Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nghịch cảnh xét tuyển đại học 2021: Trung bình 9 điểm mỗi môn vẫn "đứng ngoài cổng trường"

Thứ Sáu 17/09/2021 | 08:30 GMT+7

VHO - Từ chiều 15.9.2021, các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Một số ngành học của một số trường có điểm trúng tuyển trên cả mức điểm tối đa khiến không ít thí sinh “khóc ròng”.

Trung bình 9 điểm vẫn “đứng ngoài cổng trường”

Đứng đầu bảng trong số các trường có điểm chuẩn cao “ngất ngưởng” là ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức (Thanh Hoá). Thí sinh muốn được nhập học phải đạt 30.50 điểm, điều đó đồng nghĩa với việc thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 điểm/3 môn vẫn “trượt”.

Ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn  (ĐH Quốc gia Hà Nội), tổ hợp C00 (văn – sử - địa) năm nay cũng có điểm chuẩn là 30 điểm. Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên thì thí sinh chỉ có thể trúng tuyển với 3 điểm 10.

Ngành Luật Kinh tế, tổ hợp C00 của Trường ĐH Luật Hà Nội năm nay cũng gây “choáng” với điểm trúng tuyển 29.25 điểm; Trường Sỹ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng), tổ hợp C00 điểm chuẩn là 28.50 điểm; Học Viện Báo chí và Tuyên truyền, năm ngoái đã gây sốt với điểm chuẩn khá cao, năm nay tiếp tục có những chuyên ngành vẫn đứng hàng “top” như chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, tổ hợp C15 (Toán, Văn, Khoa học xã hội) với điểm chuẩn 28.60 điểm (thang điểm 30). 

Các trường thuộc khối y dược vẫn giữ vị trí trong các trường “top” như ngành Y khoa của ĐH Y dược TPHCM điểm chuẩn là 28.20 điểm; ĐH Y Hà Nội ngành Y khoa là 28.85 điểm. 

Một số trường “danh tiếng” như Trường ĐH Ngoại thương, năm nay mức điểm thấp nhất vào trường là 28,05 của tổ hợp A00;  Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, năm nay có 3 ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là ngành CNTT: Khoa học máy tính (IT1), ngành CNTT: Kỹ thuật máy tính (IT2) và ngành  Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT E-10), trong đó ngành  IT1 điểm trúng tuyển là 28.43 điểm, IT2, IT-E10 đều trên 28 điểm.

Trường ĐH Hồng Đức gây "choáng" với điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao vượt ngưỡng điểm tuyệt đối

Điểm cao ngất ngưởng đã khiến một số thí sinh dù đạt trung bình 9 điểm/ môn và tự tin đăng ký nguyện vọng 1 vào các chuyên ngành, các trường yêu thích đành “ngậm ngùi” chờ xét tuyển các nguyện vọng sau.

Thí sinh Lê Thu Anh, đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Luật Kinh tế của Đại học Luật Hà Nội, cho biết rất tự tin khi đạt điểm thi tốt nghiệp 28.50, nhưng tối qua, sau khi Trường công bố điểm chuẩn, thì em đã phải tính đến việc chờ xét tuyển các nguyện vọng sau, dù nguyện vọng 1 luôn là chuyên ngành và trường ĐH được yêu thích nhất.

Trần Anh Dũng, đăng ký nguyện vọng 1 ngành IT2 của ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng “trượt” ước mơ vào ngôi trường có chiếc cổng Parabol và đang đợi xét truyển vào Học viện Bưu chính Viễn thông.

Điểm cao do đề dễ, chỉ tiêu ít

Có một điều rất dễ nhận thấy là các ngành có điểm trúng tuyển cao năm nay chủ yếu thuộc tổ hợp C00 (các môn văn – sử - địa). Cô Lê Thị Hồng – giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Quảng Xương 4 – tỉnh Thanh Hoá lý giải: Năm nay có nhiều yếu tố khiến các thí sinh thi các môn tổ hợp xã hội đạt điểm cao, trong đó có yếu tố là đề thi dễ. Lý do là vì từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh liên tục bùng phát ở nhiều tỉnh, thành khiến việc học của học sinh có lúc bị gián đoạn và nhiều nơi phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh trên nhiều tỉnh thành đã khiến cho kỳ thi có lúc tưởng chừng như bị hoãn, thay thế bằng hình thức xét tuyển học bạ. Chính vì vậy, đề thi năm nay dễ hơn so với các năm trước đó, và vì vậy, nhiều thí sinh đạt điểm cao, dẫn đến điểm xét tuyển cao.

