Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tản mạn về chuyện học sử

Thứ Bảy 30/04/2022 | 16:39 GMT+7

VHO- Ở trong nước đang tranh luận sôi nổi vấn đề học sử là môn bắt buộc hay môn tự chọn. Tôi chợt nhớ một thời du học. Lớp học tiếng Ru (Rumanie) chỉ vẻn vẹn có 13 người. Ở nước ngoài môn ngoại ngữ thường kèm theo dạy văn hóa, lịch sử, địa lý. Dù chưa thạo tiếng, giáo viên giỏi vẫn truyền được những từ mới để học sinh hiểu được.

 Đoàn văn nghệ Việt Nam đi thăm Bảo tàng dân tộc học ở Rumanie

Ví dụ như học từ biên giới, họ vẽ bản đồ Ru, tên các nước láng giềng, họ chỉ đường biên giới, học sinh nắm ngay từ biên giới. Họ vẽ những mũi tên, chỉ từ nước nào tấn công nước nào, và ghi năm để học sinh hiểu từ chiến tranh. Do đó, khi học ngoại ngữ là học cả lịch sử, địa lý văn hóa nước đó. Ngôn ngữ gắn liền văn hóa và lịch sử. Với một năm dự bị, học sinh nước ngoài có thể vào học đại học cùng các bạn Ru. Để nắm trình độ học sinh có hiểu ngoại ngữ hay không, có đủ trình độ theo học đại học, cuối năm thầy thường cho bài tập liên tục tự làm ở nhà nộp. Lần đó giáo sư cho chúng tôi một đề tài liên quan đến Việt Nam để học sinh dễ viết : Hãy tóm tắt lịch sử Việt Nam trong 3 trang. Bài phải trả trong 10 ngày.

Lớp học 13 người, chỉ có tôi và một người học ban A thi Toán, Lý, Hóa bị chuyển sang học cùng vì đã biết tiếng Pháp, còn lại 13 người thì ban C (Văn, Sử, Địa) để chuẩn bị học ngôn ngữ văn học Pháp. Đại đa số còn tốt nghiệp phổ thông, đều được chọn từ lớp năng khiếu văn, sử các tỉnh. Nhận đề tài ai cũng phấn khởi. Tôi hơi lo, vì sử không nắm rõ lắm. Thời đó từ điển chẳng có, sách về VN hầu như không có. Khi đi nước ngoài chúng tôi cũng chẳng mang theo sách sử, địa, vì nghĩ ra nước ngoài không dùng tiếng Việt. Thư viện toàn sách tiếng Ru, chúng tôi cũng chưa thạo và nghĩ chỉ là bài tập thường kỳ, nộp rồi cô giáo chữa lỗi chính tả đơn giản như mọi lần thôi. Về nhà, ai nấy đều tự giác làm. Chẳng ai hỏi ai, vì bệnh tự ái của đám học sinh du học đã được chọn lọc điểm cao, từng đạt học sinh xuất sắc mới được đi nước ngoài. Ai cũng muốn bài mình tốt, và thói quen không chép bài người khác nhỡ cô giáo phát hiện còn xấu hổ hơn bài bị điểm kém.

Đúng ngày tất cả nộp bài. Cô giáo lại giao cho đề tài khác về thị trường ăn uống ở VN, như giá gạo, giá nhà, giá khoai… Chúng tôi, những lứa đi khi chiến tranh chưa chấm dứt. Nhiều thứ bao cấp, chuyện giá nhà, giá nước, điện hầu như không biết. Thầy giáo muốn cho học về từ giá cả thị trường, và một số từ như gạo, thịt, cá… nên ông đặt câu hỏi “bao nhiêu tiền một cân gạo, cân thịt, mớ rau ở VN… Lương tháng cán bộ trung bình, thấp nhất là bao nhiêu…”. Chúng tôi học nhanh các từ thông dụng trong cuộc sống. Thật không ngờ, ông giáo sư viết lên trên bảng khi học sinh trả lời về giá cả từng thực phẩm: 1 cân gạo, 1 cân thịt, 1 cân rau… Sau đó ông hỏi lương trung bình… cuối cùng ông kết luận mức sống nghèo và thấp. Chúng tôi học được từ mức sống

