Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Để người khuyết tật cạnh tranh tìm việc

Thứ Tư 27/04/2022 | 09:19 GMT+7

VHO- 317 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh đến từ 10 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có nhu cầu sử dụng lao động là người khuyết tật đã kết nối thông tin về thị trường lao động - việc làm tại Phiên giao dịch để tuyển dụng lao động vừa được tổ chức tại Hà Nội. Các đơn vị sẵn sàng tuyển dụng và đào tạo góp phần giúp họ vươn lên trong cuộc sống hòa nhập với cộng đồng.

 Người lao động khuyết tật trải nghiệm công việc thủ công

 Phiên giao dịch việc làm lồng ghép dành cho người khuyết tật đã thu hút đông đảo người khuyết tật đến tham gia tuyển dụng. Họ là những người lao động yếu thế, họ đã vượt qua rào cản tâm lý, tự tin tìm kiếm việc làm - học nghề phù hợp, tiếp cận với thị trường lao động.

Nhiều ngành nghề phù hợp

Các chỉ tiêu tập trung vào nghề may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp… rất phù hợp với sức khỏe và khả năng của người khuyết tật. Các đơn vị có sử dụng lao động là người khuyết tật tham gia tuyển dụng có thể kể đến như Công ty TNHH TĐT Digital, Công ty TNHH DNXH SafeViet, Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo hướng nghiệp Speed, Công ty TNHH xã hội vì người khiếm thính Việt Nam… Các doanh nghiệp trả lương theo vị trí việc làm và trình độ, năng lực, với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, mỗi người khuyết tật cần phải tìm kiếm một công việc phù hợp mới có thể phát huy được khả năng của bản thân. Là hoạt động mang tính xã hội thiết thực, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm này là cơ hội cho lao động là người khuyết tật nâng cao cơ hội tìm kiếm được việc làm, địa chỉ đào tạo nghề phù hợp, góp phần gắn kết người lao động - doanh nghiệp, giúp họ có việc làm ổn định, có thu nhập, tự tin hòa nhập vào cộng đồng nhằm xóa bỏ rào cản, mặc cảm đối với người khuyết tật.

Chị Phan Bích Ngọc, Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) mong muốn tìm công việc phù hợp với ngành đã được đào tạo là tin học văn phòng. “Nếu không tìm được công việc theo ngành đã học, tôi cũng có thể làm nhân viên bán hàng với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống”. Chị Ngọc cũng hy vọng, những phiên giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật sẽ được tổ chức thường xuyên hơn nữa, để không chỉ riêng chị mà nhiều người khuyết tật khác tìm được công việc, tạo ra thu nhập, hòa nhập với xã hội.

Rất nhiều người đã bày tỏ sự phấn khởi vì được tiếp cận với nhiều cơ hội tốt, phù hợp cho lao động khuyết tật. “Tôi bị khuyết tật vận động bẩm sinh nên rất khó khăn khi tìm việc. Hiện tại, tôi đang tham gia khóa học công nghệ thông tin tại Trung tâm Dạy nghề số 6 - Đông Anh. Nay đến đây, tôi hy vọng tìm được công việc liên quan đến công nghệ, văn phòng phù hợp với bản thân”, chị Nguyễn Thị Linh Chi (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.

 Trao đổi với doanh nghiệp tại phiên giao dịch

Lao động khuyết tật có tinh thần trách nhiệm rất cao

Đến với Phiên giao dịch để tuyển dụng lao động, ông Lê Hồng Chương Quản lý Công ty TNHH DNXH SafeViet cho rằng, lao động khuyết tật hiện nay luôn có ý chí phấn đấu và tinh thần trách nhiệm với công việc rất cao. Ông Chương chia sẻ: “Lựa chọn tuyển dụng người khuyết tật vì đây là những người dễ tổn thương, tự ti trong cuộc sống. Thông qua tuyển dụng, công ty mong muốn họ tự tin hơn, tự tạo thu nhập để nuôi sống bản thân”. Hiện tại, công ty mong muốn tuyển dụng 50 lao động nghề may với mức lương dao động từ 3 - 8 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, với lao động chưa có kinh nghiệm sẽ được học nghề miễn phí và khi hoàn thành khóa học được bố trí việc làm phù hợp tại công ty. Ngoài ra, công ty cũng còn các phúc lợi như hỗ trợ miễn phí chỗ ở cho lao động ở xa, hỗ trợ toàn bộ chi phí điện nước, hỗ trợ ăn trưa...

Trong khi đó, mong muốn tìm kiếm lao động là người khuyết tật làm về vị trí phát triển Website, Marketing, ông Trần Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là người khuyết tật thế nên thấu hiểu được những rào cản và trở ngại của họ. Lĩnh vực doanh nghiệp tôi đang theo đuổi phù hợp với người khuyết tật bởi có thể làm việc tại nhà, không phải di chuyển quá nhiều”. Qua quá trình phỏng vấn, ông Trung cho biết, lao động khuyết tật hiện nay đã được nâng cao dần về trình độ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Công ty cũng đã tìm được một vài ứng viên phù hợp.

Có thể thấy, trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó thì dịch bệnh Covid-19 kéo dài càng khiến vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật thêm nhiều trở ngại. Ngoài ra, họ còn phải cạnh tranh về việc làm với người bình thường cùng có kỹ năng và trình độ, bởi nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng người khuyết tật nên cơ hội dành cho họ cũng bị giảm đi.

Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội Nguyễn Hồng Hà chia sẻ, ngay từ khi thành lập, Hội đã luôn quan tâm đến công tác dạy nghề và kết nối việc làm. Hằng năm, Hội thường phối hợp với Trung tâm DVVL Hà Nội và Trung tâm DVVL và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội để tổ chức các phiên giao dịch việc làm và ngày hội việc làm để người khuyết tật hòa nhập. Thông qua các chương trình đó, mỗi năm có hàng trăm người khuyết tật tìm được nơi học nghề cũng như việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống.

Ngoài hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm DVVL Hà Nội còn tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp, khám sức khỏe, cắt tóc miễn phí… cho người lao động đến tham gia phiên giao dịch việc làm. “Cùng với việc tăng cường thông tin tuyên truyền, hy vọng nỗ lực của Trung tâm DVVL Hà Nội, các cơ quan đơn vị liên quan sẽ có giải pháp, phương pháp tốt nhất để hỗ trợ người lao động khuyết tật khẳng định vị trí của mình, tham gia phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn”, ông Thành nhấn mạnh. 

 BÍCH HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top