Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lắng đọng cảm xúc về ngày Giải phóng Thủ đô

Chủ Nhật 10/10/2021 | 09:33 GMT+7

VHO- Ngày 10.10.1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, đã trở thành thời khắc lịch sử tràn đầy cảm xúc cho lớp lớp người Hà Nội. Dù đã 67 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm thiêng liêng về ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn sống mãi trong dòng chảy ký ức.

Cảm xúc thiêng liêng

Hình ảnh đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Thủ đô ngày 10.10.1954

Trong cuốn 40 mùa sen nở, ông Vũ Thiện, nguyên Vụ trưởng Vụ phát hành , Ngân hàng Nhà nước VN đã nhớ lại những giây phút thiêng liêng Hà Nội đón đoàn quân chiến thẳng trở về: "  Ngày 10.10.1954, hôm  đó trời chuyển gió mùa, không khí dịu mát, không mưa và cũng không nắng. Cả thành phố như nhuộm một màu đỏ chói, cờ từ trên lầu cao, cờ ở các cổng chào trên khắp đường phố,  cờ ở cửa từng nhà, từng cửa hiệu. Từ sớm, tiếp sau các đơn vị bộ đội hùng dũng tiến qua các của ô vào tiếp quản thành phố giữa hàng rào nhân dân Thủ đô tung hoa, vẫy cờ, dàn nhạc đón chào, thì trên 300 cán bộ ngân hàng cùng cán bộ các ngành cũng từ các cửa ô tiến vào các thành phố và tỏa về các địa điểm quy định đặt bàn đổi tiền, tuyên truyền chính sách thu đổi. Cả thành phố lại bước vào một cuộc đấu tranh mới: quét sạch tiền địch khỏi Thủ đô Hà Nội".

Không sinh ra và lớn lên tại Hà Nội  nhưng ông Nguyễn Quang Hạnh (74 tuổi) đã có gần 50 năm gắn bó với mảnh đất Thủ đô. Năm nào cũng thế, mỗi dịp tới ngày kỷ niệm Hà Nội được Giải phóng những ký ức từ một thời đã xa lại hiện lên rõ nét  trong ông: “Năm 1971 sau khi hoàn thành xong chương trình học kỹ sư Điện tại thành phố Stalingrad của Liên bang Xô Viết, tôi trở về nhận nhiệm vụ và làm việc tại Hà Nội. Khi đó, thành phố cũng đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô nên dấu ấn luôn sâu đậm và cảm xúc thiêng liêng lắm”.

“Nhớ nhất là sáng sớm ngày 10.10 năm đó, chúng tôi những du học sinh vừa mới trở về đã cùng nhau đi tàu điện từ khu vực trước Ga Hàng Cỏ để lên Hồ Hoàn Kiếm. Khi ấy cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở trong giai đoạn rất ác liệt nên mọi thứ đều thiếu thốn, thế nhưng Hà Nội vẫn rực rỡ cờ hoa. Cho tới ngày hôm nay thành phố đã phát triển và đổi khác rất nhiều thì cảm xúc về ngày Giải phóng Thủ đô vẫn vẹn nguyên như vậy, vẫn rưng rưng, tự hào”, ông Hạnh hồi tưởng.

Ông Nguyễn Quang Hạnh (trái) ngày trẻ

Cùng cảm xúc như ông Nguyễn Quang Hạnh, nhiều cựu chiến binh trong Hội CCB phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều xúc động khi nhắc đến ngày quân đội ta vào tiếp quản Thủ đô 67 năm trước. Hơn hai tháng qua, khi dịch Covid-19  diễn biến phức tạp, những hội viên của Hội  đều xung phong tham gia giữ chốt chống dịch tại các ngõ xóm. "Chống dịch như chống giặc", những người cựu chiến binh đã trải qua lằn ranh sống, chết dưới bom rơi, bão đạn càng thấu hiểu giá trị của hai chữ "Hòa bình", hay nói cách khác trong bối cảnh dịch covid-19 là "cuộc sống bình thường". Hà Nội vừa trải qua những ngày căng thẳng vì dịch bệnh và người dân Thủ đô đã trở lại cuộc sống bình thường mới với rất nhiều cảm xúc. Cũng có thể coi đây là một chiến thắng mới của Hà Nội góp phần vào ngày kỷ niệm 67 năm giải phóng Thủ đô. Với tâm thế phấn khởi, các hội viên Hội CCB phường Nguyễn Du  không quản ngại mưa, nắng tham gia trang trí băng rôn, khẩu hiệu dọc các tuyến phố lớn trên trên địa bàn quận.

