Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phổ biến phim trên không gian mạng: Tiêu chí nào để quyết định tiền kiểm hay hậu kiểm?

Thứ Hai 20/09/2021 | 09:17 GMT+7

VHO- Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội về hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), cuối tuần qua, Ban soạn thảo dự án Luật tiếp tục hoàn thiện Dự thảo. Các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau vẫn tiếp tục được cân nhắc kỹ, đặc biệt câu chuyện tiền kiểm hay hậu kiểm đối với phổ biến phim trên không gian mạng vẫn tạo tranh luận trái chiều.

 Bộ phim “Hai Phượng” do Ngô Thanh Vân sản xuất đã được Netflix mua bản quyền và ra mắt khán giả trên 100 quốc gia

 Theo Ban soạn thảo, quản lý nội dung phổ biến phim trên không gian mạng là vấn đề rất khó, ở cả hai phương án dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đưa ra xin ý kiến đều có những ưu, nhược điểm riêng.

Ưu, nhược điểm từng phương án

Phương án hậu kiểm quy định nhà phát hành, phổ biến phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại.

Nhà phát hành, phổ biến phim thực hiện theo các quy định để tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại, cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem. Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ TT&TT kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định pháp luật. Đây được xem là cách tiếp cận mới, linh hoạt trong bối cảnh phát triển của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý, tăng cường hội nhập quốc tế, thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, phương án này cũng tạo ra sự thiếu công bằng giữa các phương thức phổ biến phim. Việc tự kiểm cũng sẽ có nguy cơ để lọt các sản phẩm phản ánh sai trái lịch sử, nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm, xâm hại trẻ em…, gây hậu quả tiêu cực trong đời sống văn hóa - xã hội, khó xử lý kịp thời, triệt để.

Thứ hai là phương án tiền kiểm, quy định nhà phát hành, phổ biến chỉ được phổ biến phim trên không gian mạng khi có Giấy phép phân loại phim do cơ quan chức năng cấp; phim chưa được cấp phép phải được phân loại trước khi phổ biến. Việc thẩm định, phân loại phim trên không gian mạng trước khi phổ biến sẽ bảo đảm kiểm soát nội dung, công bằng với phổ biến phim tại rạp và trên truyền hình. Tuy nhiên, để thực hiện phương án này, cần nghiên cứu, đầu tư, xây dựng trung tâm kiểm soát với nhân lực trình độ cao, áp dụng công nghệ hiện đại để có thể kiểm tra, giám sát các nền tảng trực tuyến cung cấp nội dung phim. Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ thống chế tài hiệu quả để xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Theo Ban soạn thảo, với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay thì chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này.

Phương án hậu kiểm được đa số thành viên Chính phủ thống nhất, với quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng trong việc tự kiểm duyệt nội dung, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo tiêu chí quy định, đồng thời, phải cung cấp công cụ xử lý vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước về phát hành, phổ biến phim; bảo đảm không vi phạm pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim phổ biến...

Thẩm tra sơ bộ dự Luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất phương án kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích rõ các ưu, nhược điểm của tiền kiểm, hậu kiểm để trình phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Để điện ảnh Việt phát triển và hòa nhập

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội về hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện. Những vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều như đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý phim trên không gian mạng hay Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tiếp tục được cân nhắc, phân tích rõ những ưu, nhược điểm theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về câu chuyện tiền kiểm hay hậu kiểm, ông Vi Kiến Thành khẳng định, mỗi loại hình phim đều có đặc thù, nội hàm và hình thức thể hiện khác nhau, đối tượng khán giả khác nhau, vì vậy cũng cần có cách quản lý khác nhau và khó để có một quy định chung, cách kiểm duyệt chung. Yêu cầu đặt ra là các biện pháp quản lý cần theo xu hướng hội nhập với sự phát triển của điện ảnh thế giới, đặc biệt đối với phim trên không gian mạng. Về phương án kết hợp, theo ông Thành, Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, tuy nhiên đây thực sự là một thách thức. Phương án tưởng chừng tối ưu này sẽ làm khó cho nhà sản xuất lẫn hội đồng, bởi dựa vào tiêu chí nào để quyết định tiền kiểm hay hậu kiểm một tác phẩm? Chưa kể tới những khó khăn chưa thể đáp ứng về giải pháp kỹ thuật công nghệ để kiểm soát nội dung phim.

Việc bàn thảo chọn phương án nào để quản lý phim trên không gian mạng cũng đã nhiều lần nhận được sự quan tâm, chia sẻ những góc nhìn thực tiễn từ giới chuyên môn. TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng, với số lượng phim chiếu trên Internet lớn gấp trăm, gấp ngàn lần phim chiếu rạp, nếu cùng “tiền kiểm” thì không khả thi và khó có hội đồng nào duyệt, cấp phép cho xuể. Xu hướng thế giới là phim trên Internet do các nhà cung cấp dịch vụ OTT tự phân loại và dán nhãn. Nếu theo phương án này, cần phải có quy định thật rõ ràng, không thể suy diễn hay cố ý “hiểu nhầm” về các nội dung bị cấm trong phim, cũng như tiêu chí phân loại đối với từng độ tuổi.

Theo GS.TS Trần Thanh Hiệp, từ Luật Điện ảnh năm 2006 đến nay, nền công nghiệp điện ảnh thế giới, trong đó có Việt Nam, đã có những thay đổi lớn. Sự chuyển đổi từ công nghệ cơ học điện tử sang công nghệ số đã thay đổi tư duy làm phim, cách sản xuất phim, thay đổi phương thức phổ biến và tiếp nhận tác phẩm điện ảnh. Phổ biến phim trên không gian mạng không có trong Luật Điện ảnh 2006, sửa đổi năm 2009. Phim trên không gian mạng có một khối lượng vô cùng lớn, hướng tới thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người xem nhưng không phải phim nào cũng có giá trị nhân văn. Có những nội dung phim làm cho dư luận băn khoăn, lo lắng, bức xúc.

GS Trần Thanh Hiệp nhìn nhận, trong hai phương án được nêu tại dự Luật, phương án tự phân loại phim là phù hợp xu thế phát triển. Vấn đề chính ở đây là công tác thanh tra, kiểm soát, hậu kiểm phải được đổi mới, chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng. “Trong đó, việc quản lý việc phổ biến phim trên không gian mạng thời công nghệ không thể đứng ngoài công nghệ. Những thành tựu của công nghệ có thể trợ giúp đắc lực trong việc nhận biết phát hiện những cảnh khỏa thân khiêu dâm, bạo lực đẫm máu, bản đồ không đúng chủ quyền lãnh thổ và những nội dung bị cấm trong Luật Điện ảnh…”, GS Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh. 

 Với số lượng phim chiếu trên Internet lớn gấp trăm, gấp ngàn lần phim chiếu rạp, nếu cùng “tiền kiểm” thì không khả thi và khó có hội đồng nào duyệt, cấp phép cho xuể. Xu hướng thế giới là phim trên Internet do các nhà cung cấp dịch vụ OTT tự phân loại và dán nhãn. Nếu theo phương án này, cần phải có quy định thật rõ ràng, không thể suy diễn hay cố ý “hiểu nhầm” về các nội dung bị cấm trong phim, cũng như tiêu chí phân loại đối với từng độ tuổi.

(TS NGÔ PHƯƠNG LAN, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam)

 

 BẢO NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top