Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Kon Tum: Vì sao dự án hỗ trợ heo giống cho đồng bào không hiệu quả

Thứ Tư 29/09/2021 | 15:13 GMT+7

VHO - Năm 2020 trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) có 4 xã, thị trấn triển khai các dự án Hỗ trợ heo cho người dân vùng khó theo các chương trình 30a và 135 với tổng kinh phí hơn 3,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau gần 1 năm triển khai, dự án không đem lại hiệu quả như mong đợi; đáng buồn hơn khi có tới hơn 60% số lượng heo cấp cho người dân đã bị chết bởi nhiều nguyên nhân.

Heo giống trước khi cấp phát cho người dân được tiêm phòng đầy đủ và nuôi nhốt 30 ngày để thích nghi

Cuối năm 2020, gia đình chị Y Hao ở thôn Xô Luông, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) được UBND xã cấp hỗ trợ 1 con heo giống. Từ lâu, gia đình chị Y Hao đã quen với việc chăn nuôi heo, nên heo sau khi được nhận heo hỗ trợ, chị tiến hành nuôi nhốt cùng với đàn heo của gia đình.

“Mình làm chuồng nuôi heo, không thả rông ra ngoài, thức ăn thì nấu chín lên cho nó ăn. Bây giờ 1 con heo được hỗ trợ và 2 con heo của gia đình vẫn phát triển bình thường, không bị sao cả”, chị Y Hao nói.

Chị Y Hao là một trong số ít hộ dân ở xã Đăk Nên chăm sóc tốt heo giống nên heo cấp hỗ trợ không bị chết. Theo UBND xã Đăk Nên, trong năm 2020, toàn xã có 96 hộ dân được cấp 239 con heo từ dự án phát triển chăn nuôi heo của địa phương. Hiện nay, qua kiểm tra có 139 con heo đã bị chết, chỉ còn lại 100 con.

Ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết, dự án hỗ trợ heo cho người dân do UBND xã làm chủ đầu tư, xã đã hợp đồng với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đặt hàng. Trước khi cấp giống cho người dân, chính quyền địa phương đã kiểm tra, nghiệm thu chất lượng con giống. Đồng thời, hướng dẫn bà con làm chuồng trại, chăn nuôi theo cách thức nuôi nhốt và hướng dẫn bà con cho heo ăn những thức ăn đạt dinh dưỡng.

“Thời điểm cấp phát heo thì rơi vào mùa mưa bão nên việc chăn nuôi thả rông của bà con có thể sẽ khiến heo thiếu chất dinh dưỡng, lạnh và chết dần. Khi heo chết thì người dân không thông báo cho chính quyền địa phương để có hướng xử lý kịp thời. Mãi sau này, khi xã phát hiện thì mới lấy mẫu và gửi mẫu ra Trung tâm để xác minh rõ nguyên nhân heo chết nhưng không tìm ra”, ông Minh nói.

Tương tự, năm 2020 xã Ngọc Tem có 4 dự án dự án phát triển chăn nuôi heo địa phương, UBND xã đã cấp phát 240 con heo giống được cho 80 hộ dân. Sau một thời gian cấp phát, hỗ trợ cho người dân, hiện toàn xã có 108 con heo đã bị chết.

Đàn heo của chị Y Hao - một trong số ít hộ gia đình có đàn sinh trưởng, phát triển tốt

Ông Trần Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem thừa nhận: “Nói về nguyên nhân khách quan heo chết là cho cách chăm sóc của người dân. Bởi vì, heo ở Trung tâm trước khi cấp cho xã thì họ nuôi cho ăn bằng cám và họ nấu chín, rồi vệ sinh chuồng trại. Khi cấp về cho bà con thì thời gian đầu người dân có chăm sóc theo hướng dẫn, tuy nhiên sau đó họ lại quen với kiểu nuôi truyền thống, cho heo ăn thức ăn sống, thả rông nên rất dễ bị bệnh và chết. Cái này không thể nói do giống, vì giống khi tiến hành cấp phát cho dân rất đẹp”.