CCB Nguyễn Ngọc Cường làm nhiệm vụ trực chốt "Vùng xanh" tháng 8.2021

Ông Nguyễn Ngọc Cường (72 tuổi) hiện đang là Đội trưởng Đội xung kích tình nguyện CCB phường Nguyễn Du cho biết: “Nhiều khi tôi thường hay tiếc vì khi Hà Nội trong những thời khắc lịch sử mình còn nhỏ quá không nhớ được gì... Thế nhưng sau này khi tôi lớn lên rồi và  trở thành người lính phòng không trực tiếp tham gia bảo vệ bầu trời Thủ đô thì mỗi dịp 10.10 đều rất thiêng liêng, cả đơn vị đều hân hoan ngóng đợi. Vui nhất là đêm văn nghệ “cây nhà, lá vườn” do đơn vị tổ chức ngay tại trận địa để mừng ngày quân đội ta tiến về tiếp quản Hà Nội. Tới tận bây giờ, tôi vẫn mong muốn được tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn để góp sức mình xây dựng thành phố”. 

Niềm tự hào của những người trẻ

Trung tâm Văn hóa thông tin - công tác tuyên truyền phường Xuân Đỉnh phát đi những bài viết nói về ngày Hà Nội được Giải phóng

Nhiều ngày trở lại đây, chào mừng  Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô,  gần 30 cụm loa truyền thanh trên địa bàn phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) thường xuyên phát đi những bài viết nói về không khí hân hoan của Ngày Hà Nội được Giải phóng vào 67 năm trước. Nói về cảm xúc của mình, phát thanh viên Dương Thị Thanh Tâm, Phó Bí thư Đoàn phụ trách Văn hóa thông tin - công tác tuyên truyền phường Xuân Đỉnh tâm sự: “Trong lịch sử, thành Thăng Long cũng có nhiều lần vẻ vang như thế. Nhưng lần này, ở thời hiện đại, chiến thắng này là sự kết tinh của truyền thống, sự cố gắng và cả sự hy sinh từ nghìn năm lịch sử của Thăng Long – Hà Nội. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam, người Hà Nội”.

Công an huyện Ứng Hòa thu hoạch nông sản giúp người dân

Đã 67 năm trôi qua nhưng âm vang ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội vẫn còn vọng mãi. Đó là bản hòa ca, hùng ca của những đoàn quân tiến về năm cửa ô dưới bóng cờ đổ, sao vàng. Thượng úy Nguyễn Phương Thảo - Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Ứng Hòa cho biết: “Dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, thông qua công tác nắm tình hình, chúng tôi biết nông dân trên địa bàn huyện tồn số lượng lớn nông sản và không thể thu hoạch cũng như tiêu thụ, trong khi lượng vốn đầu tư rất lớn. Trước tình hình khó khăn, chúng tôi đã đề xuất lãnh đạo Công an huyện cho Đoàn Thanh niên tổ chức chương trình hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông sản giúp bà con nhân dân. Thông qua chương trình này, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ứng Hòa đã thu hoạch hoa sen giúp người dân xã Trung Tú, thu hoạch nhãn giúp người dân xã Hòa Nam, thu hoạch lúa giúp người dân xã Viên An... Đây cũng là một trong những chương trình hành động thiết thực chào mừng ký niệm 67 năm ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng”.

 

6h ngày 9.10.1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Sáng 10.10.1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn ca khúc khải hoàn tiến vào trung tâm Hà Nội. Hàng vạn người dân Hà Nội trong niềm vui sướng vỡ òa, đổ ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng. Thăng Long - Hà Nội có thêm một mốc son rạng rỡ trong lịch sử ngàn năm đầy tự hào.  

Sáng ngày 10.10.1954, Đoàn xe đầu tiên do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào và trung tâm thành phố. Cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa diễu binh qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… tiến vào Cửa Đông thành Hà Nội. Cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá tiến qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh hồ Gươm rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo. Đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Bạch Mai, phố Huế đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc tiến vào thành.

Đúng 15 giờ ngày 10.10.1954, còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên hồi dài. Hàng chục vạn nhân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

 

Thanh Vân

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top