Tạo cú hích cho văn học nghệ thuật phát triển

VHO-Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến và đưa ra các giải pháp quản lý, phát triển văn học, do Bộ VHTTDL tổ chức vào chiều 9.12, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị và mong rằng Hội nghị sẽ tạo cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà, xứng với mong đợi, như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng.

Tạo cú hích cho văn học nghệ thuật phát triển - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương; lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam…

Làm sao để có thêm nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng chung tay, góp sức phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, góp phần bồi đắp, nhân lên cái đẹp – một trong những yếu tố hàng đầu để xây dựng nền văn hoá nước nhà. Bộ trưởng mong muốn tại Hội nghị, các đại biểu sẽ có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, với tâm huyết và trách nhiệm để sao cho có thể xây dựng được Đề án phát triển văn hoá nghệ thuật Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đáp ứng được yêu cầu phát triển của văn học trong thời đại mới, để chúng ta ngày càng có thêm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật sống mãi với thời gian, định hướng được chức năng giáo dục, bồi đắp cái đẹp, chân – thiện – mỹ của văn học như tinh thần của Hội nghị Văn hoá toàn quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tạo cú hích cho văn học nghệ thuật phát triển - Anh 2

Chăm chú lắng nghe các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ông rất vui mừng vì tất cả các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng Đề án phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ trưởng cũng cho biết, về phần mình, Bộ VHTTDL sẽ cùng các bên liên quan xây dựng  đề án trình Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Nếu được thông qua, Chương trình sẽ tạo nên một cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Ở đó sẽ có nguồn lực, giải pháp và cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển.

Bộ trưởng cũng mong muốn từ khối óc và bàn tay tài hoa, lực lượng văn nghệ sĩ trên toàn quốc sẽ sáng tác được nhiều tác phẩm hay, sống mãi với thời gian. Bộ trưởng cho biết, ông cũng mong muốn tổ chức buổi gặp mặt với đại diện văn nghệ sĩ cả nước nhân dịp năm mới. Đề nghị này của Bộ trưởng đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng từ các đại biểu tham dự Hội nghị.

Đáp lại những ý kiến tâm huyết của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đánh giá, Hội nghị là một việc làm đầy ý nghĩa, kịp thời, được tổ chức để triển khai tinh thần của Hội nghị Văn hoá toàn quốc.

Tạo cú hích cho văn học nghệ thuật phát triển - Anh 3

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng Hội nghị là việc làm đầy ý nghĩa, kịp thời triển khai tinh thần Hội nghị Văn hoá toàn quốc

Ông cũng cho rằng đây là cơ hội vàng để anh em văn nghệ sĩ có thể đóng góp ý kiến cho dự thảo Đề án nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho biết, hơn 4 vạn văn nghệ sĩ ở mọi lĩnh vực đang sinh hoạt tại Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam chính là “máy cái” để sản sinh ra hàng ngàn tác phẩm. Từ trước tới nay Bộ VHTTDL và Hội cũng đã có nhiều chương trình ký kết về chế độ chính sách, về đặt hàng tác phẩm nhưng đó mới chỉ dừng ở các chương trình phối hợp, chưa thể tạo thành cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật.

Chia sẻ rằng ông thấy đau lòng, thậm chí là xấu hổ tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên thực tế, gần đây chúng ta chưa có được những bài hát hay, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng với sự đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm của Bộ VHTTDL, đây sẽ là thời cơ để các nghệ sĩ trả lời rằng: Chúng tôi sẽ phấn đấu để có những tác phẩm hay. Ông cũng mong muốn Đề án sẽ được đưa vào Chương trình mục tiêu về văn hoá để tạo cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng đánh giá, với tâm huyết của mình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã gợi đúng mạch nguồn sáng tạo để các văn nghệ sĩ sáng tác.

Tạo cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật 

Bày tỏ vui mừng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nâng văn hoá lên tầm cao mới, xứng với vai trò, vị trí, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thế giới phẳng ngày nay, có những vẻ đẹp nhưng cũng có những tàn dư về lối sống chưa đẹp thì văn hoá có vai trò quan trọng, như rào cản để ngăn ngừa cái xấu, nhân lên cái đẹp. Ngay như việc giáo dục nhân cách, phẩm chất của một con người, nếu ngay từ khi còn nhỏ, các em đã được gieo vào những điều tốt đẹp, tính nhân văn, mỹ học của văn học thì sau này đó sẽ là cẩm nang theo các em đến suốt cuộc đời, giúp các em tránh xa được cạm bẫy. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết, ông rất phấn khởi vì Hội nghị văn hoá toàn quốc đã đặt văn học nghệ thuật là một phần cốt lõi để phát triển văn hoá.