Theo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông, trong năm 2020 Trung tâm có ký hợp đồng cung ứng giống heo cho UBND 4 xã trên địa bàn huyện, gồm: Đăk Nên, Đăk Ring, Ngọc Tem và Thị trấn Măng Đen với số lượng 857 con, tổng kinh phí hơn 3,2 tỉ đồng.

Ông Phan Ngọc Vinh, Giám đốc Trung tâm nông nghiệp dịch vụ huyện Kon Plông cho biết, số lượng heo giống trung tâm cung ứng cho các xã đáp ứng đủ các điều kiện như: tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả cổ điển… và được nuôi nhốt 30 ngày trước khi cấp phát. Trước khi cung ứng, đơn vị đã mời các cơ quan chuyên môn, UBND các xã để kiểm tra, nghiệm thu. Tại thời điểm cấp phát, ngoại hình bên ngoài đàn heo khỏe mạnh, lông mượt, trọng lượng trung bình mỗi con trên 10kg.

“Trước khi tiến hành cấp giống cho các địa phương để hỗ trợ cho người dân, Trung tâm cùng UBND các xã đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Tuy nhiên, một thời gian sau, số lượng heo giống cấp cho người dân bị bệnh và chết dần”, ông Vinh cho hay.

Ngày 23.9, ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum đã có báo cáo số 609 về kết quả kiểm tra, xác minh tình trạng heo dự án hỗ trợ người dân vùng khó chết hàng loạt. Nội dung báo cáo cho biết, trong năm 2020 có 14 dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi heo địa phương (trong đó, có 9 dự án thuộc chương trình 30a, 5 dự án thuộc chương trình 135) trên địa bàn: thị trấn Măng Đen, xã Đăk Ring, Đăk Nên và Ngọc Tem với kinh phí hỗ trợ hơn 3,2 tỉ đồng. Tính đến 21.9, tổng số heo đã được cấp cho các hộ dân là 857 con, số lượng heo chết là 526 con (chiếm tỉ lệ hơn 60%), số lượng heo còn sống 331 con. Cụ thể, xã Đăk Nên có 139/239 con heo bị chết, Ngọc Tem có 108/240 con heo bị chết và thị trấn Măng Đen có 137/234 con bị chết. Đáng buồn nhất là xã Đăk Ring, khi có tới 142/144 con heo bị chết.

 

Mặc dù được hướng dẫn làm chuồng trại những người dân vẫn quen với phương thức chăn nuôi thả rông, không đảm bảo

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, nguyên nhân khiến heo dự án tại các xã bị chết là do tình hình chăn nuôi của các xã trên địa bàn huyện Kon Plông gặp nhiều bất lợi về thời tiết (từ tháng 9.2020 – 3.2021 là thời điểm rét đậm, rét hại) gây nên tình trạng gia súc, gia cầm bị chết; ảnh hưởng của các cơn bão trong năm 2020 khiến 66 con heo của dự án bị cuốn trôi (thị trấn Măng Đen 41 con, Đăk Ring 21 con); địa phương đã nhiều lần lấy mẫu gửi Chi cục thú y tỉnh, Chi cục thú y vùng IV-V-VI để xác định nguyên nhân gây chết nhưng kết quả không xác định được nguyên nhân, từ đó chưa đề ra phác đồ điều trị, gây khó khăn trong việc khắc phục.

Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh, điều kiện chăn nuôi của người dân còn hạn chế, chế độ ăn uống của đàn heo chưa đảm bảo, người dân vẫn còn nuôi theo hình thức thả rông, chuồng trại không đảm bảo như nền đất, không che chắn vào những ngày rét.

Dự án hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi là hướng đi đúng nhằm giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, để dự án phát huy hiệu quả cao nhất, ngoài việc tổ chức tập huấn cho người dân về phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, chính quyền địa phương cần phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cho người dân để làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ những phương thức chăn nuôi truyền thống, lạc hậu.

NGỌC HÒA

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top