Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026: Hiện thực hóa trụ cột văn hóa - xã hội trong cộng đồng ASEAN

Thứ Tư 09/02/2022 | 10:52 GMT+7

VHO- Bộ VHTTDL đã ban hành “Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026” với 10 nhiệm vụ trọng tâm có gắn bối cảnh thích ứng với tình hình mới - phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

 Không gian Ngày hội Văn hóa Đông Nam Á tại Trường ĐH Mở, TP.HCM năm 2020

 Rõ ràng, giai đoạn 2022-2026 có ý nghĩa hết sức quan trọng với Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó không thể không nhắc đến cộng đồng ASEAN, bởi giai đoạn này gắn với những cột mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Hiệp hội. Cụ thể, năm 2022 kỷ niệm 55 năm ngày thành lập các quốc gia Đông Nam Á (8.8.1967 - 8.8.2022); kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm ngày ký kết hiệp ước hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; 55 năm ngày thiết lập quan hệ Việt Nam - Campuchia… Sau Brunei Darusalam, Campuchia nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022 chắc chắn sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác “sức mạnh mềm” của văn hóa trong quan hệ đối ngoại với các nước, giới thiệu bản sắc văn hóa Campuchia trong cộng đồng quốc tế… Trước đó, vào năm 2015, nhằm góp phần chào mừng Cộng đồng ASEAN được thành lập, Campuchia đã ghi 2 dấu ấn văn hóa trong sách Kỷ lục Guinness, đó là chiếc bánh tét lớn nhất thế giới với trọng lượng 4,04 tấn, dài 5m và số người tham gia nhảy Madison nhiều nhất với 2.015 người trong năm phút tại khu quần thể di tích Angkor. Thiết nghĩ, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam tích cực chủ động khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt trong những năm chẵn, năm tròn kỷ niệm quan hệ ngoại giao với các nước; những năm Việt Nam giữ vai trò quan trọng tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng như UNESCO, ASEAN, ASEM, IFACCA...

Để văn hóa thật sự là trụ cột quan trọng trong đối ngoại, hiện thực hóa chính sách văn hóa đối ngoại của Việt Nam (giai đoạn 2022-2026), chúng tôi xin được góp ý 2 điều:

1. Tiếp tục truyền thông về giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao với các nước qua các lễ hội văn hóa, các cuộc gặp gỡ giao lưu mang tính đối ngoại.

Một Festival hoa sen với tất cả những gì tinh túy nhất về giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sẽ giúp Việt Nam giới thiệu ra thế giới tinh thần, trí tuệ Việt Nam, triết lý văn hóa đạo đức của người Việt Nam; thêm nữa là sự cần cù, thông minh trong lao động, sản xuất để tạo ra những sản phẩm đồ ăn, thức uống có lợi cho sức khỏe như sữa hạt sen, trà ướp hoa sen, trà tim sen, cháo hạt sen… Bên cạnh đó là sự khéo léo, tinh thần sáng tạo không giới hạn của các nghệ nhân chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật, mỹ thuật từ hoa sen, lá sen, hạt sen, cọng sen,… như tranh sơn mài, tranh vẽ sen, nón lá sen, trang sức sen, lụa tơ sen, thư pháp trên lá sen, đồ thủ công, mỹ nghệ, vật dụng hàng ngày từ sen hoặc mang dáng hình của sen…

Rõ ràng, bên cạnh việc xác định và quảng bá những hình ảnh mang tính biểu tượng cho văn hóa Việt Nam ví như hoa sen, trống đồng, các linh vật, chúng ta cũng cần có những giải pháp cụ thể trong việc truyền thông các giá trị văn hóa Việt Nam thông qua các biểu tượng văn hóa mới, các sản phẩm phẩm cụ thể. Gần đây nhất, tại sự kiện “Lãnh đạo TP.HCM họp mặt với người Việt Nam ở nước ngoài mừng Xuân Nhâm Dần 2022” vào ngày 25.1.2022, BTC có bố trí không gian văn hóa - văn minh TP.HCM, tặng chữ thư pháp; triển lãm các gian hàng Việt Nam chất lượng cao như cà phê, nước mắm truyền thống,… đã thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế, trong đó có ông Philipp Roesler - Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt đang là Tổng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ tham dự và phát biểu. Sự kiện gặp gỡ cuối năm luôn được quan tâm và chờ đón mỗi khi Tết đến Xuân về, theo đó truyền thông trong và ngoài nước rất quan tâm đưa tin. Bên cạnh các kênh truyền thông đại chúng, thiết nghĩ truyền thông cá nhân của các doanh nghiệp Việt/Việt kiều; truyền thông tập thể của các doanh nghiệp, các tổ chức sẽ giúp lan tỏa giá trị văn hóa song song với tiềm năng kinh tế của sản phẩm Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

2. Khai thác tối đa các thành tố văn hóa Việt Nam trong hoạt động ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, trong đó không kém phần quan trọng chính là quà tặng.

Các cơ quan hữu quan cần xây dựng “bộ nhận diện thương hiệu văn hóa Việt Nam” để chuẩn hóa quà tặng đối ngoại cũng như tạo ra ngân hàng quà tặng đối ngoại quốc gia theo phân cấp, theo lĩnh vực, đối tượng. Với lịch sử ngàn năm văn hiến, có 54 tộc người, Việt Nam có rất nhiều biểu tượng văn hóa, sản vật mang trong mình những câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc mà chúng ta có thể bổ sung vào ngân hàng quà tặng gửi đến bạn bè quốc tế như: Đôi đũa tre, quạt mo, nước hoa hương sen, rượu sim, rượu mơ, rượu dừa… Dòng quà tặng trong văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc đều có đôi đũa nhưng không vì thế Việt Nam không thể thiết kế những đôi đũa tre thật đẹp, lồng ghép về ý nghĩa của quà tặng với câu chuyện đôi đũa trong văn hóa Việt Nam. Sự so sánh văn hóa với những điểm tương đồng qua dòng quà tặng từng đối tác sẽ giúp Việt Nam lan tỏa giá trị văn hóa và bản sắc, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.

Những quà tặng mang ý nghĩa tinh thần như Tuyển tập các bài thơ, câu nói nổi tiếng (bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác) của các Danh nhân văn hóa Việt Nam toàn thế giới do UNESCO công nhận thiết nghĩ cũng mang ý nghĩa sâu sắc.

Thực tế cho thấy, bản sắc văn hóa Việt Nam đã và đang góp phần xây dựng hình ảnh, mục tiêu của cộng đồng ASEAN thông qua những sáng kiến, đóng góp quan trọng của Việt Nam cho Cộng đồng ASEAN. Từ khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tương trợ lẫn nhau “Để không ai bị bỏ lại phía sau” với một tâm thế “Tích cực, chủ động, trách nhiệm”, tinh thần ấy đã trở thành bản sắc văn hóa chung của cả khu vực đặc biệt khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN. Trong giai đoạn 2022-2026, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn các thành tố văn hóa Việt Nam trong hoạt động ngoại giao với các nước trong đó có các nước ASEAN để đạt được những kế hoạch, mục tiêu đã đề ra trong nhiệm vụ đối ngoại nhà nước và nhân dân. 

 PGS.TS PHAN THỊ HỒNG XUÂN - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top