Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Kịp thời và hoàn toàn khả thi

Thứ Tư 06/10/2021 | 11:07 GMT+7

VHO- Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đang được Bộ VHTTDL lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Khẳng định tính cần thiết của Quy tắc, dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người hoạt động nghệ thuật, các chuyên gia và đông đảo công chúng.  

 

 “Không nên tư duy rằng cái gì cũng cần xử lý bằng chế tài mới có tác dụng”

Trước những ứng xử thiếu chuẩn mực của người hoạt động nghệ thuật thời gian qua, việc Bộ VHTTDL soạn thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở thời điểm hiện nay là rất kịp thời. Đó là những khuyến cáo hữu ích đối với người hoạt động nghệ thuật; ngăn chặn những điều không tốt, không nên có thể xảy ra. Chuyện của nghệ sĩ nổi tiếng cũng trở thành chuyện của xã hội, nếu không có những quy định chặt chẽ thì có thể có những hành vi, ứng xử lệch lạc, dẫn đến hệ lụy không đáng có.

Người hoạt động nghệ thuật có thể nổi tiếng về tài năng nhưng lại không nổi tiếng ở những khía cạnh khác, cho nên cần phải có một hành lang mang tính pháp lý dành cho họ. Ở đây, hành lang đó mang tính khuyến cáo ở khía cạnh đạo đức, danh dự và phẩm giá nhiều hơn. Đứng ở góc độ văn hóa, giá trị khuyến cáo rất quan trọng. Không nên tư duy rằng cái gì cũng cần xử lý bằng luật, chế tài mới có tác dụng. Người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là đối tượng đặc thù. Bộ VHTTDL xây dựng quy tắc ứng xử hướng đến họ có tác dụng để xã hội nhìn vào, để các nghệ sĩ soi chiếu. Đối với các danh hiệu NSND, NSƯT hay những nghệ sĩ được nhiều người yêu mến thì danh xưng mới là điều cao quý, mang tính phẩm giá nhiều hơn. Đã có phẩm giá rồi thì làm gì cũng phải cẩn trọng, tránh hiểu lầm không cần thiết.

Với người nổi tiếng, cái tốt hay cái xấu đều có thể truyền xa, truyền rộng. Tôi chú ý đến vấn đề điều chỉnh phát ngôn trong dự thảo quy tắc này. Người nổi tiếng thì phải lập ngôn, phát ngôn đúng đắn. Bên cạnh đó là cách ăn mặc, sinh hoạt, đi lại, hành vi, cử chỉ cũng phải chuẩn mực. “Y phục xứng kỳ đức”, đó cũng là cách đề cao trách nhiệm cũng như phẩm giá của người nổi tiếng với cộng đồng. Quy tắc ứng xử sẽ giúp người hoạt động nghệ thuật có điều kiện soi chiếu, nhìn nhận và điều chỉnh hành vi của mình. Khi đã có những quy tắc đề ra, nghệ sĩ vi phạm chắc chắn sẽ tự thấy băn khoăn. Chưa kể, với những vi phạm bị cả xã hội lên án thì hình phạt đối với họ chính là danh dự, uy tín, là hình ảnh và phẩm giá. Những điều đó còn nặng hơn xử phạt bằng tiền.

Quy tắc này đã mang tính bao quát rộng. Để dễ thực thi, quy tắc cần ngắn gọn, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề và không sử dụng nhiều ngôn từ khó hiểu. Hơn nữa, đây là sản phẩm dành cho người hoạt động nghệ thuật nên đối tượng này cần được tham vấn ngay từ đầu. Ngoài việc xin ý kiến trên mạng, Bộ VHTTDL có thể tổ chức gặp gỡ dưới hình thức phù hợp để các nghệ sĩ góp ý kiến cho những quy tắc mà họ sẽ thực thi. Như vậy thì ngay từ khi chưa ban hành, Quy tắc ứng xử đã có tác dụng. Mặt khác, nên phối hợp với các cơ quan truyền thông để tổ chức những cuộc trao đổi, tọa đàm về nội dung quy tắc trước khi ban hành. Người hoạt động nghệ thuật cũng cần tích cực góp ý để hoàn thiện bộ quy tắc. Mỗi người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phải coi Quy tắc ứng xử như một cuốn sổ tay hữu ích. Tôi tin rằng đa số các nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật đều hoan nghênh và cần có sự hỗ trợ của Quy tắc này. Bởi, chẳng ai mong muốn “mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”.