Nhưng thật kỳ lạ, tưởng những câu hỏi của thầy chỉ là để đối thoại học tiếng, nhưng thật bất ngờ, chính đó là một cách dạy từ mới. Qua trả lời của trò, thầy nắm được lịch sử kinh tế của một nước … Thầy hiểu hơn hoàn cảnh trò và cách sống tằn tiện của sinh viên du học VN. Thậm chí nhiều sinh viên không biết giá vé vào rạp xem phim, vì chưa đi xem phim bao giờ ở rạp Việt Nam. Ở làng quê, phim toàn chiếu ở sân đình, hay bãi cỏ miễn phí cho dân, và thậm chí do chiến tranh, nhiều nơi còn cấm tụ tập, nhiều học sinh thiệt thòi. Kiến thức chung của sinh viên khối văn, sử quá yếu vì chiến tranh. Thầy giáo khi dạy về từ nhạc còn hỏi học sinh biết tên nhạc sĩ cổ điển nào. Cả lớp dường như nhìn nhau hỏi. Khi thầy mở nhạc cổ điển cho nghe để học từ cổ điển…, tôi may mắn hưởng chút ánh sáng văn hóa, vì sơ tán theo các đoàn văn công, nên biết được Tchaikovsky vì có bạn học trường nhạc được đi sang Nga ở trường đó … gọi là chữa xấu hổ cho trình độ khối văn, sử ở VN, toàn học sinh giỏi các tỉnh…

 Tác giả đứng ở đường Sơn Tây, Paris

Đợt trả bài sử, cả bọn hồi hộp xem nhận xét của bà giáo. Bà giáo nói câu xanh rờn: “Việt Nam các bạn không có lịch sử”. Cả bọn trố mắt ra không hiểu. Bà giáo mới nhẹ nhàng nói: 13 bài tập về sử Việt Nam của các bạn, 13 bản khác nhau. Chỉ có một cái năm duy nhất ai cũng viết đúng là 1930 thành lập Đảng CS Việt Nam, năm 1945 VN giành độc lập. Dạy sinh viên chính là một cách tự học, tự bổ túc văn hóa. Bà giáo đã chịu khó ghi năm rồi điền những gì sinh viên viết, để đi đến kết luận buồn cho kiến thức về sử của sinh viên được gọi là xuất sắc của VN, được tuyển chọn và điểm thi văn sử địa cao.

Tôi lại nhớ hồi học lớp sáu ở trường Đoàn Kết. Khi đó Hà Nội mới mở cửa trường cho học sinh sau một thời gian dài sơ tán. Thời chiến vỉa hè là sân chơi của trẻ. Bây giờ vỉa hè thành quán ăn hết. Đang chơi nhảy dây với các bạn, cô giáo chủ nhiệm đi qua vẫy tôi ra: “Mai em đi thi sử giỏi nhé”. Tôi giật mình hỏi: Thưa cô, làm sao ôn kịp cô. Cô giáo nói: Không sao, vì mỗi lớp phải có một học sinh tham dự. Sáng hôm sau, tôi cũng mang giấy bút đi thi. Tất nhiên tôi không được đi thi thành phố tiếp sau. Dù sao tôi cũng được tham gia đội ngũ học sinh giỏi đi thi cho lớp, chạnh lòng thấy môn học sử bị xem thường. Sau này trở thành giảng viên đại học, nghĩ lại tôi bật cười sự coi thường môn sử ở VN. Lúc đi học thời sơ tán, thầy sử địa phải đi nghĩa vụ, cô giáo toán dạy thay. Cô cứ lấy sách giáo khoa ra đọc, cô cũng chẳng nắm được địa lý, lịch sử. Sách giáo khoa hiếm, cô đọc cho học sinh chép, thế là hết giờ.

