Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

"Thiên mệnh" - góc nhìn hay về Trần Thủ Độ

Thứ Sáu 05/11/2021 | 00:21 GMT+7

VHO-Vở kịch “Thiên mệnh” được Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong hai đêm mùng 3 và 4.11. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự và tặng hoa động viên các nghệ sĩ trong buổi tổng duyệt chương trình (tối 4.11). Vở kịch Thiên mệnh là câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Thái sư Trần Thủ Độ, đặc biệt xoáy sâu vào vấn đề dùng người của Trần Thủ Độ, khẳng định tầm quan trọng của nhân tài đối với giang sơn, xã tắc…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tặng hoa động viên các nghệ sĩ sau đêm diễn

 

Với một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi như Thái sư Trần Thủ Độ, vở kịch Thiên mệnh (Tác giả: Hoàng Thanh Du, đạo diễn: NSƯT Đỗ Kỷ) đã chọn lát cắt ca ngợi ông, người có vai trò cá nhân quan trọng trong lịch sử và sự hình thành tư tưởng chăn dân trị quốc của nhà Trần. Ở vở kịch này không còn những tranh cãi giữa công và tội của Trần Thủ Độ khi một tay ông thu xếp chuyển giao nhà Lý, vốn đã thoái trào mất lòng dân và đến hồi suy vong tan dã cho nhà Trần, mở ra một vương triều mới. Sự xuất hiện của Trần Thủ Độ ở thời điểm này như một tất yếu của lịch sử, đó được xem là “thiên mệnh”.

Câu chuyện về Thái sư Trần Thủ Độ trong Thiên mệnh khẳng định một chân lý rằng tính kỷ cương phép nước phải được giữ gìn, không thể bị phá vỡ bởi bất cứ lý do gì hoặc bất kỳ một ai, kể cả đó là tình anh em ruột thịt thân thích. Hình tượng nhân vật Trần Thủ Độ được khắc họa trong "Thiên mệnh" như một vị khai quốc công thần, là trụ cột của triều Trần. Khán giả thấy được tài năng và tư tưởng trị nước của Trần Thủ Độ ở đối nội và đối ngoại. Về đối nội, ông là người cương trực, quyết dẹp "loạn trong nhà" để giữ yên kỷ cương phép nước. Trần Thủ Độ tâm niệm: "Sẽ không thể có vùng cấm cho bất cứ kẻ nào dám giẫm đạp lên kỷ cương phép nước. Đó cũng chính là con đường của muôn dân Đại Việt, hun đúc nên hào khí mãi ngàn năm".

Một trong những cảnh diễn thành công nhất của vở kịch 

 

Trần Thủ Độ đã trực tiếp can gián, không để vua phong anh trai ruột (Trần An Quốc) lên làm tể tướng khi lý giải với vua Trần Thái Tông rằng: "An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?". Sau này, khi An Quốc làm phản, Trần Thủ Độ quyết xử trảm anh trai, không vì thân thích, ruột thịt mà nương tay cho kẻ phản quốc. Bên cạnh đó, vở kịch cho thấy một Trần Thủ Độ với những quyết định đúng đắn trong việc dùng người tài như: như tin dùng Trần Quốc Tuấn, người được xem như con của kẻ tội đồ với triều đình. Chính nhờ công lao đào tạo dạy dỗ của Trần Thủ Độ mà sau này Đại Việt có một một vị tướng quân tài ba văn võ song toàn như Trần Quốc Tuấn – Trần Hưng Đạo.Về mặt đối ngoại, ông cũng là trụ cột giúp vua Trần lãnh đạo nhân dân đánh bại dã tâm xâm lược của đế quốc Nguyên Mông lần thứ nhất. Với sự giúp sức của công nghệ, vở kịch đã mở ra trận đánh hào hùng của quân dân nhà Trần với thuyền chiến, binh sĩ, và tạo dựng lớp cảnh lãng mạn bên sông nước khi Trần Thủ Độ hồi tưởng về quê hương ông.

Thiên mệnh càng về sau càng nhiều xung đột được đẩy lên đến cao trào. Qua đó khắc họa hình ảnh Trần Thủ Độ với tấm lòng tận tụy, trung hiếu với giang sơn. Đồng thời thể hiện hào khí Đông A cùng tinh thần đoàn kết của dân tộc. 

