Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Học sinh DTTS bị cắt chính sách hỗ trợ: Làm gì để giữ những bước chân đến trường?

Thứ Tư 29/09/2021 | 10:13 GMT+7

VHO- Bước vào năm học mới 2021-2022, hàng nghìn học sinh bán trú ở các xã đạt chuẩn Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum bị cắt chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện ngành GD&ĐT cùng chính quyền địa phương, các đơn vị trường học đang tìm giải pháp tháo gỡ để đảm bảo duy trì tỉ lệ học sinh ra lớp.

 Do kinh phí ít ỏi nên bữa cơm của học sinh còn rất thiếu thốn

 Năm học 2021-2022, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành, xã Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum) có 255 học sinh. Những năm trước đây, các em được hưởng chế độ hỗ trợ mỗi tháng 596.000 đồng; 15 kg gạo; tiền y tế là 50.000 đồng/học sinh/năm và tiền thể dục là 100.000 đồng/học sinh/năm. Tuy nhiên, ngày 4.6.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861 về việc “Phê duyệt danh sách các khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025”. Bên cạnh đó, ngày 18.6.2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 433 về việc “Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”. Tiếp theo, ngày 7.1.2021, UBND tỉnh Kon Tum có Quyết định công nhận xã Măng Cành là xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Áp theo các quy định trên, học sinh đang theo học tại trường Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành bị cắt hết các chế độ hỗ trợ, bởi các em đã được đưa ra vùng đặc biệt khó khăn.

Thầy giáo Trần Thông, Hiệu trưởng nhà trường lo ngại: “Hiện tại trường chúng tôi có 26 em ở hai thôn Tu Rằng và Tu Ma tham gia học bán trú bởi nhà quá xa (khoảng 17 km). Bước vào năm học mới, nhà trường cũng kêu gọi phụ huynh đóng tiền ăn là 10.000 đồng/học sinh/ngày, tuy nhiên, hiện có 6 em học sinh hoàn cảnh quá khó khăn nên chưa thể đóng. Với mục tiêu không để học sinh nào phải bỏ học nên nhà trường đang cố gắng gồng gánh, nếu các cấp ban ngành tỉnh Kon Tum không có chính sách lâu dài, ổn định để hỗ trợ các em thì nguy cơ các em bỏ học là rất cao”.

Tương tự, năm học này Trường Tiểu học Pờ Ê có 209 học sinh, trong đó 102 em đăng ký học bán trú. Song, vì xã Pờ Ê đã đạt chuẩn Nông thôn mới nên những học sinh này cũng bị cắt hết chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116. Do thiếu kinh phí, nhà trường đã chuyển 16 học sinh khối lớp 3 về học tại điểm trường thôn. Thầy giáo Lê Tấn Trường Anh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, mặc dù các học sinh này không được hưởng chế độ nhưng để đảm bảo việc duy trì sĩ số cũng như công tác nâng cao chất lượng học sinh, nhà trường vẫn phải duy trì bán trú cho các em ăn, ở tại trường. “Trước mắt, chúng tôi kêu gọi hỗ trợ từ các Mạnh Thường Quân để mua lương thực, thực phẩm. Trường cũng tham mưu Đảng ủy, UBND xã phối hợp với các đoàn thể xuống từng thôn vận động phụ huynh đóng góp gạo (dự kiến 5 - 9 kg/1 học sinh/1 tháng) nhưng hiện mới có khoảng 30% phụ huynh đóng góp. Nhà trường cũng tổ chức thực hiện mô hình tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi vịt để cải thiện bữa ăn cho các em. Mặc dù vậy, vẫn có 14 học sinh do hoàn cảnh quá khó khăn nên tạm thời chưa đến lớp”, thầy Anh cho hay.

Theo Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông, năm học 2021-2022, toàn huyện có 6 đơn vị trường, 63 lớp, 1.135 học sinh ở các xã Măng Cành, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen bị cắt chế độ hỗ trợ. Tính đến hiện tại, có 305 học sinh đăng kí nhu cầu ở lại bán trú theo hình thức dân nuôi. Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết, để “giữ chân” học sinh, phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện các văn bản của Huyện ủy, UBND huyện và tham mưu Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết về số lượng học sinh ăn ở tại đơn vị, khẩu phần ăn, các khoản đóng góp về lương thực, thực phẩm, ngày công theo nguyên tắc tự nguyện.

“Phòng GD&ĐT đã vận động được 126 phụ huynh đóng góp với khoảng 10 triệu đồng, hơn 1,2 tấn gạo, khoảng 125 kg rau, củ, quả. Ngoài ra, các đơn vị trường đã vận động được nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ được gần 170 triệu đồng, 500 kg gạo, 60 kg cá khô, 25 thùng mì tôm và 465 suất quà. Để duy trì mô hình học sinh bán trú được ổn định nhằm nâng cao chất lượng học tập của các em, phòng GD&ĐT kiến nghị các cấp ban ngành tỉnh Kon Tum cần sớm có chính sách hỗ trợ lâu dài cho các em học sinh, nhất là học sinh DTTS”.

Trao đổi với Văn Hóa, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, “Sở GD&ĐT cũng đã đề xuất UBND, HĐND tỉnh quan tâm, xem xét vì hiện nay số học sinh người DTTS học tại các trường mầm non, phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện và Trung tâm GDTX tỉnh không thuộc đối tượng được hưởng các chính sách còn rất nhiều. Vì vậy, rất cần thiết để địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ cho những đối tượng này để các em có điều kiện tham gia học tập, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS”, bà Trung thông tin. 

NGỌC HÒA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top