Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Dạy và học tại vùng tâm dịch: Chủ động ứng phó để thích nghi

Thứ Tư 15/09/2021 | 10:33 GMT+7

VHO- Dạy và học ứng phó với tình hình mới trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đã và đang được nhiều địa phương khẩn trương thực hiện, đặc biệt là tại các tỉnh, thành đang trong vùng tâm dịch. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng bày tỏ sự lo lắng về việc khó đảm bảo yêu cầu về chất lượng…

 

 Ngành GD&ĐT rất mong các bậc phụ huynh sẽ cùng phối hợp và tạo điều kiện hướng dẫn thêm cho học sinh học tập trực tuyến tại nhà

Học trực tuyến và học qua truyền hình

Là một trong các địa phương có số ca mắc Covid-19 đứng đầu cả nước hiện nay, từ ngày 13.9, gần 700.000 học sinh tỉnh Đồng Nai chính thức bước vào năm học mới theo hình thức học trực tuyến và qua truyền hình. Cụ thể, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, học sinh lớp 6 và lớp 10 sẽ học qua truyền hình kết hợp với trực tuyến. Các lớp phổ thông còn lại sẽ học trực tuyến với giáo viên bộ môn. Để triển khai việc dạy và học hiệu quả, Sở GD&ĐT phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai cũng đã chính thức phát sóng các chương trình dạy học trên truyền hình trên kênh Đồng Nai 2. Lịch phát sóng các chương trình thực hiện theo thời khoá biểu của từng khối lớp với 4 môn chủ đạo là Tiếng Việt, Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Mỗi môn sẽ có thời lượng phát sóng từ 30-45 phút tuỳ theo khối lớp.

Đại diện Sở GD&ĐT Đồng Nai cho biết, đến nay Sở đã phối hợp ghi hình đảm bảo chương trình cho tuần đầu tiên của học kỳ I và đang tiếp tục ghi hình phát cho các tuần kế tiếp. Nội dung mỗi chương trình phát sóng đều được xây dựng với kiến thức cơ bản cốt lõi cùng sự tham gia của hội đồng chuyên môn nhiều kinh nghiệm. Ngoài học trên truyền hình thì học trực tuyến sẽ là hình thức kết hợp chủ đạo. Giáo viên các trường sẽ bám sát vào các tiết dạy để giao bài tập cho học sinh qua các ứng dụng Facebook, Zalo…, sau đó sẽ có hướng dẫn và kiểm tra bài của học sinh. Trong khi đó, học sinh các lớp 7-8-9 và lớp 11-12 sẽ học trực tuyến 100% cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên bộ môn. Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai chia sẻ thêm: “Việc phải học qua truyền hình và trực tuyến là một khó khăn đối với nhiều học sinh, nhất là với bậc tiểu học và những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa có nhiều điều kiện về thiết bị học tập như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay có gắn camera. Do đó, ngành GD&ĐT rất mong trong quá trình học, phụ huynh sẽ cùng phối hợp để nắm chắc thời khoá biểu học tập và tạo điều kiện hướng dẫn thêm cho học sinh tại nhà”.

Được biết, hiện toàn tỉnh Đồng Nai có trên 200 trường học đang được trưng dụng làm các khu cách ly, khu điều trị Covid-19. Lãnh đạo tỉnh cho hay, việc bàn giao trường học lại cho ngành giáo dục để chuẩn bị năm học mới vẫn chưa có thời gian cụ thể vì còn phụ thuộc vào thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Thay đổi kế hoạch từ học trực tiếp sang trực tuyến

Thông tin với Văn hóa, ông Cao Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho hay, tỉnh dự kiến cho học sinh học trực tuyến từ ngày 20.9 thay vì kế hoạch trước đó các em được đến trường nếu như dịch Covid-19 được kiểm soát. Hiện Sở này đang rà soát điều kiện học tập, trang thiết bị, phương tiện đảm bảo học trực tuyến của học sinh để đề xuất hỗ trợ từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Trung ương vừa phát động. Theo ông Hùng, hiện Kiên Giang có nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,... thiếu điều kiện học tập trực tuyến, bên cạnh đó các học sinh lớp 1 bắt đầu làm quen với hình thức học tập này ít nhiều sẽ gặp trở ngại...

Tương tự, tại tỉnh Bình Dương - địa phương có số ca mắc Covid-19 đứng thứ hai cả nước (sau TP.HCM) cũng đã xây dựng kế hoạch học trực tuyến cho học sinh. Theo đó, bắt đầu từ ngày 20.9, học sinh toàn tỉnh sẽ tham gia học trực tuyến và dự kiến kéo dài trong hai tháng đầu tiên của học kỳ I. Việc tổ chức dạy học trực tuyến đã được ngành GD&ĐT thực hiện trong năm học 2020-2021, tuy nhiên thời điểm này vẫn còn những khó khăn, nhất là khi địa phương có phần lớn học sinh là con gia đình công nhân lao động, không có điều kiện chăm lo việc học cho con cũng như kết nối với nhà trường. Theo các giáo viên tại Bình Dương, hiện có một số học sinh được cha mẹ đưa về quê chưa quay lại, một bộ phận cha mẹ phải tham gia lao động “3 tại chỗ” để bảo đảm phòng, chống dịch nên con em không có điện thoại để học...

Mới đây, công điện của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 cho biết, đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lý thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để tưhọc tập. Đối với lớp 1, lớp 2 ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này, khi học sinh đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ. Đối với lớp 3 đến lớp 12, tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp. Hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi.

Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương có thể tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương tổ chức triển khai hiệu quả chương trình phát động quyên góp, ủng hộ “Sóng và máy tính cho em” của Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT. Đặc biệt quan tâm đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên thuộc khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19; hỗ trợ các học sinh thuộc gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì Covid-19. 

TÙNG THƯ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top