Phát huy bản sắc văn hóa và vai trò của phụ nữ Mông trong đời sống đương đại

VHO- Từ ngày 15-17.3 tại Hội trường khu nghỉ dưỡng H’Mong Village (Khu Tráng Kìm, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), Viện VHNT quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL), Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, Viện Friedrich Naumann Foudation vì Tự do Việt Nam (FNF) và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học Bản sắc văn hóa dân tộc Mông và vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tại Hà Giang.

Phát huy bản sắc văn hóa và vai trò của phụ nữ Mông trong đời sống đương đại - Anh 1

Ảnh minh họa

Là một bộ phận của cộng đồng các dân tộc của tỉnh Hà Giang, đồng bào dân tộc Mông có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nên bản sắc và tính đa dạng văn hóa của địa phương. Thời gian qua, đồng bào Mông, đặc biệt là phụ nữ Mông đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của mình, đồng thời sử dụng thế mạnh, nguồn lực văn hóa này để phát triển du lịch và các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số khu vực có đồng bào dân tộc Mông sinh sống vẫn còn để xảy ra tình trạng mai một bản sắc văn hóa; vị thế người phụ nữ trong các hoạt động văn hóa và phát triển du lịch, kinh tế xã hội còn hạn chế.

Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề khoa học và thực tiễn trong việc bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và vai trò của người phụ nữ Mông trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Hội thảo có sự tham dự của gần 70 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị Trung ương, các cơ quan, ban, ngành địa phương tại tỉnh Hà Giang; các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

Trong hai ngày 15- 16. 3, các đại biểu đi khảo sát tình hình thực tế tại địa phương (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang).

Ngày 17. 3, Hội thảo chính thức diễn ra. Phiên 1 có nội dung về bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong phát triển du lịch; Phiên 2 tập trung thảo luận về vai trò của phụ nữ Mông trong phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tại Hà Giang.

Ngoài những chia sẻ, phát biểu của các chuyên gia sẽ có phần trao đổi, thảo luận chia sẻ, đóng góp ý kiến về vấn đề bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Mông và những giải pháp nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ đồng bào dân tộc Mông trong phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tại Hà Giang.

 Các nội dung chính của hội thảo gồm: Nghiên cứu các bài học kinh nghiệm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong thực tiễn phát triển du lịch tại tỉnh Hà Giang; Nghiên cứu vai trò của phụ nữ dân tộc Mông trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, kinh tế - xã hội; Nghiên cứu, làm rõ các mô hình kinh doanh du lịch của phụ nữ Mông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang; Các giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ Mông trong phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tại tỉnh Hà Giang.

Tham luận của PGS.TS. Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam với góc độ tiếp cận “Khai thác các giá trị văn hóa cho phát triển kinh tế xã hội từ vai trò và nguồn lực của người phụ nữ dân tộc Mông ở Hà Giang” nhìn nhận, những nghiên cứu và quan sát thực tế từ trong xã hội và văn hóa truyền thống cũng như đương đại của người Mông cho thấy, người phụ nữ không chỉ giữ vai trò quan trọng trong tổ chức cuộc sống gia đình như lao động sản xuất, sinh đẻ và nuôi dạy con cái… mà họ còn đảm trách gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của người Mông để lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những giá trị văn hóa đó biểu hiện trong cuộc sống thường ngày là lối sống, kỹ năng canh tác, các kỹ thuật thủ công truyền thống….  Đây chính là nguồn lực, nguồn vốn mà người phụ nữ nắm giữ, và hiện tại họ vẫn khai thác nó trong bối cảnh phát triển kinh tế tiểu hộ gia đình ở người Mông.

  “Tuy nhiên, để nguồn lực văn hóa và vai trò của người phụ nữ dân tộc Mông được khai thác và phát huy trong bối cảnh, định hướng phát triển kinh tế từ nguồn lực văn hóa và con người như sức mạnh nội sinh của tỉnh Hà Giang, đòi hỏi nhiều chiến lược và ý tưởng đột phá hơn...”, tham luận của PGS.TS Phạm Văn Dương cho biết.

Ông Dương cũng nêu các đề xuất nhằm khai thác vị thế, năng lực của phụ nữ trong phát triển du lịch và văn hoá như: Phát triển du lịch gắn với năng lực của phụ nữ Mông; Kiên trì mục tiêu phát triển du lịch bền vững; Khắc phục những hạn chế trong quy hoạch và phát triển du lịch tại cộng đồng hiện nay.

Tham luận của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam) và TS. Vũ Diệu Trung (Giám đốc Trung tâm Dữ liệu di sản văn hóa, Viện VHNT quốc gia Việt Nam) nêu, cần phải nhận thức rõ văn hóa là động lực của sự phát triển bởi người dân- chủ thể của di sản văn hóa, sẽ thích ứng với điều kiện kinh tế xã hội mới để tồn tại. Vì thế họ sẽ tự lựa chọn cho mình hướng đi thích hợp để sinh kế. Nhưng đối với những nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa thì họ lại muốn cố gắng giữ cái được gọi là truyền thống, họ chưa chỉ ra cho người dân thấy tiềm năng của di sản văn hóa và tiềm năng đó muốn biến thành động lực thì phải làm gì.

“Đứng trước những biến đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông đang lúng túng, mất định hướng. Vì thế, trách nhiệm của những người làm công tác quản lý di sản văn hóa là cần phải đưa ra định hướng và  giải pháp mang tính khả thi. Một trong những định hướng đầu tiên đó chính là nguồn nhân lực, hay nói cách khác là các giải pháp liên quan đến chủ thể văn hóa. Bởi, chủ thể văn hóa chính là người sáng tạo, duy trì và hưởng thụ những giá trị của di sản văn hóa...”, tham luận nêu nhận định.

THỦY ANH

Ý kiến bạn đọc