Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Quảng Ngãi: Nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số

Thứ Bảy 30/04/2022 | 15:48 GMT+7

VHO- Nằm trong cội nguồn và dòng chảy văn hóa Việt Nam, Quảng Ngãi là vùng đất có văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều giải pháp khôi phục các lễ hội, di sản văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần bà con dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.

Nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào Co được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

 Giữ gìn các giá trị văn hóa

Từ đầu năm đến nay, bà con người Co ở huyện Trà Bồng háo hức luyện tập cồng chiêng và tái hiện Lễ cúng thần linh trong Lễ hội hiến Trâu để tham gia Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III. Đời sống văn nghệ, dân ca, dân nhạc, dân vũ, cồng chiêng trên địa bàn huyện Trà Bồng được tổ chức thường xuyên nhằm bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương; đặc biệt chú trọng công tác truyền dạy cồng chiêng và dân ca truyền thống dân tộc Co; hỗ trợ trang phục, cườm, chiêng cho các xã trên địa bàn huyện. Nghệ nhân ưu tú Hồ Ngọc An cho biết, toàn huyện Trà Bồng có khoảng 300 bộ chiêng. Nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào Co đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2019.

 Một người dân Hrê biểu diễn các làn điệu dân ca bằng nhạc cụ truyền thống

Tại huyện miền núi Sơn Tây, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào Ca Dong luôn được chú trọng. Huyện đã chọn một số làng điển hình để bảo tồn mô hình nhà sàn truyền thống; đồng thời sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy cho lớp trẻ các làn điệu dân ca của đồng bào Ca Dong như Xà ru, Ka lêu, Ta choi, A giới, Ra nghế, kể Hmon... Đây là các làn điệu tiêu biểu, luôn được thực hành trong cộng đồng vào dịp Tết, lễ hội và dàn dựng, biểu diễn trong các sự kiện văn hóa văn nghệ. Ngoài ra, huyện Sơn Tây còn chú trọng bảo tồn các nhạc cụ truyền thống như đàn Brook, Brau, Brook Tru, Ra ngói, cồng chiêng. Đến nay, huyện có hơn 120 bộ chiêng Kần, 166 bộ chiêng Lênh, 40 đàn Brook, Brau, Brook tru, đàn Ra ngói... được bảo tồn tại các hộ gia đình.

Gắn phục dựng, bảo tồn với phát triển du lịch

Ông Đặng Minh Thảo, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng chia sẻ, Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02 về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Trà Bồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với quảng bá văn hóa của dân tộc mình. Khơi dậy lòng tự hào của mỗi dân tộc đối với di sản văn hóa tốt đẹp của cộng đồng mình bằng các hoạt động như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa mới trong gia đình, dòng họ. Hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, nghiên cứu chữ viết của các dân tộc thiểu số; chú trọng bảo tồn và phát huy các tác phẩm nghệ thuật, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trang phục, lễ hội, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... Đồng thời, xây dựng hoàn thiện một làng văn hóa truyền thống của người Co.

 NNƯT Hồ Ngọc An (bên phải, đầu tiên) đang truyền đạt kiến thức về trống cho các bạn Đoàn viên thanh niên

Nhằm gắn kết phát triển kinh tế, du lịch và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê, huyện Sơn Hà chú trọng khôi phục kiến trúc nhà sàn kết hợp phục dựng cảnh quan ngôi làng truyền thống, phát triển nghề truyền thống dân tộc Hrê như: Dệt vải, đan lát, làm rượu cần… Sưu tầm các công cụ, dụng cụ trong sản xuất, các vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày, trang phục, trang sức, nhạc cụ, ẩm thực của đồng bào Hrê. Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, trên cơ sở tiềm năng văn hóa, giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa phương có kế hoạch xây dựng nhà văn hóa thôn, xã theo cấu trúc nhà của đồng bào Hrê để gắn kết phát triển du lịch với việc hình thành Làng Văn hóa - Du lịch, các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể ở các xã: Sơn Nham, Sơn Thành, Sơn Linh, Sơn Cao, Sơn Bao, Sơn Kỳ, Sơn Ba…

Trong thời gian qua, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều hoạt động gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bảo tồn, phục dựng các lễ hội kết nối để phát triển du lịch. Qua các hoạt động cụ thể đó, đồng bào DTTS lưu giữ, trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau những di sản của tiền nhân để lại.

Trong 5 năm qua, Quảng Ngãi đã tổ chức 5 đợt liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số trong tỉnh và 6 đợt liên hoan văn nghệ quần chúng cấp tỉnh. Ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi hiện có hơn 333 nghệ nhân đang gìn giữ, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, 13 loại hình di sản được kiểm kê, 131 lễ hội truyền thống, 96 nghề thủ công, 131 ngữ văn dân gian, 159 nghệ thuật trình diễn dân gian, 160 tri thức dân gian về tập quán xã hội, 117 tri thức dân gian về tiếng nói, chữ viết, 128 tri thức dân gian về y học cổ truyền. Ngoài ra, còn có hàng trăm tri thức dân gian về trang phục, thiên nhiên, ẩm thực... cần bảo tồn.

Với sự chủ động, tích cực của các cấp, ngành, địa phương, di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc đã và đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào của mỗi dân tộc về di sản văn hóa tốt đẹp, tích cực tham gia gìn giữ và phát triển để di sản văn hóa dân tộc sống mãi với thời gian. 

 NHƯ ĐỒNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top