Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

10 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh Alzheimer ở tuổi già

Thứ Sáu 01/10/2021 | 10:33 GMT+7

VHO - Phân biệt và phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh Alzheimer sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của cả bệnh nhân và gia đình của họ đáng kể.

(Ảnh: Istockphoto)

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer thường khó để phân biệt với triệu chứng của quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, có một số biểu hiện là dấu hiệu ban đầu của căn bệnh này, đặc biệt là khi chúng kéo dài và bắt đầu làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày. Nếu được chẩn đoán sớm, tình trạng bệnh có thể được kiểm soát đáng kể, từ đó giúp cuộc sống của bệnh nhân và gia đình của họ trở nên tốt đẹp hơn.

Mất trí nhớ trầm trọng

Tình trạng mất trí nhớ dai dẳng, tiến triển, vượt quá mức bình thường của một người và làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày là triệu chứng ban đầu quan trọng nhất của bệnh Alzheimer. Bệnh nhân có thể quên những ngày và cuộc hẹn quan trọng, cứ hỏi lặp đi lặp lại những câu hỏi giống nhau. Họ có thể ngày càng phải dựa vào viết sẵn lời nhắc nhở bằng văn bản hoặc trên thiết bị điện tử để đối phó với vấn đề này.

10 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh Alzheimer ở tuổi già - Ảnh 1.

(Ảnh: Istockphoto)

Đặt đồ vật sai vị trí

Những người bị bệnh Alzheimer có thể thường xuyên đặt nhầm đồ đạc. Không giống như chứng đãng trí lành tính ở mọi lứa tuổi, họ có thể để đồ đạc ở những nơi không hợp lý, chẳng hạn như ví lại đặt trong hộp đựng đồ ăn tại nhà bếp. Họ cũng phải rất vất vả mới có thể tìm lại các bước để xác định vị trí các đồ vật bị mất. Trong những tình huống như vậy, họ thậm chí có thể cho rằng thành viên trong gia đình lấy cắp tài sản của mình.

Khó sắp xếp suy nghĩ hay lên kế hoạch

Người mắc bệnh này thường cảm thấy khó tập trung và mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc so với trước đây. Thực hiện các nhiệm vụ yêu cầu nhiều hơn một bước hoặc làm nhiều việc cùng một lúc là điều đặc biệt khó chịu. Khả năng xử lý những suy nghĩ trừu tượng của họ cũng ngày càng kém đi.

Khó hoàn thành nhiệm vụ quen thuộc

Những công việc hàng ngày cũng trở nên khó thực hiện với người mắc bệnh Alzheimer. Họ có thể quên cách pha cà phê vào buổi sáng, không nhớ trang phục mình nên mặc hoặc cách buộc dây giày. Họ có thể không nhớ được đường đi đến một địa điểm quen thuộc, quên cách mua hàng hay luật lệ của một trò chơi mình yêu thích.

10 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh Alzheimer ở tuổi già - Ảnh 2.

(Ảnh: Istockphoto)

Định hướng thời gian và địa điểm

Người mắc Alzheimer thường không xác định được ngày tháng, mùa và thời gian đã trôi qua. Họ có thể yêu cầu được ăn vào những thời điểm không thuận tiện, hoặc nghĩ rằng họ đang ở nhà hàng xóm trong khi vẫn ở nhà. Bệnh nhân dễ đi lạc, hoặc chật vật mới có thể trở về nhà sau khi đi dạo. Tình trạng đi lang thang không mục đích ở những người này cũng là điều thường gặp.   

“Vật lộn” với quản lý tài chính

Khó khăn với những con số và những phép tính đơn giản khiến bệnh nhân ngày càng khó xử lý tài chính cá nhân. Họ thường gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn và mua sắm trực tuyến.

Trở ngại trong cảm quan không gian

Bệnh nhân có thể gặp khó khăn kể cả khi di chuyển trong nhà. Nếu phải di chuyển đến một địa điểm mới và không quen thuộc, điều này sẽ càng trở nên trầm trọng hơn. Khó khăn trong việc đánh giá khoảng cách và phân biệt độ tương phản màu sắc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lái xe an toàn của họ.

Khó khăn trong việc dùng ngôn ngữ

Người sống chung với bệnh Alzheimer thường gặp khó khăn khi tham gia hoặc theo dõi một cuộc trò chuyện. Họ thường xuyên tạm dừng và mất nhịp với chuỗi trò chuyện. Điều này có thể dẫn đến việc họ tự lặp lại điều mình nói. Họ cũng có thể biến tấu, tạo ra từ mới để mô tả sự vật sự việc vì không nhớ được tên gọi chính xác.

Phán đoán kém

Bệnh nhân Alzheimer có thể mặc quần áo không phù hợp với mùa, hoặc cư xử không phù hợp trong các dịp giao lưu xã hội. Một biểu hiện khác là chi tiêu “quá tay” mà không hiểu nhu cầu hoặc hậu quả, dễ dẫn đến kiệt quệ tài chính. Ngoài ra, họ có thể không quan tâm đến vệ sinh cá nhân thường ngày.

Rút lui và cô lập bản thân khỏi xã hội

Họ có thể mất hứng thú trong việc duy trì tương tác với các thành viên trong gia đình và xã hội, kể cả đối với người mà họ từng yêu quý và hay trò chuyện. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ cá nhân và công việc của họ.

Thay đổi tâm trạng và tính cách

Bệnh nhân có thể trở nên thờ ơ, bối rối, trầm cảm, sợ hãi hoặc lo lắng. Nghi ngờ và hoang tưởng là 2 hiện tượng phổ biến. Một số người thậm chí còn mắc phải hội chứng Capgras, là tình trạng bệnh nhân có niềm tin phi lý rằng ai đó mà họ biết đã bị thay thế bởi một kẻ mạo danh. Điều này gây ra không ít khó khăn và tổn thương cho các thành viên trong gia đình của họ.

VTV.VN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top