Việc học sử là rất quan trọng. Bên Pháp, văn, sử là môn thi bắt buộc trong mọi cấp. Một học sinh tốt nghiệp phổ thông không nắm kiến thức văn, sử đất nước sẽ thiệt thòi khi ra tiếp xúc với với bạn bè thế giới. Nhiều khi họ hỏi một câu đơn giản về đất nước quê hương, sẽ dễ mắc cỡ khi không trả lời được. Ví dụ “Việt Nam có bao nhiêu dân tộc, dân tộc nào đông, chính sách đối với dân tộc thiểu số, dân số, các nước giáp ranh, và văn hóa lịch sử…”. Khi đi du lịch ở nước ngoài, như ở Pháp, nơi có hơn 200 con đường liên quan đến Việt Nam*, với những tên địa danh : Đống Đa, Sơn Tây, Bắc Ninh… Bất chợt những bạn Pháp hỏi ý nghĩa, nếu chúng ta trả lời được, họ rất vui và khâm phục VN, và nể kiến thức tổng quát của bạn. Bạn có quyền hãnh diện hơn khi thấy những quảng trường mang tên Điện Biên Phủ. Càng thấy người Pháp tôn trọng giá trị lịch sử. Sự thất bại ở trận Điện Biên Phủ là dấu ấn đau đớn trong lịch sử chiến tranh của nước Pháp. Nhưng họ vẫn dùng tên này để đặt tên cho đường phố như để nhắc nhở thế hệ sau đừng bao giờ quên sự mất mát đau thương của chiến tranh, hãy yêu hòa bình…

Khi muốn hòa nhập vào thế giới, để khẳng định bản sắc dân tộc, chúng ta phải nắm được bản sắc đó. Bản sắc dân tộc chính là thông qua học văn hóa lịch sử dân tộc. Để được thế giới công nhận và tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi công dân phải mang trong chính họ hồn của dân tộc. Nếu hòa mình và hòa tan thì bản sắc biến mất. Việt Nam sở dĩ chiến thắng được nhiều giặc ngoại xâm hùng mạnh, vì chúng ta có bản sắc riêng, có một nền văn hóa. Khi kẻ xâm lăng sang chiếm một nước khác luôn muốn đồng hóa dân tộc bị chiếm bằng con đường văn hóa. Văn hóa mạnh đôi khi đảo ngược tình thế.

Thời La Mã, văn hóa Hy Lạp mạnh, nhiều người Hy lạp tài giỏi bị bắt làm nô lệ. Chính kẻ đi xâm lược lại phải nhờ những kẻ nô lệ thiết kế cho những công trình văn hóa lớn. Những người giỏi này thường được tự do khi hoàn thành tốt công việc. Vì vậy muốn đạt được tự do, một đất nước muốn không phụ thuộc và vươn lên trong hòa bình phải dùng bàn đạp cả về kinh tế lẫn văn hóa song hành. Thực dân Pháp sang Việt Nam, để đồng hoá người Việt đã bắt tất cả các công sở dùng tiếng Pháp… Lớp trí thức Việt đã âm thầm đấu tranh để bảo tồn ngôn ngữ Việt và tôn vinh văn hóa dân tộc bằng cách khuyến khích học chữ quốc ngữ, viết báo song ngữ, và dịch truyện tiếng Việt sang tiếng Pháp. Chính vì thế, các nước thực dân không đồng hóa nổi các nước châu Á có nền văn hóa lâu đời. Việt Nam là nước đầu tiên nổi tiếng giải phóng thuộc địa và giành độc lập. Chính văn hóa là ngòi châm, là vũ khí vô hình khơi dậy lòng yêu nước. Văn hóa sử chính là nhắc lại truyền thống dân tộc. 

TRẦN THU DUNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top