Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Cấm xe máy trong nội đô Hà Nội: Ủng hộ, nhưng cần thực tế

Thứ Hai 13/12/2021 | 08:19 GMT+7

VHO- Sau khi TP Hà Nội đề xuất đề án về phân vùng, hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận sau năm 2025, người dân lo ngại sẽ "không biết đi bằng gì" nếu đề án trở thành hiện thực, bởi xe máy đã thành phương tiện hữu ích trong đời sống giao thông của người dân Thủ đô.

 Xe máy đã trở thành một phần của văn hóa giao thông, để thay đổi thói quen và văn hóa đó không dễ đối với các nhà quản lý chính sách

 Sự tiện dụng của xe máy

Ngược thời gian về thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đất nước đổi mới, đời sống của người dân dần được cải thiện. Chiếc xe máy trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều gia đình và là một tài sản lớn. Rồi dần dà, chiếc xe máy trở thành phương tiện cá nhân không thể thiếu của người dân khắp cả nước. Đại đa số mỗi gia đình ít nhất có một chiếc xe máy làm phương tiện di chuyển, mưu sinh. Đến giờ, đời sống của người dân được nâng lên một bước, nhiều gia đình đã sắm được xe ô tô, nhưng họ vẫn không từ bỏ chiếc xe máy, bởi sự tiện dụng của nó. Không chỉ riêng Hà Nội, mà ở nhiều tỉnh thành khác, xe máy đã trở thành “văn hóa” trong đời sống giao thông của người dân.

Di chuyển cá nhân, xe ôm, chở hàng… đang hiện hữu trong đời sống và là một phần của sự phát triển xã hội. Đặc biệt, khi thương mại điện tử bùng nổ, lượng hàng hóa được vận chuyển bởi đội ngũ shipper tại các thành phố lớn luôn tăng với tốc độ chóng mặt. Chính vì thế, xe máy hiện không chỉ là phương tiện di chuyển cá nhân mà còn là phương tiện mưu sinh của rất nhiều người. Anh Nguyễn Văn Túy, quê ở Nam Định, hiện đang trú tại quận Hoàng Mai cho biết, anh lên Hà Nội đã nhiều năm, lúc đầu làm xe ôm chở người, sau đó do dịch Covid-19, khách không có anh tham gia vào đội xe ôm công nghệ chuyên đưa, nhận hàng cho một đơn vị vận chuyển, thu nhập của anh cũng ổn định hơn. “Xe máy có ưu điểm dễ luồn lách, đến tận hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội để giao hàng, điều mà các phương tiện công cộng hay ô tô của các công ty giao nhận hàng không làm được. Nghe tin sắp tới cấm xe máy, chắc tôi lại trở về quê và không biết làm gì để có thêm thu nhập”, anh Túy cho biết.

Tại Hà Nội, hiện có tới 5,6 triệu dân đang sử dụng xe máy. Đó là chưa kể lượng xe máy của người dân các tỉnh vào, ra Hà Nội mỗi ngày. Không chỉ anh Túy mà nhiều người dân Hà Nội đặt ra nhất là phương tiện gì sẽ thay thế được số lượng xe máy hiện hành sau năm 2025? Sự tiện lợi của xe máy ai cũng nhìn thấy rõ, chính vì thế, nếu chỉ áp quy định, quyết định hành chính thì dễ, nhưng để tạo được sự đồng thuận của người dân nếu không xét đến những nhu cầu thực tế, thì những đề án, quyết định đó rất dễ “vỡ" trước khi áp dụng.

Nếu cấm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người dân

Theo các chuyên gia về giao thông, nếu Hà Nội cấm xe máy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người dân, vì xe máy vẫn là phương tiện chính để đi lại. Đặc biệt là những người ở ngoại thành, hằng ngày phải vào nội đô làm việc. Đặc biệt, hiện nay, hạ tầng giao thông công cộng chưa đáp ứng được những điều kiện cần thiết để cấm xe máy.

Khi một thứ gì đó đã ăn sâu vào trong nhận thức, cách ứng xử và trong đời sống của người dân, thì để thay đổi điều đó, cũng cần có một lộ trình có khả thi. Cấm xe máy để giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông, nhiều người sẽ ủng hộ, tuy nhiên để người dân tự giác, tự nguyện thì những phương tiện thay thế phải đáp ứng và thay thế tương xứng với nhu cầu của người dân. Để làm được điều đó, mạng lưới phương tiện vận chuyển phải rộng khắp, thuận tiện. Người dân đi bộ 500m từ nhà ra bến xe buýt, chờ đợi xe buýt di chuyển ra ga tàu đô thị, rồi lại chờ xe buýt để đi đến nơi cần đến. Những người từ quê lên hay đi chợ, siêu thị, mua bán hàng hóa, tay xách nách mang từ bến tàu, xe, siêu thị… sẽ rất khó khăn để mang hàng hóa đó về nhà. Trong khi đó, với xe máy, những điều đó được thực hiện dễ dàng. Do đó, theo ý kiến của nhiều người dân, để cấm được xe máy, các nhà hoạch định chính sách cần bám sát thực tế, đứng ở vị trí người dân để đưa ra chính sách, như thế dễ dàng tạo sự đồng thuận chứ không phải là phản ứng ngược.

Sau khi có những phản ứng trái chiều từ phía người dân, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, đã giao Sở GTVT xem xét, nghiên cứu kỹ lại nội dung và báo cáo UBND thành phố khi đảm bảo điều kiện để hạn chế phản ứng tiêu cực trong dư luận xã hội. Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đưa ra mục tiêu hạn chế, tiến tới cấm xe máy, nhưng lần nào cũng nhận được phản ứng không tích cực từ người dân. Năm 2017, Hà Nội đặt ra mục tiêu “hạn chế xe máy” sau năm 2030 và nhận được sự phản ứng dữ dội từ dư luận. Năm 2021 này, Hà Nội lại tiếp tục đặt ra mục tiêu “hạn chế xe máy”, nhưng với một kế hoạch mang nhiều tính táo bạo hơn trước đó là sau 2025, tức là sớm hơn cả mục tiêu trước đây, kết quả là nhiều người dân lại không đồng tình. Và người dân Hà Nội lại tiếp tục chờ đợi những “nghiên cứu, đề xuất” sắp tới của Sở GTVT về vấn đề hạn chế, cấm xe máy ra vào nội đô ở Hà Nội. 

 QUẢNG XƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top