Một số giáo viên cũng nhận định, sở dĩ tổ hợp C00, thí sinh có thể đạt 9 điểm môn văn vì ngoài đề dễ, thì cách chấm cũng “thoáng”, thí sinh chỉ cần trình bày được đúng, đủ các ý. Nhiều năm về trước, việc đạt được điểm 8 môn văn là rất khó vì các trường ĐH tự ra đề, việc chấm từng câu trong đề văn cũng rất kỹ càng, nâng lên đặt xuống, kể cả bài văn làm đủ ý thì việc đạt điểm 8 trở lên cũng rất hiếm. Đối với cách ra đề tự luận và chấm như trước đây, khối C (văn – sử - địa) đạt tầm 18 điểm trở lên là có thể đỗ các trường ĐH. Ngoài ra, việc thi trắc nghiệm cũng có phần trăm may mắn cho thí sinh khi không hiểu câu trả lời, nhưng “khoanh bừa” vẫn trúng.

Ngoài lý do đề dễ khiến điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng cao hơn các năm, thì việc điểm chuẩn của một số ngành học, một số trường tăng còn do năm nay các trường áp dụng nhiều phương án xét tuyển như xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng thông qua các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng quốc tế và quốc gia, thi đánh giá năng lực,…

Dù điểm cao nhưng nhiều thí sinh đành ngậm ngùi "Đứng ngoài cổng trường" Đại học

Việc đa dạng hoá các hình thức xét tuyển khiến chỉ tiêu các trường ĐH dành cho việc xét tuyển từ kết quả thi THPT giảm xuống, vì tổng chỉ tiêu không thay đổi. Bên cạnh đó, một số chuyên ngành của một số trường lại có chỉ tiêu thấp, trong khi số lượng thí sinh đăng ký cao nên đã đẩy điểm chuẩn xét tuyển từ kết quả thi THPT lên cao. 

Ví dụ như ngành Hàn Quốc học của ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), tổng chỉ tiêu năm 2021 chỉ có 50, trong khi đó đã có 15 thí sinh được xét tuyển thẳng theo chứng  chỉ Quốc tế, giải thưởng Quốc gia. 35 chỉ tiêu còn lại dành cho xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, trong khi có gần 1.800 thí sinh đăng ký vào chuyên ngành này, vì vậy điểm xét tuyển ở mức tuyệt đối cũng là điều không tránh khỏi.

Việc gia tăng tỉ trọng xét tuyển như trên khiến chỉ tiêu các trường ĐH dành cho xét tuyển từ kết quả THPT giảm xuống. Phổ điểm thi THPT tăng lên trong khi chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết quả thi THPT giảm xuống thì điểm chuẩn tăng lên là điều có thể hiểu được.

Cũng tương tự, chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của trường ĐH Hồng Đức, năm nay cũng chỉ có 15 chỉ tiêu, cho nên dù không thí sinh nào đạt 3 điểm 10 cho 3 môn, nhưng với số điểm từ 28 điểm trở lên, cộng với điểm ưu tiên, thì điểm xét tuyển đã vượt điểm tối đa. Sở dĩ chuyên ngành Sư phạm của ĐH Hồng Đức có điểm cao kỷ lục, là do Chính phủ đã ban hành nghị định mới về hỗ trợ sinh viên sư phạm, trong đó có việc miễn học phí, cấp phí sinh hoạt hàng tháng nên đã thu hút nhiều thí sinh giỏi vào sư phạm, khiến điểm đầu vào tăng vọt so với các năm trước. 

Một lý do nữa cũng khiến điểm chuẩn của các trường “Top” tăng cao, là do tình hình dịch bệnh khiến nhiều thí sinh các trường chuyên hoãn dự định đi du học. Đây là những thí sinh rất xuất sắc, điểm học bạ cao, có nhiều giải thưởng, nhiều chứng chỉ quốc tế và có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nên thường chọn các chuyên ngành “hot”, các trường “top”, khiến chỉ tiêu dành cho các thí sinh còn lại giảm xuống, và sự cạnh tranh trở nên “khốc liệt” hơn.

Tuy có những ngành, những trường điểm chuẩn cao, nhưng đa số vẫn ở mức điểm chuẩn phù hợp. thí sinh cũng có nhiều lựa chọn nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng trước khi điểm chuẩn công bố vài tuần nên việc bị trượt đại học cũng không nhiều, chỉ là không vào được trường hoặc ngành học như mong muốn.

HOÀNG HƯƠNG

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top