 

Hình tượng Trần Thủ Độ được tái hiện trên sân khấu vô cùng sinh động

 

Được đạo diễn "chọn mặt gửi vàng", đảm nhiệm vai diễn chính Thái sư Trần Thủ Độ, NSƯT Tạ Tuấn Minh cho biết: "Tôi cảm thấy biết ơn và tự hào khi đảm nhiệm vai diễn này. Với tôi, đây một vai diễn nặng ký, bởi Thái sư Trần Thủ Độ là hình tượng nổi bật, tầm cỡ trong lịch sử Việt Nam, bản thân tôi cũng đã dành thời gian tìm hiểu rất kỹ và chi tiết về Thái sư Trần Thủ Độ để có thể hiểu được nhân vật và từ đó hóa thân và sống trọn với nhân vật những giây phút trên sân khấu. Đối với một nhân vật lịch sử có nhiều ý kiến trái chiều khi luận công và tội như Trần Thủ Độ, vai diễn cần phải có chân thực, khách quan vì nếu diễn không đúng là có tội với bậc tiền nhân”.

Không gian sân khấu được dàn dựng mang nhiều sáng tạo, đặc biệt là sử dụng những công nghệ mới tạo hiệu ứng cao về thị giác 

Đạo diễn, NSƯT Đỗ Kỷ chia sẻ ông nhận dàn dựng kịch bản này bởi thấy đây là một kịch bản ưng ý và hấp dẫn. Ông cảm thấy hài lòng vì các diễn viên đã thể hiện đúng ý đồ của đạo diễn. Vai diễn Trần Thủ Độ do NSƯT Tạ Tuấn Minh đóng được đạo diễn hài lòng nhất, ông chia sẻ rằng nghệ sĩ đã thể hiện rất tốt phong thái và tính cách của nhân vật Trần Thủ Độ, đặc biệt là cả những cảnh mà Tạ Tuấn Minh diễn nội tâm Trần Thủ Độ rất có chiều sâu, lột tả được những mâu thuẫn, những xung đột, trăn trở và cả tấm lòng vì nước, vì dân của vị thái sư. 

Vở có sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam: NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Lâm Tùng, NSƯT Dũng Nam, Hồ Liên,  Hồng Phúc, Khuất Quỳnh Hoa, Minh Hải, Lưu Hoàng, Thế Nguyên, Minh Thu, Hồng Phúc, Tuấn Vũ, Trọng Trí…

Cùng với vở kịch Điều còn lại, Thiên mệnh sẽ là vở diễn được Nhà hát Kịch Việt Nam lựa chọn tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 diễn ra tại Hải Phòng trong tháng 11.2021.

 

Mỗi vai diễn đều tạo những ấn tượng riêng với người xem

NSƯT Tạ Tuấn Minh đã rất thành công khi diễn tả hình tượng Trần Thủ Độ 

Có mặt trong Hội đồng duyệt chương trình, PGS, TS Phan Trọng Thành nhận định vở kịch Thiên mệnh đã lý giải được mọi góc nhìn về con người nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ rất trọn vẹn, rất hay. Có rất nhiều câu hỏi khi nhìn về lịch sử được  lý giải vở kịch này: Tại sao những việc làm của Thái Sư Trần Thủ Độ lại gây tranh cãi? Để một quốc gia hưng thịnh, từng cá nhân sẽ có trách nhiệm gì với đất nước? Hào khí Đông A đã được hun đúc, khơi gợi ra sao?  Việc Trần Thị Dung tái giá với Trần Thủ Độ cũng là vì có tình cảm từ thời trẻ… NSND Nguyễn Thị Lan Hương thì chia sẻ nghệ sĩ vô cùng ấn tượng dàn diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam từ vai diễn trung tâm Trần Thủ Độ của NSƯT Tạ Tuấn Minh cho đến vai vua trẻ Trần Thái Tông của Hồng Phúc hay chỉ là một vai diễn thứ Trần Thị Dung của Khuất Quỳnh Hoa… “Cũng từng là một nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam nên khi trở lại xem các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện trong vở diễn này tôi rất mừng. Trình độ diễn xuất của các nghệ sĩ ngày hôm nay đã tiến bộ vượt bậc, họ đang ở độ chín trong nghề. Vở kịch thành công là nhờ rất lớn vào lực lượng nghệ sĩ biểu diễn tham gia", NSND Lan Hương chia sẻ. 

Khán giả thường nghĩ rằng chuyện lịch sử đưa lên sân khấu thường sẽ nhàm chán nhưng không phải như vậy. Qua lăng kính của ê kíp sáng tạo, vở kịch có nhiều lớp diễn hấp dẫn, khán giả bị cuốn theo những xung đột từ các tuyến nhân vật…  Vẫn là một câu chuyện lịch sử tưởng như quen thuộc nhưng qua cách dàn dựng và đặc biệt là nghệ thuật diễn xuất của dàn nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam, Thiên mệnh đã tạo được sức hút riêng đáng trân trọng. 

THUÝ HIỀN, Ảnh: HỒNG THẮM

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26272829123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top