Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ và trách nhiệm với cộng đồng: Cần lan tỏa những thông điệp tích cực

Thứ Hai 09/05/2022 | 11:04 GMT+7

VHO- MV There’s no one at all của Sơn Tùng M-TP đã bị cơ quan chức năng phạt 70 triệu đồng, kèm theo đó các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy đây là án phạt đầu tiên cho một sản phẩm âm nhạc gây tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, đạo đức và tâm lý xã hội, nhưng thời gian qua, không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng đã có những phát ngôn, tác phong, lối sống… thiếu chuẩn mực.

 Sơn Tùng M-TP đã nghệ thuật hóa nỗi cô đơn vô cùng buồn thảm, tiêu cực trong MV “There’s no one at all”

 Từ hiện tượng này, giới chuyên môn và những người quan tâm cũng đã có chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của nghệ sĩ, đặc biệt là những “thần tượng” đang có sức ảnh hưởng tới giới trẻ hiện nay.

“Quên” trách nhiệm với sản phẩm nghệ thuật mình tạo ra...

Cách đây vài năm, Ban Tuyên giáo Trung ương có tổ chức hội thảo bàn về nhân cách người nghệ sĩ, để cho thấy mối quan tâm này không phải bây giờ mới có mà đã từ lâu Đảng, Nhà nước và cơ quan quản lý rất chú trọng đến đội ngũ sáng tác, biểu diễn văn hóa - nghệ thuật, nhất là những bạn đang là “hình tượng” của giới trẻ.

 PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm

Hội Âm nhạc TP.HCM cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Giai đoạn 2014-2015, Hội đã tổ chức đợt vận động anh em nghệ sĩ tham gia và tổ chức kết nạp hội viên tại Côn Đảo. Trong chuyến đi này, Hội có mời các nhạc sĩ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc TP.HCM và các cô chú lão thành, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước để cùng giao lưu, sinh hoạt truyền thống. Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã dẫn anh em chúng tôi đến những nơi mà cô từng bị giam cầm trước đây, kể lại câu chuyện của cựu tù chính trị bấy giờ. Lần sinh hoạt ý nghĩa đó đã tác động rất lớn đến tâm tư, ý thức, định hướng lối sống và sáng tác, biểu diễn của các bạn. Chúng tôi cùng đứng bên nhau trước đền thờ, hát cho bộ đội, nhân dân xem và kết nạp các bạn mới vào Hội Âm nhạc TP. Tôi biết một số nghệ sĩ trước kia cũng khá nổi loạn, có lối sống bốc đồng, thực dụng, nhưng qua những buổi giao lưu, tiếp cận như vậy thì đã chuyển biến tích cực dần, càng về sau càng chuẩn mực hơn.

Tuy nhiên thời gian gần đây, vì nhiều lý do mà những hoạt động như vậy chưa được tổ chức thường xuyên, tôi cho rằng đây cũng là thiếu sót đứng dưới danh nghĩa của một Hội chuyên ngành. Bên cạnh đó, rất nhiều lần, Hội Âm nhạc TP đã kêu gọi, giới thiệu các bạn trẻ vào Hội, nhưng dường như các bạn thấy con đường kiếm tiền trước mắt bằng cách tạo scandal, gây shock để trở thành “người nổi tiếng” quan trọng hơn là những điều có ý nghĩa mà các bạn cần mang đến cho xã hội. Mục đích làm nghề của các bạn là để thu hút nhiều người xem mình, theo dõi mình…, vì điều đó đi kèm thu nhập, nên bằng mọi kiểu, mọi cách để “câu view” mà quên đi trách nhiệm với sản phẩm nghệ thuật mình tạo ra. Điều đó cho thấy rằng các bạn không làm nghề.

Những sự cố như vừa qua thường xảy ra với những nghệ sĩ ngoài Hội, tuy nhiên, Hội nhận thấy vai trò của mình cũng chưa được bao trùm. Tôi nghĩ rằng tiếng nói của các hội chuyên ngành đối với nhà nước cũng phải được đề cao hơn, mạnh mẽ và thường xuyên hơn, để góp phần “gạn đục khơi trong” những sản phẩm nghệ thuật khi tiếp cận với công chúng.

Tôi được biết những người làm ngành Y có Lời thề Hippocrates, là không được lạm dụng nghề để trục lợi, vì nghề Y ảnh hưởng đến sinh mạng con người. Một số nghệ sĩ nghĩ rằng sản phẩm của họ không liên quan đến sinh mệnh, nghe xong rồi thôi, nhưng không phải vậy, ngược lại còn tác động cực kỳ lớn đến công chúng thưởng thức. Khán giả có thể nghe, xem rồi bắt chước, đặc biệt là trong tình huống, thời điểm có chuyện buồn, stress, thi cử căng thẳng hoặc giai đoạn chuyển đổi… thì những MV như kiểu của Sơn Tùng M-TP sẽ càng tác động tiêu cực hơn nữa. Hiện chúng ta chưa bàn tới “lời thề” dành cho giới nghệ sĩ, nhưng các Luật, Nghị định, Thông tư và đặc biệt là Bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ do Bộ VHTTDL vừa ban hành, sẽ là những công cụ chế tài, định hướng để người nghệ sĩ có ý thức trách nhiệm hơn với sản phẩm nghệ thuật của mình.

