Hát Xẩm cần được bảo vệ khẩn cấp

VHO- Tại Hội thảo khoa học quốc tế Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Xẩm trong xã hội đương đại vừa được Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình và Trường ĐH Temple Hoa Kỳ tổ chức tại TP Ninh Bình, nhiều chuyên gia nhận định, Hát Xẩm đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Môi trường diễn xướng dân gian truyền thống của Hát Xẩm dần bị thu hẹp; đội ngũ nghệ nhân thực hành và kế cận ngày càng thưa vắng; thị hiếu công chúng thay đổi…

Hát Xẩm cần được bảo vệ khẩn cấp - Anh 1

 Với những nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, nhóm Xẩm Hà thành đã hồi sinh những làn điệu Xẩm cổ, thổi hơi thở thời đại vào những sáng tác mới

 Chịu sự cạnh tranh gay gắt với nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác, Hát Xẩm đang ngày càng bị lãng quên và có nguy cơ thất truyền.

Chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức

Với tính chất của một dòng âm nhạc hát rong, Xẩm không chịu khuôn mình ở một vùng đất, địa vực nhất định, mà được lan truyền, phổ biến rộng rãi ở nhiều tỉnh/thành trong cả nước. Theo GS.TS Từ Thị Loan, Hát Xẩm đã được biết bao thế hệ nghệ nhân dân gian chung sức trao truyền, sáng tạo để ngày một hoàn thiện hơn cả về đặc trưng thể loại lẫn giá trị văn hóa, nghệ thuật. “Trong các loại hình âm nhạc truyền thống, có lẽ duy nhất chỉHát Xẩm được định danh là một nghề kiếm sống, là công cụ mưu sinh của một lớp người trong xã hội. Với khởi nguồn là hình thức âm nhạc dân dã, mộc mạc của những người nông dân nơi thôn dã, Hát Xẩm đã dần dần được tinh chế, chau chuốt, nâng cấp để mang yếu tố chuyên nghiệp nhiều hơn...”, GS Từ Thị Loan cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện VHNT quốc gia Việt Nam nhận định, cũng giống như nhiều thể loại âm nhạc dân tộc khác, Hát Xẩm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bà Phương phân tích, những khó khăn có thể thấy rõ là môi trường diễn xướng dân gian truyền thống của Xẩm đang dần bị thu hẹp; đội ngũ nghệ nhân thực hành và kế cận ngày càng thưa vắng; thị hiếu của công chúng thay đổi. Chịu sự cạnh tranh gay gắt với nhiều loại hình, thể loại nghệ thuật giải trí khác, Hát Xẩm cũng không còn là phương thức mưu sinh của những người khiếm thị. “Những vấn đề bất cập này khiến cho Hát Xẩm ngày càng bị lãng quên, thất truyền mà nếu không có biện pháp phù hợp để hỗ trợ bảo vệ, phục hồi thì sẽ khó có thể tồn tại trong thời gian tới…”, bà Phương nhấn mạnh.

Cùng nhận định về nguy cơ mai một, thất truyền của Hát Xẩm, GS.TS Từ Thị Loan chia sẻ thêm, những năm gần đây, với nỗ lực bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền dân tộc của một số nghệ sĩ tâm huyết, cùng với sự quan tâm của công chúng, Hát Xẩm đã dần dần được phục hồi trở lại. Các chiếu Xẩm, nhóm Xẩm, CLB Xẩm ra đời và ngày càng thu hút thêm nhiều thành viên tham gia. Năm 2019, Liên hoan các CLB Hát Xẩm khu vực phía Bắc lần thứ nhất đã được tổ chức tại Ninh Bình, có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 15 CLB Hát Xẩm các tỉnh, thành phố. “Tuy nhiên, để bảo vệ và phát huy Hát Xẩm trong đời sống đương đại, chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi…”, bà Loan khẳng định.

Chuyên gia này cũng phân tích những khó khăn đối với việc bảo vệ Hát Xẩm trong bối cảnh đương đại. Lớn nhất vẫn là sự hẫng hụt đội ngũ nghệ nhân thực hành và những người kế cận. Các nghệ nhân Hát Xẩm tài danh lần lượt ra đi, đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ từng lưu giữ và biểu diễn. Năm 2013, khi nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “Báu vật nhân văn sống”, “Người giữ hồn Xẩm”, “Nghệ nhân Hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” qua đời, thì đội ngũ nghệ nhân ngày càng ít ỏi.