(TS NGUYỄN VIẾT CHỨC)

“Người hoạt động nghệ thuật sẽ tự soi và chấn chỉnh”

Trong bối cảnh khái niệm danh xưng nghệ sĩ chưa rõ ràng thì việc dùng khái niệm “người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” như dự thảo Quy tắc là phù hợp. Bên cạnh đó, đối tượng áp dụng là nghệ sĩ trong các đơn vị công lập và nghệ sĩ tự do sẽ mở rộng và bao quát được phạm vi điều chỉnh. Dù mang tính khuyến cáo và là cánh tay nối dài của pháp luật nhưng bộ quy tắc đã bổ sung nhiều nội dung. Đó cũng là căn cứ để dư luận xã hội điều chỉnh, định hướng hoặc phản biện, lên án.

Những lình xình về phát ngôn của người nổi tiếng đang diễn ra tràn lan không chỉ là chuyện đôi co giữa đôi bên mà còn ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh của người hoạt động nghệ thuật, đến môi trường văn hóa và uy tín, danh xưng nghệ sĩ. Tôi có theo dõi một số nghệ sĩ, người nổi tiếng trên mạng xã hội và thấy rằng, trong các cuộc tranh luận, những phản ứng, phán xét từ dư luận khiến họ rất lo lắng. Bởi thế, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào giá trị răn đe từ bộ quy tắc này. Bên cạnh đó, chứng kiến nhiều nghệ sĩ lộng ngôn, trả treo trên mạng xã hội, với những ngôn từ thiếu chuẩn mực, cá nhân tôi cảm thấy vừa buồn, vừa xấu hổ. Microsoft xếp Việt Nam vào top 5 quốc gia có chỉ số về văn minh, ứng xử trên mạng thấp nhất. Điều đó khiến chúng ta cảm thấy sự cần thiết của những bộ quy tắc ứng xử như thế này.

Cần chấn chỉnh mạnh tay và kiên quyết. Người hoạt động nghệ thuật hầu hết đều có lượng công chúng theo dõi đông đảo. Những livestream cả ngàn, chục ngàn người theo dõi có ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, gây nên những ám thị không tích cực về văn hóa, con người Việt Nam. Trong bối cảnh hiện thời, phải coi không gian mạng là một môi trường văn hóa, với những quan hệ, giao tiếp, tương tác xã hội như ngoài đời thực. Bởi vậy, cần phải quản lý, xây dựng những quy tắc ứng xử như ngoài xã hội. Quy tắc ứng xử đối với người hoạt động nghệ thuật trên mạng xã hội mà dự thảo đưa ra là rất kịp thời, góp phần chấn chỉnh những phát ngôn, ứng xử tùy tiện, lệch chuẩn của nghệ sĩ, người nổi tiếng làm náo loạn mạng xã hội như thời gian qua.

Quy tắc cũng nhấn mạnh nội dung chấn chỉnh đối với hoạt động xã hội, làm từ thiện của nghệ sĩ. Tôi cho rằng quy tắc “công khai, minh bạch, kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự của người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân” là vô cùng cần thiết. Nếu như các văn bản pháp luật điều chỉnh những vấn đề này để ra đời cần có thời gian thì Quy tắc ứng xử lại có thể ban hành nhanh, kịp thời để “tuýt còi” những hành xử không đúng đắn đó.

Tôi cũng cho rằng hoàn toàn khả thi khi Bộ VHTTDL ban hành Quy tắc chung và từ đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật căn cứ để xây dựng những quy tắc ứng xử mang đặc thù riêng. Có thể xem việc ban hành Quy tắc này là tiên phong, về lâu dài thì những điều khoản trong đó có thể sẽ được bổ sung vào các quy định pháp luật. Những quy tắc vì vậy rất có giá trị tham khảo cho các nhà làm luật sau này.

(GS.TS TỪ THỊ LOAN)

“Công chúng sẽ tẩy chay...”

Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sẽ có những tác dụng nhất định với cách hành xử, ứng xử của nghệ sĩ hoạt động tại Việt Nam. Đó là một sự đánh động với người hoạt động nghệ thuật để từ đó, mỗi người sẽ tự điều chỉnh phù hợp với bộ quy tắc - cũng chính là những gì mà khán giả và xã hội mong đợi ở cách ứng xử của một nghệ sĩ chân chính. Quy tắc chỉ có tính khuyến cáo nên tác động chủ yếu là về mặt nhận thức của nghệ sĩ. Tuy nhiên, nó cũng có tác động thông tin tới công chúng để từ đó họ định ra mong đợi đối với cách hành xử của những người làm nghệ thuật.

Quy tắc đưa ra những khung tiêu chí khá cụ thể về ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Để bộ quy tắc phát huy hiệu quả, trước hết cần một khung thảo luận về chủ đề này và bộ quy tắc sẽ là bước đệm để tạo ra các cuộc thảo luận. Còn lại, việc xử phạt phải được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn, song song với đó là sự trừng phạt bằng cách tẩy chay của công chúng. Không thể phủ nhận “án phạt” này là một trong những biện pháp hiệu quả nhất. Ngoài ra, cần xử nghiêm một số vụ cụ thể để làm gương. Truyền thông có nhiệm vụ quảng bá các trường hợp xử phạt thật sâu rộng để nâng cao tính răn đe.

Đối với những câu chuyện thường được nhắc đến gắn với ứng xử của các nghệ sĩ thời gian gần đây như phát ngôn và hành động tùy tiện, quảng cáo sai sự thật, thiếu minh bạch khi tham gia hoạt động xã hội…, việc khuyến cáo sẽ không đủ tính răn đe. Vì vậy, cần bổ sung thêm các quy định pháp luật khác hỗ trợ cho việc xử phạt hành chính. Điều 9, khoản 4 về quy tắc ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội nên bổ sung: Hành xử một cách có trách nhiệm về nội dung mình quảng cáo. Tuy điều này không có tính ràng buộc trách nhiệm thực tế cao nhưng cũng là một khuyến cáo theo tinh thần của một bộ quy tắc, nhằm đánh động một lần nữa với nghệ sĩ trước khi ký hợp đồng quảng cáo.

Về đối tượng, cần điều chỉnh đối tượng được nhắc đến trong dự thảo. Lĩnh vực nghệ thuật gồm nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật và nhiếp ảnh, nên bổ sung thêm nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật ánh sáng, lĩnh vực ngâm thơ, đọc truyện, âm nhạc, nghệ thuật âm thanh, nghệ thuật đường phố, DJ, VJ... Về hành vi, tại điều 3, nên bổ sung phát ngôn là những gì được nói ra ngoài đời thực hoặc những bình luận, đánh giá, check-in địa điểm hoặc bài đăng trên không gian mạng bằng văn bản, từ viết tắt hình ảnh, video, các biểu tượng cảm xúc. Bởi thực tế đã có những cuộc khủng hoảng xảy ra từ việc sử dụng các yếu tố này không phù hợp.

Điều 8, nên dùng từ “không gian mạng” thay cho mạng xã hội. “Không gian mạng” bao gồm tất cả các hình thức truyền thông trên môi trường Internet, là mạng xã hội, báo trực tuyến, trang thông tin trực tuyến, game online, game nhập vai, ứng dụng OTT… Về cách thức truyền thông, tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là sự tự giác. Sự tự giác đến từ việc được học, được tuyên truyền, được biết đến các quy định thế nào là chuẩn mực. Bộ quy tắc cần được đưa vào các trường nghệ thuật, các công ty nghệ thuật để hướng dẫn cho nghệ sĩ trẻ ngay từ trên ghế nhà trường. Song song với đó, cần đưa bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ TT&TT vào giảng dạy tại các trường học và đại học trên phạm vi toàn quốc. Như vậy, công chúng lẫn nghệ sĩ đều được học cách hành xử, ứng xử đúng đắn.

(Chuyên gia quản trị và truyền thông văn hóa NGUYỄN ĐÌNH THÀNH)

 

 PHƯƠNG ANH (lược ghi)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top