Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Góp ý Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ: Bảo đảm tốt nhất lợi ích cho cộng đồng sáng tạo

Thứ Hai 18/10/2021 | 10:18 GMT+7

VHO- Hội thảo khoa học Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức theo hình thức trực tuyến mới đây đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cùng nhiều giảng viên, học giả đến từ các trường ĐH, trung tâm nghiên cứu và công ty luật.

 Vụ kiện điển hình liên quan đến quyền tác giả kéo dài hơn một thập kỷ của bộ sách "Thần đồng Đất Việt"

 Tại diễn đàn pháp lý lần này, các đại biểu đã tập trung vào việc góp ý sửa đổi các quy định trong dự thảo Luật về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tính chất và quy mô sửa đổi bổ sung lần này khá lớn

Theo PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, Luật SHTT 2005 là đạo luật rất quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - là tài sản trí tuệ. Đạo luật này đã tạo lập nền tảng và khuôn khổ pháp lý cho việc sáng tạo, xác lập, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan; cho việc tạo ra, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Luật SHTT có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự và đầu tư kinh doanh của Việt Nam; nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay. Tuy nhiên, sau 15 năm thi hành, đến nay Luật SHTT 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cho nên cần phải được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, nhiều quy định của Luật SHTT có sự mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với một số đạo luật mà Quốc hội mới ban hành trong những năm gần đây, điều đó đã làm giảm hiệu quả và chất lượng điều chỉnh pháp luật nói chung. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật SHTT bất cập, không rõ ràng hoặc đã không còn phù hợp với thực tiễn khách quan; hoặc đã xuất hiện những vấn đề mới cần điều chỉnh thích hợp hơn. “Chẳng hạn như, một số quy định liên quan đến điều kiện và mức độ bảo hộ các đối tượng SHTT chưa bảo đảm sự thỏa đáng và cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu và quyền lợi của công chúng. Quy định về đại diện sở hữu công nghiệp và giám định sở hữu công nghiệp có sự bất cập với Luật Doanh nghiệp cũng như thực tiễn hành nghề. Việc quy định xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT còn nhiều bất cập”, PGS.TS Bùi Xuân Hải nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Xuân Hải nói rằng, “Kế hoạch trước đây Quốc hội dự kiến sẽ ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Quốc hội nên cân nhắc lại để ban hành Luật SHTT (sửa đổi) hoặc có thể gọi tên là Luật SHTT 2022 thay vì chỉ ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Bởi vì, tính chất và quy mô sửa đổi bổ sung lần này là khá lớn, trong tất cả chương phần. Cho đến nay, số điều luật dự kiến sửa đổi chiếm khoảng trên 42% các điều của Luật, có thể trong thời gian tới số lượng các điều luật được sửa tăng thêm nhiều hơn. Hơn nữa, Luật SHTT 2005 đã được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2009 và 2019, lần thứ 3 này có mức độ sửa lớn hơn cho nên cần phải thay đổi về tên gọi…”.

Được biết, dự thảo Luật SHTT đã đưa ra các quy định sửa đổi, bổ sung 94 điều luật trên tổng số 222 điều của Luật SHTT hiện hành. Trong đó, sửa đổi bổ sung 81 điều luật, bổ sung 12 điều luật và bãi bỏ Điều 215. Các đại biểu cho rằng, bên cạnh những thành công, dự thảo cũng bộc lộ một số bất cập trong bảo hộ các đối tượng của quyền SHTT.

Quy định về tác giả và đồng tác giả cần làm rõ trong dự thảo Luật

Bàn về một số vấn đề quyền tác giả trong Luật SHTT hiện hành, TS Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, quyền tác giả là một nhánh của quyền SHTT nên chính sách liên quan của Nhà nước được thể hiện chung đối với quyền SHTT tại Điều 8 của Luật SHTT. Điều này là cần nhưng chưa đủ. Thực tế, các nội dung chính sách được quy định tại Điều 8 chưa thấy rõ trọng tâm chính sách của Việt Nam trong bảo hộ và khai thác quyền tác giả, nhất là gắn với lĩnh vực mà quyền tác giả đóng vai trò then chốt như công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa. Nếu có những chính sách đặc thù về quyền tác giả thì việc phát triển hai lĩnh vực này có thể dễ dàng, thuận lợi và có tính định hướng cao hơn… Theo TS Hồng, nhiệm vụ tiên quyết mà nước ta cần thực hiện trong quá trình hiện nay là hoàn thiện từng chính sách đặc thù về đối tượng quyền tác giả. Ngoài ra, việc hiểu rõ các nội dung điều chỉnh pháp luật cũng là một vấn đề được ông quan tâm, thể hiện qua việc đánh giá cách sử dụng thuật ngữ về quyền tác giả trong Luật SHTT hiện hành. “Với mục tiêu bảo đảm tốt nhất lợi ích cho cộng đồng sáng tạo ra những đối tượng trong đời sống văn hóa dân gian, nên cân nhắc để sử dụng thuật ngữ bao quát nhất. Chẳng hạn, việc hoàn thiện pháp luật quyền tác giả của Việt Nam nên cân nhắc sử dụng thuật ngữ “biểu đạt văn hóa truyền thống” thay cho “văn học, nghệ thuật dân gian”…”, TS Hồng góp ý.

Theo các chuyên gia, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về các đối tượng quyền tác giả đã được tạo ra trước khi thực hiện chính sách “đổi mới” để việc khai thác chúng được thông thoáng, tránh những tranh chấp không đáng có. Liên quan đến tranh chấp về quyền tác giả, xác định tư cách đồng tác giả đối với những tác phẩm, PGS.TS Vũ Thị Hải Yến, Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, một trong những bất cập về vấn đề này là việc chỉ quy định khái niệm tác giả và đồng tác giả trong văn bản dưới luật, mà lại thiếu vắng các quy định liên quan trong Luật SHTT hiện hành. “Dự thảo Luật SHTT hiện nay vẫn chưa làm rõ việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản của đồng tác giả như thế nào và khác gì với việc thực hiện quyền của tập thể tác giả. Để có căn cứ cụ thể cho việc áp dụng, Luật SHTT cần bổ sung quy định: “Việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản đối với tác phẩm chung phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các đồng tác giả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, trường hợp một trong các đồng tác giả muốn chuyển giao quyền tác giả (như cho phép chủ thể khác sao chép, xuất bản, phân phối bản sao…) thì phải có sự đồng ý của các đồng tác giả”, chuyên gia này phân tích.

Góp ý các quy định về quyền sở hữu công nghiệp trong dự thảo, PGS.TS Lê Thị Nam Giang, Giám đốc Trung tâm SHTT, Trường ĐH Luật TP.HCM đã phân tích khá cụ thể những bất cập trong dự thảo liên quan đến các đối tượng như nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu tập thể, về chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Đối với vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, PGS.TS Lê Thị Nam Giang cho biết, hiện nay chưa có bất kỳ một nhãn hiệu nào được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Điều này xuất phát từ các bất cập trong quá trình soạn thảo, ban hành pháp luật SHTT…

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top