Remake phim: Dễ hay khó

VHO- Những năm gần đây, phim remake bùng nổ ở cả hai “mặt trận” điện ảnh và truyền hình tại Việt Nam. Dù đã gặt hái được khá nhiều thành công nhưng trong quá trình thực hiện, dòng phim này cũng gặp không ít khó khăn, áp lực, thậm chí chông chênh mất phương hướng...

Remake phim: Dễ hay khó - Anh 1

 “Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một trong những bộ phim Việt hóa thành công

 Đáp ứng nhu cầu thị hiếu khán giả

Chất lượng của phim remake đã từng gây nhiều tranh cãi bởi khi trồi khi sụt thất thường, song thời gian qua đã ghi nhận sự thay đổi, tiến bộ từng ngày và dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với khán giả Việt. Tại LHP Việt Nam lần thứ XXII vừa diễn ra, dòng phim remake đã có cơ hội gia nhập “đường đua” tranh giải. Thực tế cho thấy, hàng loạt phim truyền hình và điện ảnh Việt hoá đã nhận được không ít sự quan tâm của khán giả và đi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội.

Với phim truyền hình, chắc chắn không thể bỏ qua hai cái tên gây sốt: Gạo nếp gạo tẻ Cây táo nở hoa; hay ở lĩnh vực điện ảnh Tiệc trăng máu xứng đáng nhận nhiều hơn một lời khen cho phim remake hoàn hảo… Điều gì khiến một bộ phim được làm lại, giống nguyên tác đến hơn 80% lại được đón nhận như thế từ khán giả Việt trong bối cảnh điện ảnh nước nhà đang gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19? Theo thạc sĩ Đinh Trần Thúy Vi (ngành Truyền thông đa phương tiện, ĐH Gia Định), giữa rất nhiều phiên bản thành công của các nước, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã chọn Intimate Strangers của Hàn để định hình bộ phim, lý do đơn giản là bởi nền văn hóa của hai nước có những điểm giống nhau nhất định, thuận lợi để triển khai một kịch bản Việt hóa. Cùng những nét tương đồng của hai phim, không khó để nhận thấy cả Tiệc trăng máu và Intimate Strangers vẫn giữ được “màu” dân tộc đậm đà, khiến người xem tin rằng đó hoàn toàn là một bộ phim với kịch bản thuần Việt.

Điện ảnh Việt Nam đang khủng hoảng những kịch bản hay, trong khi nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày một đa dạng. Vậy nên, phim làm lại từ kịch bản nước ngoài là một hướng đi vô cùng hợp lý. Cùng với đó, phim remake luôn gây sự tò mò, háo hức cho khán giả, từ việc nghệ sĩ nào sẽ vào vai chính trong những bộ phim từng đình đám ấy, hay kịch bản có được sửa đổi chi tiết nào không?… Chỉ bao nhiêu thắc mắc đó cũng đủ để khán giả háo hức chờ đón.

Áp lực chồng áp lực

Ê kíp sáng tạo một bộ phim remake luôn phải đau đầu tìm lời giải cho bài toán đổi mới tình tiết, câu chuyện, bối cảnh của bản gốc để phù hợp với văn hóa Việt. Chia sẻ về quá trình làm phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: “Với tôi, dự án nào cũng có khó khăn và thuận lợi chứ không phải chỉ riêng phim remake. Đương nhiên, khi làm phim remake, chúng tôi luôn có những cái khó và cái dễ riêng, nhưng đích đến vẫn là làm ra những tác phẩm chất lượng và phù hợp với thị trường”. Đối với phim remake, một trong những áp lực của nhà sản xuất là mời được người giỏi cùng tham gia dự án, nhất là đạo diễn. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đồng tình với ý kiến trên và anh bày tỏ thêm quan điểm: “Khi bắt tay vào làm phim, điều đầu tiên mà chúng tôi hướng đến là kể cho khán giả nghe những câu chuyện. Ở Việt Nam, nhiều người vẫn còn chưa thực sự hiểu rõ về phim remake. Tôi nghĩ, điện ảnh Việt hiện đang có đà phát triển. Do đó, dù còn nhiều định kiến, phim Việt làm lại từ tác phẩm nước ngoài vẫn phần nào được nhìn nhận”.

Một áp lực khác của phim remake mà các nhà làm phim đều e ngại đó là khâu kịch bản. “Biên kịch có thể hiểu bộ phim để làm lại cho phù hợp văn hóa Việt, tuy nhiên, họ làm theo cách hiểu của bản thân là chính chứ không thể đối thoại trực tiếp cùng biên kịch của kịch bản gốc để hiểu tường tận ý nghĩa từng cảnh phim”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh giải thích. Chính vì thế, khi biến một sản phẩm phim nước ngoài trở thành phim Việt, đội ngũ sản xuất cần có những tìm tòi, thay đổi bối cảnh của phim cho phù hợp. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, anh cùng đoàn làm phim phải nghiên cứu về các phong cách sống lẫn sinh hoạt của người cao tuổi tại Việt Nam để hợp với nhân vật trong phim Em là bà nội của anh. Hoặc đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng từng mất nhiều thời gian để chọn bối cảnh trong nước để sao cho ứng với bản gốc của bộ phim Tháng năm rực rỡ.

“Phim hay, tạo được sự đồng cảm với số đông khán giả mới có cơ hội đi xa, và muốn đi xa hơn thì phải hay hơn. Một phim thành công là do chính người thực hiện chứ không phải vì nó là phim remake, phim chuyển thể, phim kịch bản gốc”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh. Nhiều khán giả khi đến rạp sẽ không quan tâm đó là một phim làm lại, một phim kịch bản gốc hay một phim chuyển thể văn học mà chỉ đơn thuần họ cảm thấy nội dung phim thú vị, phù hợp với bản thân mình. Cũng theo đạo diễn, remake không phải là xu hướng mà hiện nay nó như một sự ứng phó, bù đắp cho thị trường đang phát triển rất nhanh mỗi năm mà nhân lực và đào tạo chưa theo kịp.

Phim remake là phương pháp tạm thời cho những tháng ngày điện ảnh Việt thiếu kịch bản. Và nhất là ở thời điểm này, do ảnh hưởng sâu rộng của dịch Covid-19 thì việc remake được xem là phương án an toàn. Nhưng dù là dòng phim gì, thì điều mà các nhà làm phim quan tâm đến vẫn là chất lượng và sự đón nhận của công chúng.

THẢO MY

Ý kiến bạn đọc