Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học ​​​​​​​: Trang bị kỹ năng sống, gắn kết tình thầy trò

Thứ Sáu 01/10/2021 | 10:54 GMT+7

VHO- Thực hiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều mô hình trong các trường đào tạo nghề đã được xây dựng và hình thành để HSSV khi ra trường có thể hòa nhập nhanh nhất với văn hóa công sở, doanh nghiệp.

 Thầy trò trường Cao đẳng Lào Cai Ảnh: NGUYỄN TRANG

Những mô hình như: Đào tạo kỹ năng mềm; Chung tay phòng, chống Covid-19; Sinh viên với văn hóa giao thông; Văn phòng xanh, giảng đường xanh, trường học xanh sạch đẹp; Ban Phát thanh thanh niên hay Điểm hẹn sinh viên… là cơ sở để sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội được tiếp cận và xây dựng cho mình những thái độ, ứng xử trong trường học. Nhờ đổi mới hình thức, phương pháp, nội dung, hình thức ứng xử văn hóa trong nhà trường, có cách làm sáng tạo nên thầy cô giáo và HSSV đều hào hứng tham gia. Ông Phạm Xuân Khánh, Phụ trách trường cho biết, xây dựng văn hóa ứng xử được nhà trường lồng ghép vào các chương trình tìm hiểu pháp luật, đào tạo kỹ năng mềm… Các nội dung nhằm xây dựng mội trường an toàn lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường… cho SV. Đây là môn học bắt buộc, là chứng chỉ chuẩn đầu ra của nhà trường khi tốt nghiệp để SV có đầy đủ kỹ năng sống, tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và cộng đồng.

Trong khi đó, trên cơ sở xây dựng các mô hình hay, sát với nhu cầu thực tiễn, Trường Cao đẳng Du lịch Huế lại tạo lập văn hóa ứng xử bằng cách tổ chức các hoạt động như vệ sinh trường học, 15 phút giờ vàng để sống xanh, sạch, khỏe... “Ngoài kiến thức học tập, SV còn được đào tạo kỹ năng mềm, trong đó có văn hóa ứng xử để sau khi tốt nghiệp chúng em có thể hòa nhập ngay với cơ quan, doanh nghiệp”, Nguyễn Văn Tuấn, SV Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ.

Sau thời gian thực hiện các mô hình văn hóa ứng xử, kết quả mang lại không chỉ là trường lớp xanh sạch mà tình cảm giữa thầy và trò, giữa các HSSV với nhau cũng được gắn kết hơn. Nhiều thầy cô đã tham gia các lớp tập huấn hoặc tự học để nâng cao thái độ ứng xử văn hóa cho bản thân và hướng dẫn giáo dục HSSV. Nhận thức thấy rõ những lợi ích trong quá trình triển khai đề án xây dựng văn hóa ứng xử, không ít trường đã triển khai các hoạt động thiết thực. Nhiều trường đã đưa nội dung xây dựng văn hóa ứng xử thành nội dung thường xuyên, chính thức, mọi nơi, mọi lúc, thực hiện trong toàn trường, phòng, ban.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) tổ chức vừa qua, 14 mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu đã được biểu dương, trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH. Đây là lần đầu tiên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức bình chọn các mô hình xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường. Còn nhiều mô hình tiêu biểu khác sẽ được biểu dương trong thời gian tới như mô hình Văn hóa ứng xử trên môi trường mạng của Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng; Nói lời hay làm việc tốt của Trường Cao đẳng Y dược Sài Gòn… là minh chứng sinh động về hiệu quả của Đề án.

Chia sẻ từ thực tiễn, ông Trần Bá Uẩn, Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên cho rằng, văn hóa ứng xử là một trong những yếu tố để đánh giá trình độ tri thức của mỗi con người, mỗi quốc gia. Do vậy, ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngoài giáo dục kiến thức, kỹ năng thì giáo dục đạo đức cũng rất quan trọng. Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên có tới 90% học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, vì thế nhà trường lựa chọn việc giáo dục phù hợp với văn hóa bản địa của địa phương.

Đánh giá cao các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động xây dựng các mô hình xanh, sạch, đẹp, giữ gìn cảnh quan trường lớp, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đạt tiêu chuẩn, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Tấn Dũng đề nghị các trường tiếp tục triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn còn lại nhằm hoàn thành và vượt các mục tiêu đề ra vào năm 2025. Đồng thời, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở đào tạo nghề; chỉ đạo hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo khung quy định chung đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp đối với cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và văn hóa đặc trưng của các vùng miền…

“Đào tạo nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá mà đất nước đang hướng đến. Xây dựng văn hóa ứng xử là yếu tố then chốt phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Theo đó, nguồn nhân lực phải có sự phát triển toàn diện, trong đó văn hóa ứng xử sẽ là yếu tố đòi hỏi người lao động phải có được. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa. Các em HSSV phải tích cực xây dựng thói quen, lối sống lành mạnh khi ngồi trên ghế nhà trường cũng như lúc trưởng thành ra thị trường lao động; tạo lập hành vi, lối sống đẹp, tạo dựng hình ảnh, tâm thế HSSV giáo dục nghề nghiệp trong mắt bạn bè, nhà trường và xã hội cũng như cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

 NGUYÊN KHANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top