Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hồi sinh tinh hoa văn chương Việt

Thứ Hai 18/10/2021 | 10:06 GMT+7

VHO- Gần đây, cùng với sự xuất hiện liên tục các tác phẩm văn học kinh điển thế giới, những tựa sách “vang bóng một thời” của văn học Việt Nam cũng lần lượt được tái bản. Điều này không chỉ nối dài sức sống cho các tác phẩm mà còn giúp cho độc giả, nhất là giới trẻ, hình dung rõ nét hơn về bức tranh văn học Việt Nam thế kỷ XX.

 Bộ tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội của nhà văn Tô Hoài “Quê người - Mười năm - Quê nhà”

 Trong lần trở lại này, có thể thấy phần lớn đều là những tác phẩm thuộc nửa sau của dòng văn học Việt Nam thời kỳ hậu chiến và khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới. Những tác giả được nhắc tới nhiều nhất đều là những cây bút tiêu biểu trong công cuộc đổi mới văn học. Chẳng hạn như nhà văn Lê Lựu với những băn khoăn, những tiêu cực được lột trần, những bi kịch được xoáy sâu… nhưng đều hướng tới thông điệp rất nhân văn trong Thời xa vắng Sóng ở đáy sông một thời “đình đám”; hay Nguyễn Xuân Khánh đầy trăn trở với Chuyện ngõ nghèo, Đội gạo lên chùa... Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (ấn bản kỷ niệm 70 năm ngày sinh tác giả) tập hợp gồm 42 tác phẩm, xếp theo trình tự thời gian sáng tác, bắt đầu từ Những ngọn gió Hua Tát (Mười truyện trong bản nhỏ, sáng tác 1971 - 1986) và kết thúc với Quan Âm chỉ lộ sáng tác năm 2004. Tập truyện cho thấy sở trường của “ông vua truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp với mảng đề tài đa dạng từ lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, đến xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động…

Những tên tuổi nhà văn lớn như Tô Hoài cũng liên tục xuất hiện, sau kỷ niệm 100 và 101 năm ngày sinh của ông. Mới đây, bộ ba tác phẩm viết về Hà Nội bao gồm Quê người, Mười năm Quê nhà đã được tái bản đồng bộ. Bên cạnh đó, Hà Ân - một tên tuổi lớn ở mảng tiểu thuyết lịch sử cũng xuất hiện với hai tác phẩm Người Thăng Long Khúc khải hon dang dở viết về thời đại nhà Trần. Ngoài ra, không thể không kể đến những “vàng son một thuở” được tái bản và thu hút đông đảo độc giả như Quê mẹ, Ngậm ngải tìm trầm (Thanh Tịnh); Chuyện Cô Nhụy (Lưu Trọng Lư); Oằn tà roằn (Nguyễn Công Hoan); Việc làng (Ngô Tất Tố); Chiếc lư đồng mắt cua (Nguyễn Tuân); Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng); hay tập truyện ngắn Gió đầu mùa và bút ký Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam)...

Ngoài ra, hiện tượng “trở lại” của dòng văn học đô thị miền Nam trước 1975 cũng ghi được dấu ấn mạnh mẽ. Đó là tập truyện ngắn Mưa thu nhớ tằm nhà văn Bình Nguyên Lộc sáng tác vào những năm 1950 (NXB Phù Sa in năm 1965). Một nhà văn nổi tiếng thời trước và sau 1945, sống cùng thời với Thạch Lam, Nguyễn Tuân là Ngọc Giao (từng làm thư ký tòa soạn của tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy) cũng được NXB Trẻ giới thiệu đến công chúng với tập truyện ngắn Những đêm sương. Tiêu biểu hơn cả, có lẽ là Vòng tay học trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng được NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam ra mắt cuối tháng 3.2021, sau 46 năm vắng bóng.

Rõ ràng việc các NXB và công ty sách thời gian gần đây đưa những tác phẩm nổi tiếng trở lại là một tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh đó, việc “mặc áo mới” cho ấn phẩm, đặc biệt là chăm chút về hình ảnh minh họa ở bìa và nội dung, được xem là hướng đi mới hiệu quả của các NXB nhằm thu hút bạn đọc trẻ tiếp cận với văn học. Sự góp mặt của những cuốn sách xưa cùng với tác phẩm mới của nhiều tác giả trẻ chính là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần làm phong phú các đầu sách, tạo sự toàn diện, đáp ứng nhu cầu đa dạng độc giả. Hiện tượng này cũng cho thấy giá trị trường tồn qua thời gian của những tinh hoa văn học Việt Nam.

Nói về vấn đề này, TS Trần Thị Hồng Liễu, Giảng viên khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng: “Sự trở lại của những tên tuổi lừng danh là tất yếu, nếu chưa nói là hơi muộn, bởi đa phần họ là những người có văn tài, xứng đáng và đã xác lập được tên tuổi của mình thông qua các tác phẩm từng in. Tuy nhiên, trong số những tác phẩm văn học Việt Nam gần đây được tái bản trở lại, có những tác phẩm văn học đô thị miền Nam trước năm 1975. Phần lớn những tác phẩm này được viết trong một bối cảnh lịch sử vô cùng đặc biệt và có một khoảng cách thời gian tương đối dài so với thế hệ bạn đọc mới, do đó có lẽ để thu hút độc giả trẻ thì cần phải có thời gian nhất định”.

Có thể thấy, với sự trở lại của tác phẩm văn học Việt xưa, độc giả đã có thêm cơ hội được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của văn chương nước nhàmột thời đã qua. Với hình thức bắt mắt, các tác phẩm đã thực sự cuốn hút hơn và cũng độc đáo hơn, xứng đáng với giá trị của mình. Song song với việc chờ đợi những tác phẩm “để đời” từ các tác giả trẻ, thì cách đầu tư, chăm chút cho những tác phẩm kinh điển vẫn làmột cách làm được những người yêu văn chương ủng hộ. 

 THANH VÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top