Đặc điểm truyền nghề của Xẩm cũng tạo thách thức không nhỏ. Là hình thức nghệ thuật gắn với công cuộc mưu sinh nên việc học hỏi, truyền nghề của Xẩm thoải mái, tự do hơn, không phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về lề lối, lớp lang như trong Quan Họ, Hát Xoan, Đờn ca tài tử, Ca Huế… Tuy nhiên, việc theo học thành công Hát Xẩm không phải dễ. Ngoài năng khiếu về ca hát, Xẩm còn đòi hỏi phải có sự trải nghiệm nhất định về đường đời, trường đời thì người học mới thấm được ý nghĩa của từng câu chữ, ca từ, cũng như sự điêu luyện của nhịp phách, ngón đàn. Bởi thế, khá nhiều người thích Hát Xẩm, nhưng để thành danh và trụ vững với nghề Hát Xẩm thì còn lại rất ít.

Bảo vệ Hát Xẩm trong đời sống đương đại

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, để Hát Xẩm có thể phát triển và lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống, thể loại nghệ thuật âm nhạc dân gian này rất cần sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, quỹ văn hóa, các nhà tài trợ và đặc biệt là trách nhiệm của những nghệ nhân, cộng đồng người dân yêu mến Hát Xẩm. “Việc tỉnh Ninh Bình, một trong những quê hương lâu đời của Hát Xẩm, triển khai làm hồ sơ đề nghị đưa Hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là những bước đi hết sức trách nhiệm, thiết thực, kịp thời, đúng hướng để có thể bảo vệ một di sản văn hóa đang bên bờ vực thất truyền…”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến, tham luận đã đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy nghệ thuật Hát Xẩm trong xã hội đương đại. Trên cơ sở tổng kết công tác bảo tồn Hát Xẩm từ năm 1975 đến nay, GS.TS Lê Hồng Lý khẳng định, việc phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống có thể coi là một sự kiến tạo bản sắc văn hóa nhằm đối mặt với xu thế toàn cầu hóa, đồng nhất văn hóa và sự lấn át của văn hóa Tây phương đến các nước đang phát triển. PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, để bảo tồn, phát huy giá trị Hát Xẩm, chỉcó thể dựa vào sự bảo hộ của Nhà nước bằng hình thức “bảo tàng sống”. Nghĩa là, Nhà nước nuôi nghệ sĩ để họ cócơ hội thể hiện chân thực hình tượng người khiếm thị mưu sinh bằng Hát Xẩm.

Cũng cần thấy rằng, hiện nay việc duy trì Hát Xẩm như một hình thức hát rong của các “gánh Xẩm” đã không còn phù hợp. Để Xẩm có thể tồn tại trong những điều kiện mới, rất cần khuyến khích và hỗ trợ việc duy trì, phát triển các CLB Hát Xẩm, nhóm Xẩm, chiếu Xẩm, Trung tâm nghệ thuật có sinh hoạt Xẩm. Đây sẽ là sân chơi cởi mở để các nghệ nhân, nghệ sĩ và những người yêu thích Xẩm có thể sinh hoạt, gặp gỡ, giao lưu, trao truyền, phổ biến Xẩm.

“Để có thể sống còn và tiếp tục phát triển trong điều kiện hiện nay, Xẩm phải có sự vận động cả về nội dung và hình thức để phù hợp hơn với thị hiếu, thẩm mỹ, nhu cầu của công chúng hiện đại, nhất là công chúng trẻ. Do đó, cần thổi luồng sinh khí mới vào nghệ thuật Hát Xẩm. Các sản phẩm mới tuy vẫn bảo đảm yếu tố bản sắc dân tộc, nhưng cũng phải phù hợp với người nghe đương đại, giúp cho Xẩm được lan tỏa sâu rộng hơn…”, PGS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Một giải pháp quan trọng khác cũng được chuyên gia đưa ra là tăng cường công tác đào tạo, quảng bá, nghiên cứu về Xẩm. Cần khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, đào tạo Hát Xẩm qua nhiều hình thức đa dạng. Ưu tiên hàng đầu vẫn là truyền dạy theo kiểu truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề của các nghệ nhân dân gian. 

 …Để khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Xẩm một cách bền vững, trở thành một phần tất yếu trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Hát Xẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2019-2022. Hội thảo này là một trong những nội dung quan trọng của Đề án, nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về nghệ thuật Hát Xẩm, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, phát triển, phát huy hữu hiệu nghệ thuật này trong đời sống đương đại.

(Ông TỐNG QUANG THÌN, Phó Chủ tịch thường trực UBND tnh Ninh Bình)

 

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc