Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Người cựu binh kết nối văn hóa Việt -Mỹ

Thứ Bảy 30/04/2022 | 17:19 GMT+7

VHO- Từng tham chiến tại Việt Nam hai năm 1967 và 1968, Bruce Weigl trở về Mỹ và mang theo nhiều câu hỏi ám ảnh về một đất nước phương Đông xa xôi. Ông đã tự giải đáp cho mình bằng cách tìm hiểu con người và xứ sở bên kia bờ Đại dương, để rồi tình nguyện trở thành một đại sứ kết nối hai nền văn hóa Việt - Mỹ.

 Cuốn sách “Vòng tròn của Hạnh” ông Bruce Weigl dành tặng con gái nuôi của mình

Bruce Weigl sinh ngày 27.1.1949 tại Lorain, Ohio (Mỹ). Sau nhiều năm làm giáo sư ở các trường đại học như Arkansas, Old Dominion, Penn State, ông đã thành lập Trung tâm William Joiner để giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam với độc giả Mỹ suốt 30 năm qua. Việt Nam, đối với Bruce Weigl, như quê hương thứ hai. Ông thổ lộ, nếu còn sức khỏe thì mỗi năm ông muốn sống 6 tháng ở Việt Nam và 6 tháng ở Mỹ.

Bruce Weigl bắt đầu được chú ý khi xuất bản tập thơ đầu tay Bài hát bom Na-pan viết về chiến tranh Việt Nam, được đề cử Giải thưởng Pulitzer. Bruce Weigl đã miêu tả sự khủng khiếp của chiến tranh: “Bây giờ cả khi nhắm mắt/ Anh vẫn nhìn thấy bé gái chạy ra từ ngôi làng/ Bom Na-pan dính chặt cô vào máu/ Đôi bàn tay cô với ra phía trước/ Nhưng không ai đón cô trong biển lửa trước mặt”... Và Bruce Weigl chua chát cho chính mình: “Chiến tranh đã ăn ruỗng tôi/ Tôi không thể chạm vào ai được nữa/ Ngọn gió thổi xuyên qua tôi đến nơi xanh thẳm/ Nơi họ vẫn ngã xuống trong biển máu/ Tôi vẫn nghe tiếng họ, đêm đêm/ Tôi không thể trút bỏ quần áo trong ánh sáng”.

Bruce Weigl chân thành thú nhận: “Sau khi rời khỏi chiến trường Việt Nam cuối năm 1968, tôi mang một vết thương trong cơ thể u buồn và một nỗi đau trong trái tim tăm tối. Tôi biết mình đã sai lầm khi tham chiến tại Việt Nam. Rất xấu hổ và rất ăn năn, tôi quyết tâm phải làm một điều gì đó cho Việt Nam, cũng là để xoa dịu những bất an của chính mình. Tôi trở thành một dịch giả từ những tư liệu mà lính Mỹ tịch thu được của lính Việt. Hầu hết đều là những bài thơ thương nhớ quê nhà, thương nhớ cha mẹ, thương nhớ người yêu. Tôi đọc và đã khóc. Thì ra, giữa giằng co bom đạn khủng khiếp lúc ấy, chúng tôi chỉ là những gã cao bồi hiếu thắng, còn lính Việt là những nhà thơ đôn hậu. Một văn bản lịch sử có thể được trả tiền để viết ra, nhưng một văn bản văn chương thì không ai trả tiền để viết ra cả. Mỗi bài thơ không biết nói dối. Tôi đã dịch thơ Việt để hiểu văn hóa Việt và số phận người Việt. Ở Mỹ, ít người yêu thích thi ca, nhưng những bài thơ từ Việt Nam mà tôi chuyển ngữ thì gây thú vị cho rất nhiều độc giả Mỹ. Bởi lẽ, họ cũng như tôi, họ hiểu rằng những văn bản thơ được viết trong những khoảnh khắc im lặng ấy góp phần làm sáng tỏ những góc khuất lịch sử ở Việt Nam mà Chính phủ Mỹ từng che giấu người Mỹ”.

Bruce Weigl cho rằng, chính sự không thấu hiểu văn hóa đã khiến con người xa cách nhau và thù hận nhau. Sau khi Việt Nam thống nhất, Bruce Weigl là một trong những cựu binh Mỹ tìm cách đến Việt Nam sớm nhất. Năm 1995, Bruce Weigl đã nhận nuôi một bé gái ở trại trẻ mồ côi và đặt tên là Nguyễn Thị Hạnh Weigl. Ông đã viết một bài thơ để Nguyễn Thị Hạnh Weigl khắc lên mộ mẹ ruột cô bé là bà Nguyễn Thị Vẻ, với ngôn từ thiết tha: “Được sinh ra trong văn hóa lúa Hà Nam/ đầu tiên là đất/ thứ hai là nước/ thứ ba là những ngày dài còng lưng dưới mặt trời/ thứ tư là thóc giống/ như cuộc đời mẹ đã bắt đầu/ dưới bầu trời vần vũ của chiến tranh/ Rồi mẹ như cây mạ/ sẵn sàng cho số phận bứng lên từ mảnh ruộng mẹ đã được gieo/ để lại được cấy xuống trong hàng hàng những người sống sót/ Mẹ vươn lên từ bùn, mẹ vươn lên trong bão táp/ Dậy thì khi lúa trổ đòng/ bóng tối hậm hực muốn nhấn chìm vẻ đẹp/ Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh/ tự do chảy qua những cánh đồng/ rễ bám đất cưu mang đòng nặng hạt”.