(PGS.TS NGUYỄN THỊ MỸ LIÊM, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM)

Cần tạo ra cái đẹp của nghệ thuật và tinh thần thể thao khỏe mạnh

Ca nhạc, phim ảnh hay nghệ thuật nói chung tác động rất lớn đến sức khỏe tinh thần, tâm lý con người. Nó có thể khiến một người đang buồn chán, cô đơn, muốn kết thúc cuộc sống bằng những hình ảnh hoặc ca từ chạm vào nỗi đau của họ và khuyến khích họ buông bỏ. Sơn Tùng M-TP đã nghệ thuật hóa nỗi cô đơn vô cùng buồn thảm, vì người ta chỉ nghĩ đến mỗi chuyện là kết thúc cuộc đời mình bằng cách nhảy từ trên cao xuống, và dĩ nhiên ai cũng hiểu đó là tự tử. Trong thời điểm mọi người đang vượt qua dịch bệnh bằng tinh thần thể thao khỏe mạnh của SEA Games 31, ai cũng cố gắng nỗ lực gấp nhiều lần, thì có người khuyên “bỏ hết, buông xuôi hết và kết liễu cuộc đời mình…” thì không thể chấp nhận được.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Nghệ sĩ bao giờ cũng phải lan tỏa, chuyển giao những thông điệp tích cực, bởi đó là nhiệm vụ và sứ mệnh của anh ta. Một đại thi hào Nga đã nói rằng: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”, thế thì cái đẹp ở đây là tinh thần khỏe mạnh. Trong tình hình Covid-19 toàn cầu, người ta rất cần một tinh thần khỏe mạnh, thì đi ngược lại cái đó, nghệ sĩ không có quyền đưa một thông điệp xám xịt để mọi người càng thêm lo lắng, bi quan.

Và có một sự nhầm lẫn nữa, đó là anh ca sĩ này tưởng rằng đây là thông điệp đẹp nên mới cố gắng nghệ thuật hóa nó, nhưng anh lại không nghĩ rằng thông điệp của mình phản cảm. Để xảy ra việc này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về nghệ sĩ, vì anh ta là người sáng tạo ra tác phẩm ấy, phát ngôn tác phẩm ấy bằng nghệ thuật. Và tôi cho rằng, trách nhiệm cộng đồng của người nghệ sĩ như vậy là không đúng, chưa tốt, nhất là trong bối cảnh chiến tranh, dịch bệnh… Đây là lúc để vượt thoát những nỗi sợ đang bao trùm nhân loại, chỉ có cái đẹp của nghệ thuật và tinh thần khỏe mạnh của thể thao.

(PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI)

Hãy là thần tượng, đừng là “hiện tượng cần cảnh báo”

Trước hết phải thừa nhận, Sơn Tùng là một tài năng âm nhạc và có sức ảnh hưởng lớn trong giới trẻ. Mọi động tác, trang phục, kiểu tóc, thậm chí điện thoại nam ca sĩ này xài… giới trẻ đều bắt chước. Nghĩa là, Sơn Tùng trở thành thần tượng cho giới trẻ, thành ra tuổi trẻ luôn bắt chước thần tượng. Tôi thấy rất vui vì các em đã chọn một người Việt Nam để làm thần tượng, tuy nhiên, ở góc độ giáo dục, MV There’s no one at all có chứa những hình ảnh của sự nổi loạn và cái kết bi thảm, lại rơi vào thời điểm gần đây có những vụ việc học sinh nhảy lầu như vậy, nên tôi rất lo lắng. Là một người làm công tác quản lý giáo dục, tôi mong rằng ê kíp của Sơn Tùng cần rút kinh nghiệm để có sản phẩm âm nhạc tốt hơn, định hướng cho tuổi trẻ nhiều hơn, thì sự cống hiến đó mới đáng ghi nhận.

 Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú

Nếu một ngôi sao, một nghệ sĩ trở thành thần tượng của giới trẻ, thì họ cần phải biết nâng niu giá trị tinh thần, giá trị nhận thức để cho hình ảnh của mình lâu bền với thời gian, để cho tuổi trẻ hoặc một tầng lớp nào đó nhìn thấy đó là tấm gương để noi theo. Bắt chước thần tượng để mang lại kết quả tốt đẹp hơn trong cuộc sống, để hoàn chỉnh bản thân mình hơn chứ không phải bắt chước để rồi đi đến ngõ cụt bế tắc. Cái đó không gọi là thần tượng, mà gọi là những “hiện tượng chúng ta cần cảnh báo”.

Qua hiện tượng MV của Sơn Tùng và cũng để tránh những việc học sinh học theo những hành vi, tác phong… của “thần tượng”, tôi cho rằng nhà trường cần tổ chức thật nhiều các sự kiện nhân ngày lễ, ngày kỷ niệm, để từ đó, các em sẽ có được những tháng ngày thật sự vui vẻ, gắn kết với học đường, với bạn bè, thầy cô nhằm giáo dục toàn diện các em. Các hoạt động văn hóa - giáo dục sẽ góp phần hình thành kỹ năng sống lành mạnh, giúp các em tươi vui, yêu đời hơn. Tôi nhận thấy hiện nay học sinh rất co cụm, các em chủ quan, tưởng rằng có smart phone nên hiểu biết nhiều mà thực ra lại không đáng bao nhiêu…

(Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)

THÙY TRANG (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top