Tạo cú hích cho văn học nghệ thuật phát triển - Anh 4

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại Hội nghị

Đánh giá rằng Đề án đã được soạn thảo chi tiết, kỹ lưỡng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều mong muốn sẽ có hành lang cho sự phát triển của văn học nghệ thuật, trong đó Bộ VHTTDL đóng vai trò như một đại lộ lớn để các văn nghệ sĩ giống như các xe chuyển động trơn tru trên đại lộ ấy. Cảm ơn sự quan tâm của Bộ VHTTDL, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng mong muốn Bộ sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng đại diện cho lĩnh vực văn học với Đảng, Nhà nước… để tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển hơn nữa.

Tạo cú hích cho văn học nghệ thuật phát triển - Anh 5

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng thời gian của các trại sáng tác quá ngắn, không đủ để các tác giả sáng tác các tác phẩm lớn

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng đã phát biểu nêu bật lên được những khó khăn, vướng mắc của các văn nghệ sĩ trong việc sáng tác những tác phẩm hay, có giá trị như khó khăn về kinh phí hay thời gian của các trại sáng tác quá ngắn. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Uỷ viên BCH Hội Nhà văn – Giám đốc Bảo tàng văn học Việt Nam cho rằng, thời lượng tại các trại sáng tác chỉ khoảng từ 7-15 ngày là chưa hợp lý, 80% anh chị em chỉ kịp đến đó để giao lưu và cho ra đời các tác phẩm vừa vừa, khó có thể sáng tác những tác phẩm lớn.

Tạo cú hích cho văn học nghệ thuật phát triển - Anh 6

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương Phan Trọng Thưởng cho rằng kinh phí chỉ là một phần trong việc tạo ra tác phẩm hay

Trong khi đó, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương Phan Trọng Thưởng lại nêu lên thực tế rằng tại sao những năm 30 của thế kỷ trước, dù đói kém, nhà văn rất nghèo nhưng vẫn có những tác phẩm để đời như của Vũ Trọng Phụng rồi sau này là Nam Cao. Ông Phan Trọng Thưởng cho rằng yếu tố kinh phí chỉ là một phần trong việc tạo ra những tác phẩm lớn và mong rằng Đề án sắp tới sẽ được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Vì thế Đề án cần đề ra các nhóm giải pháp cụ thể, để có cơ chế, chính sách và nguồn tài chính tương xứng.

Theo báo cáo của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ làm công tác văn học, nghệ thuật đã phát triển thành một hệ thống nhân lực chính trị nghề nghiệp hùng hậu. Hiện Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 74 tổ chức thành viên với trên 40.000 văn nghệ sĩ. Đó là một đội ngũ đông đảo, giàu tài năng bao gồm nhiều thế hệ, một tài sản văn hoá quý báu của đất nước.

Hội Nhà văn Việt Nam hiện có 1.151 hội viên. Hội được hình thành, phát triển và rèn luyện trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Là lực lượng tin cậy, trung thành của đất nước, của Đảng và nhân dân. Hội đã hội tụ được những nhà văn có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghề nghiệp, sáng tạo nên những tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, những khát vọng đẹp đẽ của con người, góp phần xây dựng nên những giá trị, nền tảng tinh thần cho nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ chính trị của đất nước…

Về khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý ngành, hiện chưa có cơ sở pháp lý quy định để điểu chỉnh công tác văn học; Quy định nội dung quản lý của Nhà nước đối với hoạt động văn học; nội dung quản lý đối với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về văn học nghệ thuật chưa rõ ràng. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn học còn thiếu về số lượng theo biên chế, việc bố trí cán bộ chuyên sâu có trình độ, am hiểu về chuyên môn làm công tác văn học gặp khó khăn về cơ chế và con người.

Đội ngũ viết văn hiện nay tương đối đông, song chủ yếu là các cây bút nghiệp dư; phần lớn không công tác trong các cơ quan nhà nước do đó ít chịu sự quản lý chặt chẽ bởi luật pháp. Hội Nhà văn cũng chỉ quản một bộ phận không nhiều trên thực tế. Vấn đề sáng tác, lý luận - phê bình văn học còn thiếu công trình nghiên cứu chuyên sâu có chất lượng; qua các hội thảo, nhận thức và quan niệm còn thiếu thống nhất, đội ngũ phê bình còn mỏng, thiếu các tác phẩm phê bình đích thực, một bộ phận chủ yếu là những người phê bình không chuyên…

THU SÂM; ảnh: VŨ MỪNG

Ý kiến bạn đọc