệp. 

 KỲ THANH (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top