Đưa con gái nuôi về Mỹ, Bruce Weigl không muốn Nguyễn Thị Hạnh Weigl trở thành một người Mỹ mà vẫn là một người Việt giỏi tiếng Việt, yêu tiếng Việt và gìn giữ giá trị Việt. Bruce Weigl viết cho con gái nuôi một cuốn sách, có tên là Vòng tròn của Hạnh. Nhiều dịch giả đề nghị được chuyển ngữ cuốn sách này sang tiếng Việt, nhưng Bruce Weigl đều lịch sự từ chối. Ông muốn chờ con gái nuôi Nguyễn Thị Hạnh Weigl có đủ vốn tiếng Việt để tự dịch cuốn sách. Và năm 2010, Nguyễn Thị Hạnh Weigl đã dịch Vòng tròn của Hạnh, với bản tiếng Việt được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành.

Bây giờ, Nguyễn Thị Hạnh Weigl đã tốt nghiệp đại học và làm việc cho một bệnh viện tại bang Ohio. Trong chuyến sang Việt Nam tháng 4.2022, Bruce Weigl vui mừng báo tin vui: “Nguyễn Thị Hạnh Weigl đã có chồng và vừa sinh con. Tôi đã được lên chức ông ngoại”.

Bruce Weigl là một nhà thơ có tầm ảnh hưởng trên thi đàn Mỹ. Ông cũng từng xuất bản tập thơ Sau mưa thôi nhả đạn bằng tiếng Việt. Thế nhưng, vai trò mà Bruce Weigl muốn thể hiện nhất là một dịch giả để giới thiệu văn chương Việt đến với công chúng Mỹ. Ông đã chuyển ngữ hơn 20 tác phẩm Việt để xuất bản tại Mỹ, mà gần đây nhất là tập thơ Trần Lê Khánh có tên gọi Sự bắt đầu của nước. Nhiều năm làm giáo sư giảng dạy đại học ở Mỹ, Bruce Weigl cho rằng văn học Việt Nam có một nền tảng rộng lớn và lâu đời, nhưng chưa được quảng bá đầy đủ. Quá ít dịch giả có khả năng chuyển ngữ văn chương từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Một bản dịch đúng mà không hay thì không thuyết phục được ai. Công cụ Google không thể dịch văn học, vì không có màng lọc văn hóa để thẩm thấu phẩm chất Việt. Để quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, theo ông, Việt Nam phải đầu tư cho đội ngũ dịch thuật chuyên nghiệp; phải đặt ra tiêu chuẩn, người dịch dùng tình yêu Việt Nam để “chưng cất” tinh túy tiếng Việt trên tinh thần tiếng Anh, thì may ra mới có bản dịch tin cậy lưu hành quốc tế.

Ở tuổi 73, Bruce Weigl vẫn thường xuyên tham dự các cuộc gặp gỡ và giao lưu văn học tại Việt Nam. Thậm chí, khi biết Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức một trại viết dành cho các tác giả sinh ra và lớn lên sau năm 1975, Bruce Weigl đã đến trò chuyện với gửi gắm: “Văn chương đã cứu rỗi cuộc đời tôi khỏi những ám ảnh chiến tranh Việt Nam. Các bạn là thế hệ hòa bình, cần nỗ lực đưa văn chương ra khỏi biên giới để phô diễn vẻ đẹp Việt Nam thời hội nhập. Đừng bao giờ nói “tôi không có gì để viết ra cả”, vì ngay câu nói đó cũng đã là một điều để viết. Hãy nhìn vào cuộc sống chính mình và những người xung quanh, sẽ có rất nhiều điều để nghĩ, để viết cho Việt Nam hôm nay và mai sau”.

Ngoài văn chương, Bruce Weigl khẳng định Việt Nam còn một đặc sản rất độc đáo là nước mắm. Bruce Weigl hồ hởi nói về nước mắm: “Thật là ngon, một sự phối hợp tuyệt vời giữa sự đậm đà và ngọt ngào, và sự trù phú của một dòng sông chảy về bóng tối nơi thời gian chiếm hữu… Tôi đã tìm hiểu nhiều về nước mắm, nước mắm dùng làm nước chấm, dùng để nấu ăn cho tăng thêm hương vị và thay thế muối. Trong chiến tranh, một số người Việt thậm chí còn uống nước mắm để giữ cho thân thể họ ấm áp, đặc biệt là khi họ phải ngâm mình dưới nước trong thời gian dài. Với cái mùi đặc biệt của nước mắm, nó cũng giúp mồi hoặc bẫy thú lợi hại hơn. Và nước mắm làm cho tất cả những thứ bạn ăn ngon hơn”. 

GIA QUAN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top